'Việc sử dụng sách giáo khoa tiếng Việt 1 Cánh diều gây phản ứng trong nhân dân'

20/10/2020 12:53 GMT+7

Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, việc phát hành và đưa vào sử dụng bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 (bộ Cánh diều) gây ra nhiều phản ứng trong nhân dân.

Bức xúc vì giá sách giáo khoa tăng, có dấu hiệu “lợi ích nhóm”

Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân do Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp 10 Quốc hội khóa 14 sáng 20.10 cho hay, cử tri và nhân dân ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục, chính quyền các cấp đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020. Lễ khai giảng năm học mới được tổ chức phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương, cơ sở giáo dục.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân bức xúc vì giá sách giáo khoa tăng cao so với năm học trước, có dấu hiệu “lợi ích nhóm”; thiếu hướng dẫn và thông tin chưa rõ ràng việc sử dụng sách giáo khoa trong các nhà trường.
"Đặc biệt, việc phát hành và đưa vào sử dụng bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 (bộ Cánh diều) gây ra nhiều phản ứng trong nhân dân. Vừa qua, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã chỉ đạo có biện pháp khắc phục, tuy nhiên cần thường xuyên kiểm tra việc phát hành, sử dụng sách giáo khoa trong nhà trường", ông Mẫn cho biết.
Ngoài ra, cử tri và nhân dân lo lắng trước tình trạng bạo lực học đường vẫn tiếp tục xảy ra ở một số nơi, yêu cầu cần có giải pháp hiệu quả, kịp thời để phòng ngừa, ngăn chặn.
Về lĩnh vực văn hóa, giáo dục, ông Mẫn cũng cho hay, thời gian qua, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều đổi mới, đạt được những kết quả đáng mừng, có giải pháp phù hợp đối với các hoạt động thể thao, du lịch nhằm thích ứng với điều kiện dịch Covid-19.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân rất bức xúc và phản ánh về tình trạng còn nhiều hành vi ứng xử thiếu văn hóa trong cộng đồng; tình trạng phát tán các hình ảnh, bài viết phản cảm, bạo lực, lối sống thiếu lành mạnh, làm ảnh hưởng xấu tới đạo đức xã hội, nhất là thanh, thiếu niên; cần sớm có giải pháp kịp thời chấn chỉnh tình trạng này.

Dành nguồn lực thích đáng trong việc phòng ngừa, chống chịu với thiên tai

Ông Mẫn cũng cho biết, cử tri và nhân dân ghi nhận Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài nguyên - Môi trường, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm hơn đến công tác bảo vệ môi trường, có nhiều nỗ lực trong kiểm soát, xử lý các vi phạm pháp luật về xả thải ra môi trường.
Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề vẫn diễn ra; rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa ở các khu dân cư còn nhiều; việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn khó khăn, thiếu đồng bộ; tình trạng xả thải, đổ trộm rác thải ra môi trường vẫn chưa được kiểm soát tốt; an ninh nguồn nước cần được đặc biệt quan tâm hơn.
Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân phản ánh và lo lắng về vấn đề bảo đảm an toàn hồ, đập, đê chắn sóng ở một số địa phương , mong muốn nhà nước tiếp tục quan tâm bảo đảm đời sống cho nhân dân vùng bị thiên tai, dành nguồn lực thích đáng trong việc phòng ngừa, chống chịu với thiên tai, đặc biệt trong mùa mưa bão.

Đấu tranh chống tham nhũng còn không ít khó khăn, hạn chế

Ông Mẫn cho biết, cử tri và nhân dân rất quan tâm theo dõi quá trình tổ chức đại hội Đảng các cấp và các chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước về một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Cử tri tiếp tục thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng vào quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí.
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã xử lý nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng được tăng cường và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, đấu tranh chống tham nhũng còn không ít khó khăn, hạn chế; vẫn còn tình trạng đối tượng phạm tội tham nhũng tẩu tán tài sản, bỏ trốn, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý; việc thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu công vẫn chưa đạt hiệu quả tích cực.
Cử tri và nhân dân ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong chỉ đạo xử lý, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân; người đứng đầu nhiều địa phương đã thực hiện tốt hơn trách nhiệm tiếp công dân, tăng cường đối thoại trực tiếp với nhân dân để kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn và giải đáp những kiến nghị của người dân.
Tuy nhiên, một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác này, để tình trạng khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp.
Thủ tướng đã chỉ đạo tiếp thu các ý kiến đóng góp để sửa đổi ngay
Báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội sáng 20.10 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định sách giáo khoa lớp 1 theo chương trình mới có một số điểm chưa phù hợp như là một tồn tại, hạn chế cần lưu ý trong thời gian qua. Ông cũng khẳng định: "Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nghiêm túc rút kinh nghiệm, tiếp thu các ý kiến đóng góp để sửa đổi ngay"
Liên quan tới vấn đề giá sách giáo khoa, báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế xã hội do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày cũng lưu ý, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Chính phủ cần triển khai Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa và tài liệu giáo dục địa phương theo đúng lộ trình. Đồng thời, có giải pháp để điều tiết giá sách giáo khoa, bảo đảm nguyên tắc cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.