(TNO) Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang lên kế hoạch tổ chức cuộc thi chế tạo khinh khí cầu khổng lồ hoạt động ở độ cao gần 20.000m, thiết bị sẽ trở thành căn cứ trên không của các thiết bị định vị và viễn vọng kính.
Khinh khí cầu khổng lồ chạy bằng năng lượng mặt trời có thể thay thế vệ tinh và đóng vai trò như các trung tâm theo dõi và liên lạc giá rẻ.
Đó chính là kết luận rút ra từ cuộc nghiên cứu và đánh giá do Viện Keck về nghiên cứu không gian tại Caltech thực hiện dưới sự hỗ trợ của NASA, theo Space.com.
Báo cáo cũng cho rằng các khinh khí cầu tầng bình lưu, hoạt động ở rìa không gian, có thể cho phép thực hiện các cuộc thí nghiệm khoa học và thậm chí là nơi thích hợp để đặt các kính viễn vọng không gian với chi phí phóng chỉ bằng một phần nhỏ so với dùng tên lửa đẩy.
“Khinh khí cầu ở tầng bình lưu có thể cung cấp một nền tảng giống như không gian, nhưng không kèm theo chi phí như phóng vệ tinh lên quỹ đạo”, tờ The New York Times dẫn lời Sarah Miller, nhà vật lý học thiên thể thuộc Đại học California, cho biết.
Về phần mình, NASA công bố sẽ khởi động cuộc thi tài với giải thưởng trị giá 4 triệu USD vào năm sau, nhằm tìm kiếm thiết kế khinh khí cầu dùng để đặt ở độ cao 20.000m, hoạt động trên 20 giờ với trọng tải khoảng 20kg.
Hiện các chuyên gia đã cho bay thử những khinh khí cầu ở độ cao như trên.
Hạo Nhiên
>> Du hành không gian với khinh khí cầu
>> Khinh khí cầu thay vệ tinh
>> Khinh khí cầu 'khủng' đạt vận tốc 148 km/giờ
>> NASA 'sản xuất' phi thuyền Star Trek?
>> NASA mở rộng danh sách hành tinh có sự sống
>> NASA phát hiện mặt trăng đầu tiên ngoài hệ mặt trời?
Bình luận (0)