Viện kiểm sát đề nghị tịch thu số tiền của các bị cáo trên hợp đồng mua bán của Công ty Alibaba

21/12/2022 17:05 GMT+7

Đối với số tiền các bị cáo tại Công ty Alibaba đứng tên hợp đồng mua bán, theo Viện kiểm sát, các hợp đồng là phương tiện thực hiện hành vi phạm tội, đề nghị HĐXX tịch thu.

Ngày 21.12, đại diện Viện KSND TP.HCM (viết tắt VKS) tiếp tục đối đáp với quan điểm bào chữa của luật sư cho 23 bị cáo trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “rửa tiền” xảy ra tại Công ty CP địa ốc Alibaba (gọi tắt Công ty Alibaba).

Viện kiểm sát lập luận “bẻ” từng quan điểm kêu oan của Nguyễn Thái Luyện

Viện kiểm sát tái khẳng định 58 dự án không có thật

Tại phần đối đáp, VKS tái khẳng định, 58 dự án của Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty Alibaba) là không có thật. Các bị hại xin nhận lại đất vì họ mua đất được công ty quảng cáo là đất thổ cư, nhưng đến hiện tại, chưa khách hàng nào nhận được đất như quảng cáo.

VKS xác định hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng là thủ đoạn mà bị cáo dùng để chiếm đoạt tiền. Công ty Alibaba cũng chuyển nhượng vật không có thật.

Đại diện Viện KSND TP.HCM đối đáp tại tòa

NHẬT THỊNH

Việc các luật sư (LS) cho rằng do CQĐT khởi tố nên hợp đồng không thể tất toán, theo VKS là chưa đúng, vì có dự án triển khai từ năm 2017 nhưng không tất toán được. Hiện tại, chỉ có 1, 2 dự án chưa đến thời hạn tất toán hợp đồng, còn lại hơn 50 dự án đã quá hạn.

"Có bị hại đến chết phải trăn trối cho cha đi đòi tiền. Tại tòa, một số bị cáo nhìn nhận trách nhiệm dù LS của họ cho rằng họ không phạm tội. VKS mong LS tham khảo hậu quả vụ án với những gì bị hại đang gánh chịu", VKS đối đáp trước tòa.

Các bị cáo tại phiên tòa

NHẬT THỊNH

Theo VKS, các bị hại có quyền nhận hoặc không nhận bồi thường thiệt hại. Nếu bị hại từ chối, đề nghị HĐXX ghi rõ trong bản án và không buộc bị cáo bồi thường phần thiệt hại này.

Liên quan đến số tiền do các bị cáo trong vụ án này đứng tên hợp đồng, VKS nhận định, các hợp đồng là phương tiện thực hiện hành vi phạm tội của các bị cáo nên đối với số tiền trong hợp đồng này, đề nghị HĐXX tịch thu.

Mức án đối với bị cáo là kế toán Công ty Alibaba đã được cân nhắc

Đối đáp, VKS giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo Nguyễn Thái Lực (em trai bị cáo Luyện) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Về tội “rửa tiền”, VKS khẳng định không oan sai.

Theo VKS, 3 bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ bị cáo Luyện), Lực và Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán) thừa nhận 13,9 tỉ đồng là tiền Luyện lừa đảo mà có. Khi CQĐT khám xét Công ty Alibaba, nếu bị cáo Lực không chuyển tiền và rút tiền theo yêu cầu của bị cáo Mai thì hậu quả đã không xảy ra.

Bị cáo Nguyễn Thái Lực

NHẬT THỊNH

LS bào chữa cho rằng bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán) bị truy tố về tội “rửa tiền” là chưa chính xác, vì chưa rõ nguồn tiền có nằm trong tiền bị cáo Luyện lừa đảo hay không. Bị cáo có vai trò thứ yếu, nhiều tình tiết giảm nhẹ và xin được hưởng án treo vì đang điều trị ung thư.

Đối đáp, VKS đã căn cứ kết quả xác minh tài khoản ngân hàng, số tiền này nằm trong hơn 2.400 tỉ đồng tiền bất hợp pháp mà Luyện chiếm đoạt của khách hàng.

Bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng

NHẬT THỊNH

"Bị cáo Thắng là kế toán trưởng, vai trò quan trọng, biết rõ dòng tiền sẽ chuyển đi đâu. Nếu không có chữ ký của bị cáo thì tiền không chuyển ra khỏi công ty dẫn đến việc không thu hồi được", VKS nêu quan điểm. Đối với tình tiết bị cáo trong quá trình học tập có giấy khen, nhiều đóng góp xã hội, VKS đã đối chiếu với điều khoản giảm nhẹ và không áp dụng.

Theo VKS, bị cáo Thắng bị truy tố khung hình phạt 10 - 15 năm tù và đã được cân nhắc vai trò, không hưởng lợi, làm công ăn lương và đã được đề nghị mức án dưới khung hình phạt.

Nguyễn Thái Luyện thao thao “thuyết giảng” trên tòa ngày 19.12 dù bị đề nghị án chung thân

Theo cáo trạng, Nguyễn Thái Luyện thành lập 22 công ty trực thuộc Công ty Alibaba, giao những người thân tín đứng tên, mua số lượng lớn đất nông nghiệp để vẽ ra 58 dự án “ma”, lừa bán cho hàng ngàn khách hàng.

Về tội danh "rửa tiền", theo cáo trạng, ngày 21.11.2018, Mai chỉ đạo Lực rút 50 tỉ đồng, mở sổ tiết kiệm 31 tỉ đồng cho Thắng đứng tên. Mai chỉ đạo Thắng rút 18 tỉ đồng mua 2 căn nhà tại tỉnh Đồng Nai; còn 13 tỉ đồng giữ lại trong sổ tiết kiệm.

Sau khi Công ty Alibaba bị khám xét, Mai chỉ đạo Thắng chuyển toàn bộ số tiền gốc và lãi (hơn 13,9 tỉ đồng) vào tài khoản do Mai đứng tên. Sau đó, Mai chuyển 13 tỉ đồng vào tài khoản của Lực rồi chỉ đạo Lực rút tiền giao lại cho Mai để tiêu xài cá nhân và trả nợ. Cả 3 đều thừa nhận biết đó là tiền bất hợp pháp, do Luyện lừa đảo mà có.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.