Tính đến ngày 21.1, Trung Quốc đã ghi nhận 291 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona - nCoV (trong đó 15 trường hợp là nhân viên y tế mắc bệnh), 5 trường hợp tử vong (các trường hợp này đều có bệnh nền mạn tính).
Trước tình hình đó, ngày 23.1, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã làm việc với Cảng vụ hàng không miền Nam về công tác phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV (viêm phổi cấp) có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng vào dịp nghỉ tết này.
Triển khai giám sát từ sân bay, cảng biển đến cộng đồng
Theo đó, Sở Y tế, Cảng vụ hàng không miền Nam, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Công an đồn cửa khẩu Tân Sơn Nhất, Hải quan Tân Sơn Nhất, Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tậm kiểm soát bệnh tật (HCDC) đã thống nhất phối hợp giám sát chặt chẽ thân nhiệt hành khách quốc tế nhập cảnh vào sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, đặc biệt là hành khách đến từ TP.Vũ Hán, Trung Quốc và các tỉnh khác có nguy cơ cao thuộc Trung Quốc.
|
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế TP, cho biết trung tâm triển khai 2 máy đo thân nhiệt, khi phát hiện trường hợp mắc bệnh hô hấp cấp như ho, khó thở, mệt mỏi thì sẽ mời vào khu vực khám lâm sàng, điều tra dịch tễ.
Nếu trường hợp phát hiện ca bệnh nghi ngờ thì sẽ cách ly, vận chuyển đến các bệnh viện, đồng thời khử trùng tốt nhất bảo đảm không để lây lan mầm bệnh.
Công an cửa khẩu, hải quan sẽ hỗ trợ thủ tục nhập cảnh, cho nhận hành lý nhanh với những hành khách nghi ngờ nhiễm bệnh. Đồng thời cũng sẽ cung cấp danh sách những hành khách ngồi gần người nghi ngờ mắc bệnh để địa phương giám sát ngoài cộng đồng.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa phát hiện ca bệnh nào thuộc diện phải cách ly, điều trị.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cho biết Sở đã đã chỉ đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận người bệnh là người lớn; 3 bệnh viện nhi: Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng TP tiếp nhận bệnh nhân là trẻ em. Ngoài kiểm soát hành khách nhập cảng qua sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, ông Hưng còn yêu cầu các cơ quan hữu quan kiểm soát hành khách ở các cảng biển; kiểm soát từ cộng đồng và bệnh viện.
Các xét nghiệm, chẩn đoán phải do Viện Pasteur thực hiện
“Đối với Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế, nếu có ca bệnh có yếu tố nghi ngờ mắc bệnh đường hô hấp cấp do chủng vi rút mới là nCoV thì phải chuyển người đến bệnh viện mà Sở chỉ đạo bằng phương tiện xe cấp cứu của Viện 115. Các mẫu xét nghiệm chẩn đoán xác định phải do Viện Pasteur TP thực hiện”, bác sĩ Hưng nói.
|
Ở tất cả các bệnh viện khác, với những ca bệnh nghi ngờ viêm phổi cấp cũng phải lấy mẫu gửi Viện Pasteur để xét nghiệm khẳng định, đồng thời phải giữ lại cách ly người bệnh. Đối với trường hợp xét nghiệm khẳng định bị viêm phổi cấp do vi rút mới này thì cơ sở khám chữa bệnh sẽ chuyển người bệnh về các bệnh viện Sở chỉ định để điều trị, theo dõi. Ngoài ra, cần tư vấn cho người nhà có tiếp xúc người các biện pháp phòng ngừa (cách ly trong vòng 14 ngày) để tránh lây lan trong cộng đồng.
Đối với hệ dự phòng, các trung tâm y tế quận huyện thì sẽ tham gia hệ thống giám sát cộng đồng với trường hợp đi về từ vùng dịch, phát hiện ngay các ca bệnh có triệu chứng nghi ngờ, đưa về hệ thống khám chữa bệnh để cách ly, điều trị.
Sẵn sàng chống dịch ngày tết
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc HCDC cho biết, đã cấp phát hóa chất, tư trang cho các bệnh viện là 8.000 kg Chloramin B 25%, 5.500 khẩu trang y tế, 2.400 khẩu trang N95, 780 bộ trang phục chống dịch, 2.000 chai dung dịch sát khuẩn nhanh bàn tay cho các bệnh viện, các đội cơ động chống dịch của TP và quận huyện.
|
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng chỉ đạo trong thời điểm hiện tại, việc nghỉ tết là rất dài nên các phòng ban, trung tâm phải trực gác nghiêm túc để khi có dịch xảy ra thì trước khi huy động lực lượng tăng cường thì lực lượng tại chỗ phải giải quyết được...
Ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết thêm, lãnh đạo Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế chia nhau trực ở sân bay trong những ngày tết, còn nhân viên thì không được đi khỏi TP.
Bình luận (0)