Viễn cảnh chiến đấu cơ thế hệ 6

31/08/2018 07:45 GMT+7

Trong lúc tiêm kích tàng hình F-35 vẫn thu hút sự quan tâm từ nhiều đồng minh của Mỹ, cuộc đua thiết kế chiến đấu cơ thế hệ 6 đang tăng tốc, đặc biệt với những nước bỏ qua thế hệ 5.

Hiện Mỹ đang triển khai 2 dự án, gồm máy bay tàng hình tầm xa tháp tùng oanh tạc cơ tàng hình và dòng FA-XX của hải quân. Boeing, Lockheed Martin và Northrop Grumman cũng lần lượt công bố các khái niệm thế hệ máy bay thứ 6. Trong khi đó, một số nước như Pháp, Đức, Anh, Nga, Nhật Bản chọn cách “đi tắt đón đầu” đến chiến đấu cơ thế hệ 6 khi quyết định ngừng hoặc bỏ qua nỗ lực chế tạo thế hệ 5 vì quá tốn thời gian và tiền bạc. Pháp, Đức, Anh đang trong giai đoạn đầu phát triển chiến đấu cơ tương lai mang tên FCAS, trong khi Nga từ bỏ dự án Su-57 để chuyển sang MiG-41, còn Nhật Bản nuôi tham vọng chế tạo máy bay tàng hình F-3.
[VIDEO] Hải quân Mỹ đưa chiến đấu cơ F-35 lên tàu sân bay để kiểm nghiệm thực chiến giữa đại dương
Tàng hình và mang tên lửa tầm xa
Theo phân tích của chuyên gia trên trang War Is Boring, 2 đặc điểm then chốt của các chiến đấu cơ thế hệ 5 được cho là sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng đối với thế hệ kế tiếp, gồm bộ khung tàng hình và tên lửa tầm xa. Trong lúc các hệ thống tên lửa phòng không như S-400 có thể đe dọa ở một không phận rộng lớn, máy bay tàng hình vẫn cần được trang bị năng lực xuyên thủng các hàng phòng thủ chống tiếp cận/xâm nhập, đồng thời triệt tiêu hệ thống tên lửa đất đối không từ khoảng cách an toàn. Bên cạnh đó, các lá chắn phòng thủ khác bao gồm phá sóng viễn thông, chiến tranh điện tử và chặn tầm nhìn hồng ngoại càng được phát triển để tăng khả năng che chắn cho máy bay. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các tên lửa không đối không tốc độ cao như Meteor (Anh) và PL-15 (Trung Quốc) cho thấy tại sao các chiến đấu cơ tương lai nhiều khả năng phải tham chiến ở khoảng cách rất xa.
Trong vài thập niên qua, các nhà phân tích sức mạnh không quân đã dự đoán về sự quá độ từ máy bay có người lái sang không có người lái. Hiện công nghệ máy bay tự lái đang có những bước tiến ngoạn mục, nhưng các lực lượng không quân và hải quân vẫn chưa vội vã về vấn đề này. Vì vậy, các khái niệm chiến đấu cơ thế hệ thứ 6 hiện phát triển theo hướng tùy chọn tự lái, có nghĩa là phi công có thể trực tiếp điều khiển máy bay hoặc máy bay hoạt động theo cơ chế không người lái. Đây là sự lựa chọn cho phép cấp chỉ huy trong tương lai gần vẫn có thể triển khai chiến đấu cơ cho các sứ mệnh nguy hiểm mà không đối mặt với nguy cơ tổn thất nhân lực (phi công).
Các tính năng khác được dự kiến sẽ xuất hiện ở dòng máy bay chiến đấu tương lai bao gồm phóng hàng loạt thiết bị bay không người lái cho các mục đích như thu thập dữ liệu, tấn công bầy đàn và làm thiết bị mồi đánh lạc hướng đối phương. Đồng thời, những dòng vũ khí laser hoặc vi sóng cũng đang được nghiên cứu và dự kiến triển khai cho các chiến đấu cơ thế hệ mới trong các thập niên tới.
Dệt mạng lưới trên bầu trời
Một trong những phát minh then chốt của tiêm kích tàng hình F-35 là năng lực thâu tóm mọi dữ liệu thu được từ hệ thống cảm biến và chia sẻ thông tin đó cho các lực lượng từ trên bộ, trên biển đến quỹ đạo trái đất, tạo ra “bức tranh” toàn cảnh bằng cách “dệt mạng lưới” thông tin bao phủ bầu trời. Điều này cho phép máy bay tàng hình tiếp tục khai thác dữ liệu của đối phương, trong khi các đồng đội ở những vị trí khác di chuyển vào vị trí đắc địa và phóng tên lửa về hướng mục tiêu mà không cần bật radar, tạo nên đòn tấn công tổng lực. Vì chiến thuật trên hứa hẹn mang đến lợi thế mạnh mẽ cho sự phối hợp của các lực lượng, các cảm biến ngày càng thông minh hơn tiếp tục là tương lai của chiến đấu cơ thế hệ thứ 6, cho phép tăng cường khả năng phối hợp giữa các cánh quân để tiếp cận mục tiêu. Sự phối hợp giữa các quân chủng được dự đoán sẽ càng chặt chẽ hơn với sự tích hợp hệ thống vệ tinh tình báo, cũng như từ các máy bay không người lái (UAV) bay kèm chiến đấu cơ.
Tích hợp các hệ thống cảm biến và tùy chọn tự lái đồng nghĩa với việc các chiến đấu cơ tương lai sẽ dựa vào mạng lưới chia sẻ dữ liệu, với điểm yếu là làm sao bảo vệ các hệ thống này trước nguy cơ bị tin tặc tấn công hoặc phá sóng. Vì vậy, các chiến đấu cơ thế hệ 6 không những cần được trang bị năng lực chiến tranh điện tử và chiến tranh mạng mà còn phải sở hữu vũ khí lợi hại đáp trả đối phương. The National Interest đưa tin không quân Mỹ đã thử nghiệm thành công năng lực xâm nhập các mạng lưới và chèn những gói dữ liệu (như vi rút, mã độc) vào mạng của đối thủ. Điều này chỉ có thể thực hiện được nhờ trí thông minh nhân tạo (AI), giúp quản lý hệ thống cảm biến, viễn thông và vũ khí đang ngày càng phức tạp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.