Con người vốn sống dưới lòng đất từ nhiều triệu năm trước, để lại dấu tích qua những bức bích họa nguệch ngoạc trên thành hang động. Ở Tunisia, nhiều người vẫn tiếp tục cư ngụ trong các ngôi nhà được đào sâu dưới lòng đất, theo tạp chí The Atlantic. Tại ngôi làng trong lòng đất ở thị trấn Coober Pedy thuộc Nam Úc, người dân địa phương cầu nguyện trong nhà thờ, còn du khách qua đêm trong những căn phòng cách mặt đất vài mét.
Nỗ lực khai thác lòng đất vẫn tiếp tục khi nhiều thành phố duy trì hệ thống đường hầm để ứng phó với mùa đông lạnh giá. Ngoài ra, nhu cầu mở rộng không gian sinh hoạt ngày càng tăng khi dân số quá tải, tình trạng biến đổi khí hậu và lương thực khan hiếm đang tác động tới cuộc sống trên mặt đất.
Phát biểu tại Hội nghị Đường hầm thế giới (WTC) 2019, diễn ra tại thành phố Naples của Ý hồi tháng 5 vừa qua, kỹ sư Han Admiraal ở Hà Lan cảnh báo: “Nhân loại đang tiến dần đến điểm cần phải bắt đầu tìm kiếm thêm không gian”, theo AFP.
Từ trồng rau nuôi cá…
Kỹ sư Admiraal, chuyên gia hơn 20 năm kinh nghiệm về lĩnh vực xây dựng đường hầm, chỉ ra nhân loại đang thất thoát đất đai nông nghiệp với tốc độ báo động mỗi năm (do đất dần khô cằn, đô thị hóa nhanh và khai thác thiếu khoa học), trong khi nhu cầu lương thực trên thế giới gia tăng theo đà phát triển dân số. “Không gian trong lòng đất có thể dễ dàng sử dụng cho hoạt động trồng lương thực”, theo nhận định của kỹ sư Admiraal trong lúc tham quan đường hầm Bourbon ở Ý.
Những phát triển khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp như kỹ thuật tích hợp trồng rau với nuôi cá được cho là có thể giải tỏa áp lực cung cấp lương thực - thực phẩm cho các đô thị, đồng thời cắt giảm đáng kể chi phí vận chuyển nếu các nông trường nằm bên dưới lòng đất. Kỹ sư Admiraal cho hay những loại cây trồng hạt nhỏ như thì là, củ cải, rau mùi, rau diếp, hiện đã được chuyển xuống gieo trồng trong các đường hầm ở một số nơi. “Chúng ta có thể mở rộng ra các sản phẩm như đậu nành, đậu lupin, để tạo nên các nông sản giàu protein thay thế cho thịt”, kỹ sư Admiraal phân tích.
… Đến các đô thị ngầm
Theo nhà hoạch định đô thị người Ý Antonia Conaro, thành viên Ủy ban Không gian trong lòng đất quốc tế ITACUS, các thành phố đang phải giải quyết bài toán dân số và chật vật tìm kiếm nguồn lực nuôi sống người dân, cũng như sáng kiến mới để mở rộng diện tích sinh hoạt cho cộng đồng, theo AFP dẫn lời bà Conaro.
Một ý tưởng từng được đề xuất là xây các thành phố nổi trên mặt biển. Tuy nhiên, các nhà hoạch định phát hiện đây không phải giải pháp tốt sau khi tính toán các mức độ ảnh hưởng đối với môi trường biển, chưa kể khó khăn trong quá trình xây dựng.
Thay vào đó, giải pháp khả thi hơn là chuyển xuống lòng đất. Từ Boston (Mỹ) đến Oslo (Na Uy), Rio de Janeiro (Brazil) hay Sydney (Úc), các cấu trúc công cộng như đường cao tốc đa làn xe đang được di chuyển dần xuống lòng đất.
Các đô thị như Singapore và Hồng Kông đã bắt đầu điều chỉnh luật để cho phép di chuyển mọi thứ từ trường đại học đến thư viện, trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim và nhà thi đấu thể thao xuống lòng đất. Trong đó, đảo quốc sư tử vừa công bố giai đoạn đầu tiên về kế hoạch này hồi tháng 3.
Tờ The Straits Times đưa tin giới hữu trách đã trình làng các bản đồ bên trong lòng đất của Marina Bay, quận Sáng kiến Jurong và quận Kỹ thuật số Punggol. Theo đó, bản đồ thể hiện vị trí chính xác của hệ thống xe buýt, tàu điện, bãi đỗ xe, đường dành cho người đi bộ… ở độ sâu lần lượt 8 m, 15 m và 25 m cho Jurong, Punggol và Marina Bay. Giáo sư Đại học Quốc gia Singapore - Yong Kwet Yew ủng hộ phương án trên và dẫn ra một số mô hình thành công tại những thành phố khác như Montreal (Canada) và Helsinki (Phần Lan).
Bình luận (0)