Viễn cảnh siêu lục địa Mỹ - Á

12/02/2012 03:05 GMT+7

Các chuyên gia Đại học Yale cho rằng siêu lục địa mới của thế giới, tức Amasia (Mỹ - Á) sẽ hình thành trên khu vực cực Bắc trong khoảng 100 triệu năm tới.

Các chuyên gia Đại học Yale cho rằng siêu lục địa mới của thế giới, tức Amasia (Mỹ - Á) sẽ hình thành trên khu vực cực Bắc trong khoảng 100 triệu năm tới.

 
Châu Mỹ và châu Á hiện tại (trái) và siêu lục địa Amasia trong tương lai - Ảnh: Nature

Sau 100 triệu năm nữa, nhiều khả năng Mỹ sẽ chẳng cần lực lượng hải quân hùng hậu để duy trì ảnh hưởng tại châu Á. Theo tính toán, châu Mỹ và châu Á có thể liên kết thành một siêu lục địa khổng lồ gọi là “Amasia”. Đó là tương lai mà nhiều nhà địa vật lý từng tiên đoán, nhưng điều mà các chuyên gia của Đại học Yale trình bày lại là một cái nhìn mới về viễn cảnh Amasia được hình thành.

Như bất cứ điều gì liên quan đến địa chất học, muốn dự đoán tương lai cần phải xem xét tỉ mỉ về quá khứ. Giả thuyết phổ biến nhất là siêu lục địa đầu tiên của trái đất, Rodinia, hình thành cách đây 1,1 tỉ năm (lý thuyết khác cho rằng siêu lục địa khởi đầu là Nuna, xuất hiện 1,8 tỉ năm trước). Các đĩa kiến tạo di chuyển cùng nhiều biến động trên bề mặt địa cầu đã hình thành Pangaea cách đây 250 triệu năm.

Theo thời gian, hoạt động địa chất đã xé toạc siêu lục địa này ra thành 7 mảnh, và khiến chúng tản mát khắp địa cầu như ngày nay. Các chuyên gia cho rằng quá trình này diễn ra với tốc độ nhanh không tưởng, với sự xuất hiện của Đại Tây Dương sau đó khoảng 100 triệu năm.

Kể từ những năm 1990, một số mô hình về sự hình thành trong tương lai của một siêu lục địa mới đã được giới thiệu trong cộng đồng khoa học. Nhà địa chất học Paul Hoffman của Đại học Harvard là người đầu tiên đưa ra từ “Amasia”. Từ đó đến nay, có 2 mô hình nổi tiếng nhất diễn giải về quá trình và thời điểm hình thành Amasia. Cả 2 đều dự đoán những khu đất lớn sẽ hình thành dọc theo đường xích đạo, chỉ khác nhau ở chỗ là liệu nó diễn ra cùng một nơi đã sinh ra Pangaea, với trung tâm là châu Phi hiện tại, hay ở một nơi nào khác trên thế giới. Nếu diễn ra tại châu Phi, Đại Tây Dương sẽ bị xóa sổ.

Mới đây, nghiên cứu của chuyên gia David Evans (Đại học Yale) và cộng sự cho thấy châu Mỹ sẽ vẫn nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương giống như giai đoạn hậu Pangaea, nhưng Bắc Băng Dương và biển Caribbean sẽ biến mất, theo báo cáo trên chuyên san Nature. Điều đó có nghĩa là các chuyên gia cho rằng Amasia sẽ hình thành bên trên cực Bắc, cách siêu lục địa cũ Pangea khoảng 90 độ.

Và theo giới phân tích, có vẻ như giả thuyết trên cũng có cơ sở. Hiện châu Á và châu Mỹ đang tồn tại mối quan hệ gần gũi do các ràng buộc về kinh tế và xã hội. Nếu con người vẫn còn tồn tại trên trái đất thêm 100 triệu năm nữa, người Mỹ có thể bước sang lãnh thổ Trung Quốc và nói: “Chào láng giềng”. 

Hạo Nhiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.