Viễn cảnh bất ổn của quan hệ Hàn - Mỹ nếu bà Park bị phế truất

10/12/2016 18:34 GMT+7

Khả năng Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị phế truất đang mở ra một tương lai bất ổn cho mối quan hệ đồng minh giữa nước này với Mỹ.

Quốc hội Hàn Quốc ngày 9.12 thông qua bản kiến nghị luận tội Tổng thống Park Geun-hye về vụ bê bối liên quan đến người bạn thân Choi Soon-sil. Bà Park đã bị đình chỉ quyền lãnh đạo đất nước cho đến khi Toà án hiến pháp ra phán quyết có phế truất bà hay không.
Việc bà Park có thể bị phế truất dẫn đến một viễn cảnh bất ổn cho mối quan hệ đồng minh giữa Hàn Quốc và Mỹ, trong lúc Triều Tiên vẫn đang tiếp tục chương trình phát triển hạt nhân, còn chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ cân nhắc về kế sách đối phó với Bình Nhưỡng. Ông Trump từng bày tỏ sự ngưỡng mộ với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và tuyên bố sẵn sàng gặp mặt để nói chuyện.
Theo chuyên san Foreign Policy, Toà án hiến pháp Hàn Quốc sẽ có 6 tháng để quyết định có phế truất Tổng thống Park hay không. Nếu bà Park bị phế truất, Hàn Quốc sẽ tổ chức bầu cử sớm trong vòng 60 ngày sau đó để chọn ra tổng thống mới. The Wall Street Journal ngày 9.12 cho biết hầu hết các cuộc khảo sát gần đây đều cho thấy các ứng cử viên cánh tả đối lập sẽ giành phần thắng.
Các đảng đối lập trung tả vốn mạnh lên sau khi giành đa số ghế ở quốc hội Hàn Quốc hồi tháng 4 (tổng số ghế của các đảng này tại quốc hội nhiều hơn đảng cầm quyền Saenuri). Các đảng này được cho là không tin tưởng vào mối quan hệ đồng minh Mỹ - Hàn và có thể sẽ có những đường lối gây ảnh hưởng đến các chính sách mà Mỹ và chính quyền dưới thời bà Park đã thoả thuận, trong đó có kế hoạch triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Các lãnh đạo đối lập được cho là thấy lo lắng về kế hoạch triển khai THAAD tại Hàn Quốc vì e ngại sự phản đối mạnh mẽ của Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng việc triển khai THAAD có thể khiến Triều Tiên đẩy mạnh các vụ phóng thử tên lửa, theo The Christian Science Monitor. Trong cuộc họp báo ngày 9.12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cũng tuyên bố phản đối hành động này vì nó "gây hại đến lợi ích về an ninh chiến lược của Trung Quốc".
Bên cạnh đó, ông Moon Jae-in, một trong những ứng cử viên tổng thống hàng đầu của phe đối lập Hàn Quốc là người theo đuổi chính sách đối thoại và hợp tác kinh tế với Triều Tiên. Điều này trái ngược với chính sách dưới thời bà Park và ông Obama là liên tục đưa ra các biện pháp trừng phạt cứng rắn với Triều Tiên.
Người biểu tình kêu gọi luận tội Tổng thống Park tại thủ đô Seoul ngày 9.12 AFP
Ngoài viễn cảnh chính quyền mới của Hàn Quốc có thể sẽ có cách tiếp cận gần gũi hơn với Trung Quốc và mềm dẻo hơn với Triều Tiên, khả năng về sự suy giảm hợp tác quân sự, kinh tế giữa Hàn Quốc và Mỹ cũng có thể xảy ra.
Theo các quan chức ngoại giao 2 nước, mối quan hệ song phương Hàn - Mỹ dưới thời Tổng thống Park và người tiền nhiệm Lee Myung-bak trở nên gần gũi nhất kể từ thời kỳ chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên Tổng thống đắc cử Trump trong thời gian tranh cử đã tỏ ra không quan tâm đến việc tăng cường mối quan hệ này. Ông Trump thay vào đó doạ sẽ rút hết lực lượng Mỹ khỏi Hàn Quốc nếu nước này không chi đủ tiền hỗ trợ cho 28.500 lính Mỹ đồn trú tại đây.
Bên cạnh đó, ông Trump cũng phản đối thoả thuận thương mại tự do giữa 2 nước ký kết năm 2012, vì cho rằng thoả thuận này không công bằng với các doanh nghiệp Mỹ. Đảng Dân chủ, có số ghế nhiều thứ 2 sau đảng cầm quyền Saenuri tại quốc hội Hàn Quốc, cũng mạnh mẽ phản đối thoả thuận này vì thuế nhập khẩu đối với hàng hoá Mỹ được giảm nhiều, gây hại đến ngành sản xuất trong nước.
Nhiều cuộc biểu tình của nông dân và các liên đoàn lao động Hàn Quốc đã diễn ra nhằm phản đối Tổng thống Park. Họ kêu gọi chính quyền có những chính sách bảo vệ nền công nghiệp, thương mại trong nước và bảo hộ cho những mặt hàng như gạo.

tin liên quan

Mỹ trấn an đồng minh châu Á
Trong chuyến thăm chào từ biệt châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter cam kết với các đồng minh tại đây rằng Mỹ luôn có lợi ích lâu dài ở châu Á - Thái Bình Dương.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner ngày 10.12 tuyên bố chính quyền Mỹ vẫn giữ chính sách kiên định đối với mối quan hệ thương mại và kinh tế, tiếp tục bảo vệ Hàn Quốc chống lại mối đe doạ từ Triều Tiên. Ông Toner đồng thời nhấn mạnh liên minh Mỹ - Hàn là trọng tâm của an ninh khu vực, theo AP.
Tuy nhiên ông Park Cheol-hee, chủ nhiệm phòng Nghiên cứu quốc tế sau đại học tại Đại học quốc gia Seoul (Hàn Quốc), nhận định sự thay đổi quyền lực ở nước này và việc ông Trump thắng cử có thể tạo ra sự bất ổn về mối quan hệ song phương trong một khoảng thời gian nhất định.
Chuyên san Foreign Policy thì dự đoán nền chính trị ở Hàn Quốc sẽ bất ổn trong vài tháng, sau đó việc ông Trump nhậm chức hứa hẹn sẽ tăng thêm sự bất ổn cho tương lai của châu Á cũng như vị trí của Hàn Quốc trong chính sách xoay trục về châu Á "sắp chết yểu" của Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.