Viêm họng dai dẳng
Bé N.H.L.P (3 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM trong tình trạng sốt 39 độ C, ho, quấy khóc, bỏ ăn 3 ngày.
Khai thác bệnh sử, bé P. hay viêm họng, sổ mũi. Bé thường ở trong phòng máy lạnh khi ở trường và lúc về nhà; tối ngủ phòng máy lạnh khoảng 22 độ C. Một tuần nay, bé có những triệu chứng trên nhưng uống thuốc không khỏi.
Sau khi khám và nội soi mũi họng, bác sĩ chẩn đoán bé P. viêm họng cấp, kê đơn thuốc, hướng dẫn mẹ bé cách chăm sóc phù hợp và theo dõi sát sao diễn biến của bệnh để tái khám theo lịch hẹn.
Một trường hợp khác, anh D.N.T (27 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) đau họng, khàn giọng, ho khan kéo dài, mệt mỏi. Anh ho nhiều, ho liên tục đến mức anh cảm thấy đau hai bên liên sườn. Anh T. đã mua thuốc uống và ngậm họng 2 tuần qua nhưng không bớt nên đến Bệnh viện đa Khoa Tâm Anh TP.HCM khám.
Kết quả nội soi mũi họng tại Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM ghi nhận họng anh T. sung huyết, loét amidan và hạch cổ sưng to.
Tương tự, bé M.T.K.P (5 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) đến khám tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM trong tình trạng ho liên tục, sổ mũi, đau họng, khó chịu, mệt mỏi… Triệu chứng bệnh xuất hiện cách đây một tuần, khi bé đi bơi và về nhà vào phòng máy lạnh ngay với nhiệt độ 18 độ C.
Sau đó, bé càng nằm máy lạnh càng ho nhiều hơn, càng đau họng nhưng tắt máy lạnh bé lại không chịu được, quấy khóc. Kết quả nội soi, bác sĩ chẩn đoán bé P. bị viêm họng cấp, điều trị nội khoa và tái khám để theo dõi.
Thói quen há miệng khi ngủ tăng nguy cơ viêm họng
Thạc sĩ - bác sĩ CKI Trương Tấn Phát, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, giải thích, nắng nóng làm nhiệt độ tăng cao, mọi người có xu hướng dùng máy lạnh liên tục, kéo dài cả ngày, để nhiệt độ phòng khoảng 17-20 độ C hoặc để luồng không khí lạnh thổi trực tiếp vào mặt, cổ, sau gáy. Chính điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp.
Khi sử dụng máy lạnh, các cửa được đóng kín, không khí lạnh là điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Môi trường lạnh cũng khiến niêm mạc mũi họng bị khô, sức đề kháng của cơ thể suy yếu, thân nhiệt cơ thể bị giảm. Những yếu tố này là cơ hội cho vi khuẩn, virus tấn công niêm mạc họng. Với những người đang bị bệnh, sức đề kháng đang yếu, khi bị vi khuẩn, virus tấn công sẽ khiến cho niêm mạc họng bị tổn thương nhiều hơn, bệnh không hết mà kéo dài dai dẳng.
Đặc biệt, thói quen há miệng khi ngủ trong phòng máy lạnh làm tăng nguy cơ viêm họng. Khi ngủ, tuyến nước bọt không đủ để cung cấp cho cổ họng, trong khi đó máy lạnh hút ẩm trong không khí càng làm cho cổ họng bị khô, rát và đau.
Theo bác sĩ Phát, ngoài thói quen lạm dụng máy lạnh còn có các nguyên nhân khiến nhiều người viêm họng như sử dụng nhiều đồ uống quá lạnh, để quạt hướng thẳng vào người.
Nắng nóng, dùng máy lạnh không nên để nhiệt độ dưới 26 độ C
Bác sĩ Phát khuyến cáo, để phòng ngừa viêm họng khi trời nắng nóng, nếu dùng máy lạnh không nên để nhiệt độ dưới 26 độ C. Nhiệt độ phòng máy lạnh cần ổn định khoảng 26-28 độ C, máy lạnh chỉ nên bật từ 23 giờ đến tầm 3-4 giờ sáng hôm sau. Nên đắp một chiếc chăn mỏng khi ngủ buổi tối, vệ sinh máy lạnh 2-3 lần/năm. Gia đình có trẻ nhỏ cần đảm bảo nhiệt độ tối thiểu là 28 độ C.
Ngoài ra, mọi người nên vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, uống đủ nước (2 lít/ngày), hạn chế ăn đồ quá lạnh, đồ cay nóng; hạn chế hút thuốc, uống rượu bia; đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; hạn chế đến nơi nhiều khói bụi.
Bình luận (0)