Viễn cảnh Hàn Quốc chế tạo vũ khí hạt nhân

05/03/2016 10:30 GMT+7

Theo các chuyên gia, đã bắt đầu manh nha khả năng Hàn Quốc đơn phương theo đuổi vũ khí hạt nhân do các nguy cơ từ CHDCND Triều Tiên.

Theo các chuyên gia, đã bắt đầu manh nha khả năng Hàn Quốc đơn phương theo đuổi vũ khí hạt nhân do các nguy cơ từ CHDCND Triều Tiên.

Tên lửa Hàn Quốc tham gia một cuộc diễu binh - Ảnh: AFPTên lửa Hàn Quốc tham gia một cuộc diễu binh - Ảnh: AFP
Chuyên gia về vũ khí hạt nhân Mark Fitzpatrick thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, Anh) nhận định Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan là 3 “thế lực hạt nhân tiềm tàng” ở Đông Bắc Á.
Trong cuốn sách mới vừa xuất bản mang tên Asia's Latent Nuclear Powers: Japan, South Korea and Taiwan (tạm dịch: Những thế lực hạt nhân tiềm tàng của châu Á: Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan), ông Fitzpatrick lập luận rằng 3 nước và vùng lãnh thổ này có chương trình hạt nhân dân sự rất phát triển, đồng thời sở hữu nhiều công nghệ lưỡng dụng có thể quân sự hóa để chế tạo vũ khí.
Theo ông Fitzpatrick, Hàn Quốc đang đối mặt mối đe dọa hạt nhân từ CHDCND Triều Tiên, Đài Loan đương đầu với Trung Quốc đại lục ngày càng mạnh bạo và cũng sở hữu vũ khí hạt nhân, còn Nhật Bản vướng vào tranh chấp chủ quyền cùng những bất đồng về lịch sử với cả Hàn Quốc lẫn Trung Quốc.
Tuy nhiên, là nước duy nhất đến nay hứng chịu hậu quả hủy diệt của bom hạt nhân nên chắc chắn dư luận Nhật Bản không bao giờ chấp nhận loại vũ khí này hiện diện trên lãnh thổ. Tham vọng hạt nhân của Đài Loan thì đã bị chặn đứng trong thập niên 1980 và đang nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của Mỹ. Vì thế, chuyên gia Fitzpatrick nhận định: “Nếu có một nhà nước vũ khí hạt nhân mới nổi lên ở Đông Bắc Á thì Hàn Quốc có khả năng lớn nhất”.
“Chỉ cần 2 năm”
Để dẫn chứng cho ý kiến của mình, chuyên gia Fitzpatrick đưa ra kết quả một số cuộc khảo sát gần đây cho thấy 2/3 số người được hỏi ở Hàn Quốc ủng hộ lựa chọn chế tạo vũ khí hạt nhân. Thậm chí sau khi Triều Tiên thử bom nhiệt hạch hồi tháng 1 và đến ngày 7.2 tiếp tục phóng tên lửa đẩy mang vệ tinh, Yonhap dẫn lời nghị sĩ Won Yoo-cheol thuộc đảng cầm quyền Saenuri ngày 15.2 kêu gọi Seoul tự phát triển vũ khí hạt nhân hoặc cho phép Mỹ tái triển khai loại vũ khí này trên lãnh thổ để ứng phó miền Bắc.
Theo chuyên gia Fitzpatrick, Hàn Quốc đủ khả năng phát triển vũ khí hạt nhân trong vòng 2 năm. Seoul được cho là sẽ mất từ 4 - 6 tháng để làm giàu uranium và tái chế những thanh nhiên liệu đã qua sử dụng, đồng thời bỏ ra thêm khoảng hơn 1 năm để thiết kế cơ sở chế tạo, đào tạo chuyên gia. Hàn Quốc hiện nay đã có bí quyết chế tạo tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và có nhiều kinh nghiệm về hạt nhân dân sự. Đầu đạn tên lửa thông thường hiện nay của quân đội Hàn Quốc được cho là có đường kính khoảng 0,52 - 0,54 m nên nước này thừa kinh nghiệm và khả năng thu nhỏ thiết bị hạt nhân đủ gắn lên tên lửa.
Ngoài ra, giới quan sát cũng lưu ý rằng vào năm 1974, Tổng thống Hàn Quốc Park Chung-hee đã bật đèn xanh cho chương trình phát triển công nghệ vũ khí hạt nhân, theo Viện Nghiên cứu an ninh bền vững Nautilus (Mỹ). Tuy nhiên, đến tháng 12.1976, ông Park ra lệnh đình chỉ do sức ép của Mỹ. Từ đó đến nay, Washington liên tục có những động thái cam kết hỗ trợ an ninh cho Seoul nhằm trấn an và ngăn ngừa đồng minh “làm liều”.
Tranh cãi quyết liệt
Tuy nhiên, những hành động liên tục của Triều Tiên trong thời gian qua cùng các cảnh báo từ Mỹ về tiến bộ trong chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này đã khiến nảy sinh tranh cãi quyết liệt ở Hàn Quốc xung quanh câu hỏi: có nên theo đuổi vũ khí hạt nhân hay không.
Những người ủng hộ lập luận rằng sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ giúp Hàn Quốc có đủ “bài tẩy” trong cuộc đương đầu với miền Bắc, không phải sống trong phập phồng lo sợ, đồng thời đẩy mạnh niềm tự hào quốc gia, giảm phụ thuộc an ninh vào Mỹ và tiết kiệm chi tiêu phát triển sức mạnh quân sự truyền thống. “Những lời kêu gọi về vũ khí hạt nhân gửi thông điệp mạnh mẽ tới Mỹ rằng Hàn Quốc nghi ngờ về khả năng đảm bảo an ninh của Mỹ trong trường hợp xảy ra bất ổn trên bán đảo Triều Tiên”, nhà nghiên cứu Yang Wuk thuộc Diễn đàn an ninh và quốc phòng Hàn Quốc nhận định với Yonhap.
Trong khi đó, phía phản đối cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng về quân sự, kinh tế và ngoại giao mà Hàn Quốc sẽ gánh chịu. Chiến lược hạt nhân trên thế giới hiện nay đặt nặng vào tính răn đe và phòng ngừa. Tức là các cường quốc hạt nhân đặt nhau vào thế không ai dám khai chiến trước vì sẽ dẫn đến trả đũa, kéo theo một cuộc chiến hủy diệt cho tất cả. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng Triều Tiên luôn có động thái khó lường và không thể đoán định trước nước này sẽ làm gì một khi miền Nam cũng theo đuổi vũ khí hạt nhân.
Mặt khác, chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt sẽ khiến Hàn Quốc đánh mất sự ủng hộ của đa số dư luận quốc tế và Mỹ sẽ lập tức cắt đứt quan hệ đồng minh, rút hết lực lượng ra khỏi bán đảo. Ngoài ra, Yonhap dẫn lời chuyên gia Balbina Hwang cho rằng nền kinh tế dựa trên xuất khẩu của Hàn Quốc sẽ “sụp đổ ngay lập tức” do trừng phạt của LHQ.
Để trấn an dư luận đồng thời “nhắc khéo” Mỹ, chính phủ Hàn Quốc mới đây đã khẳng định “tầm nhìn về một bán đảo phi hạt nhân sẽ không thay đổi với sự hậu thuẫn an ninh của Mỹ”, theo Yonhap.
Triều Tiên sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân
KCNA hôm qua 4.3 đưa tin lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un vừa ra lệnh vũ khí hạt nhân phải được triển khai trong tình trạng sẵn sàng để có thể được sử dụng bất kỳ lúc nào.
Ông Kim cảnh báo tình hình bán đảo Triều Tiên “đang trở nên quá nguy hiểm” và Bình Nhưỡng sẽ nâng cấp khả năng quân sự để sẵn sàng tiến hành cuộc tấn công phủ đầu.
Ông Kim còn ra lệnh quân đội triển khai ngay lập tức hệ thống phóng tên lửa đa nòng tầm bắn 200 km, đủ vươn tới các cơ sở của Hàn Quốc và Mỹ sâu về phía nam. Những động thái trên được cho là nhằm đáp trả lệnh trừng phạt mới của HĐBA LHQ.
Hàn, Mỹ chính thức thảo luận triển khai THAAD
Ngày 4.3, Hàn Quốc và Mỹ chính thức lập nhóm công tác chung để thương thảo khả năng triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc. Yonhap dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói rõ hai bên sẽ bàn về hàng loạt vấn đề như hiệu quả quân sự của THAAD, vị trí triển khai, thời gian thực hiện, chia sẻ chi phí...
Bộ này khẳng định THAAD sẽ góp phần giúp Hàn Quốc ứng phó “mối đe dọa tên lửa và hạt nhân ngày càng tăng từ Triều Tiên”. Trong khi đó, Trung Quốc lại ra sức phản đối với lập luận THAAD sẽ “làm tổn hại lợi ích an ninh quốc gia” nước này. Đáp lại, Seoul nhiều lần khẳng định “đây là vấn đề xuất phát từ nhu cầu an ninh và lợi ích quốc gia của Hàn Quốc”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.