Tất cả các lực lượng thuộc Công an TP.HCM đang ra quân tấn công, trấn áp tội phạm trên toàn thành phố. Song song với hoạt động của ngành, nhiều người dân dũng cảm cũng đã tham gia bắt giữ những kẻ cướp giật trên đường phố hoặc trộm cắp tài sản của công dân để bàn giao cho lực lượng công an xử lý. Nhiều cơ quan truyền thông đưa tin, gọi họ là “hiệp sĩ đường phố”.
Mô hình câu lạc bộ (CLB) phòng chống tội phạm đã xuất hiện nhiều năm qua ở tỉnh Bình Dương, được chính quyền đồng thuận và nhân dân ủng hộ. Các CLB này trở thành cánh tay hỗ trợ đắc lực cho ngành công an trong hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. TP.HCM hoàn toàn có thể tổ chức các CLB như vậy.
Những “hiệp sĩ” này xuất thân từ lao động; có thể là anh thanh niên qua đường, là em sinh viên, là anh chạy xe ôm, là người buôn bán nhỏ... thấy hành vi cướp giật, trộm cắp sai trái mà ra tay can thiệp để cứu giúp các nạn nhân. Họ làm điều mà Hiến pháp đã quy định “Mọi công dân có nghĩa vụ tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội”.
Khi rượt đuổi theo một kẻ cướp hay bí mật quan sát để bắt quả tang một kẻ trộm cắp, họ chỉ làm theo mệnh lệnh của trái tim và khối óc; chắc chắn họ không bao giờ nghĩ đến việc sẽ nhận được phần thưởng gì, quyền lợi gì. Chính vì vậy, chúng ta cũng không cần nghĩ đến việc “tài trợ” cho họ, hiểu theo cái nghĩa được tổ chức hẳn hoi để nuôi dưỡng phong trào. Nói đến phong trào là nói đến cái gì mang tính giai đoạn. Việc của nhân dân thì nhân dân phải lo; hãy cứ để cho mọi hoạt động được xã hội hóa một cách tự nhiên. Những doanh nghiệp hay cá nhân nào thấy anh em họ nặng phần hy sinh, yêu quý họ thì cứ lặng lẽ đến chia sẻ, giúp đỡ.
Bộ luật Hình sự có điều 102 quy định về tội danh không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Điều này có nghĩa là thấy một người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng như bị cướp tấn công, bị giang hồ đón đầu giật xe, bị bọn cho vay lãi nặng bắt cóc... thì mọi người có nghĩa vụ phải can thiệp, giúp đỡ nạn nhân; không thể tự thủ bàng quan để nói đó không phải là việc của mình. Hành động chống lại tội phạm, cứu giúp nạn nhân được coi là hành động vừa phù hợp đạo đức và vừa đúng với quy định pháp luật.
Việc tổ chức họ vào các CLB phòng chống tội phạm là để bồi dưỡng cho các anh em kiến thức về pháp luật và kỹ năng xử lý tình huống để tránh nguy hiểm. Họ phải hiểu rõ việc đánh đập một kẻ quả tang phạm tội sau khi bắt giữ là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Ở đây không có tư thù tư oán; chỉ có mục đích bảo vệ trật tự xã hội là cao nhất.
Người xưa nói “Thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải là người dũng cảm” - Kiến nghĩa bất vi vô dũng giả. Với các anh em tình nguyện xả thân vì xã hội, lòng dũng cảm là có thừa.
Bình luận (0)