Phường có diện tích nhỏ phải sáp nhập theo quy định để địa phương dễ quản lý, giảm một ít biên chế, nhưng về phía người dân, họ chỉ muốn sống yên ổn, làm ăn, buôn bán lo cho gia đình... Vì thế, khó tránh khỏi nỗi e ngại mỗi lần chia tách, sáp nhập địa giới hành chính là một lần làm xáo trộn đời sống trong thời gian dài.
Tương tự, TP.HCM muốn gộp 3 quận: 2, 9 và Thủ Đức để lập thành phố mới với kỳ vọng tạo ra “quả đấm kinh tế”, động lực mới cho sự phát triển trong tương lai. Kinh tế phát triển, thu nhập tăng lên, môi trường sống được cải thiện là ước mơ của đại đa số người dân, nhưng để nhận được thành quả đó cần phải chờ khoảng thời gian dài.
Còn trước mắt, người dân đang lo việc chuyển đổi, điều chỉnh đủ loại giấy tờ từ hộ khẩu, căn cước công dân cho đến số nhà, sổ hồng, sổ đỏ, tài khoản ngân hàng… sẽ khiến họ lui tới các cơ quan hành chính thường xuyên hơn.
Ngoài số lượng giấy tờ cần chuyển đổi nhiều, người dân còn lo lắng vấp phải những thủ tục hành chính rườm rà, nhiêu khê; thậm chí, không loại trừ thái độ hạch sách của một số cán bộ công quyền. Thế nên, điều mà người dân cần nhất thời “hậu sáp nhập” là chính quyền hỗ trợ chuyển đổi các loại giấy tờ trong thời gian ngắn nhất.
Những nỗi lo của người dân cũng đã được TP.HCM lường trước trong đề án và nhấn mạnh trách nhiệm của chính quyền sẽ cử cán bộ hỗ trợ điều chỉnh giấy tờ nhanh nhất và ít tốn kém nhất. Thế nhưng, người dân vẫn chưa thể yên tâm bởi thời điểm thay đổi giấy tờ đang đến gần. Kết quả lấy ý kiến người dân về việc sáp nhập đơn vị hành chính cho thấy phần lớn người dân đồng tình, thế nên, chính quyền cần hành động hiệu quả để xứng đáng với niềm tin đó.
Bình luận (0)