Viện kiểm sát truy tố 1 tội, tòa có được xử thành 2 tội?

23/05/2021 05:53 GMT+7

Bị cáo Nguyễn Văn Hào (39 tuổi) bị Viện KSND TP.HCM truy tố về tội “hiếp dâm trẻ em”. Tuy nhiên, khi xét xử sơ thẩm, TAND TP.HCM tuyên bị cáo Hào 2 tội: “dâm ô đối với trẻ em” và “hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.

Theo cáo trạng, từ đầu năm 2015 - tháng 3.2019, Nguyễn Văn Hào nhiều lần xâm hại tình dục đối với bị hại là cháu L.N.Y (sinh ngày 15.11.2008), trong đó có nhiều lần thực hiện hành vi xâm hại tình dục khi cháu Y. dưới 10 tuổi.
Theo Viện KSND TP.HCM (VKS), mặc dù bị cáo chưa thực hiện hành vi giao cấu nhưng qua tài liệu trong hồ sơ vụ án, đủ cơ sở xác định bị cáo Hào đã cởi quần áo cháu Y., dùng dương vật cạ xung quanh âm hộ của cháu, đến khi (bị cáo) xuất tinh và tư thế của bị cáo khi thực hiện hành vi đã thể hiện ý thức muốn quan hệ tình dục, nên hành vi phạm tội của bị cáo Hào đủ dấu hiệu cấu thành tội “hiếp dâm trẻ em” theo quy định tại khoản 4, điều 112, bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), rằng “mọi trường hợp giao cấu với trẻ em chưa đủ 13 tuổi là phạm tội hiếp dâm trẻ em và người phạm tội bị phạt tù từ 12 - 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình”.

Lý do tòa xử bị cáo 2 tội

Tuy nhiên, khi đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, HĐXX TAND TP.HCM đã có những quan điểm khác với đại diện VKS tham gia phiên tòa. Từ đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Hào 2 tội danh “dâm ô đối với trẻ em” và “hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.
Cụ thể, bị cáo Hào bị tuyên 4 năm tù về tội “dâm ô đối với trẻ em” và 12 năm tù về tội “hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo Hào phải chấp hành hình phạt chung 16 năm tù.
Theo HĐXX, khoảng từ đầu năm 2015 - 2016, Hào đã 3 lần thực hiện hành vi dùng dương vật cạ xung quanh âm hộ của bị hại, mà không xâm nhập vào âm hộ của bị hại. Bị cáo thực hiện hành vi phạm tội trước khi BLHS 2015 có hiệu lực thi hành, nên đủ dấu hiệu cấu thành tội “dâm ô đối với trẻ em”, theo khoản 2, điều 116, BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009), khung hình phạt từ 3 - 7 năm tù.
Ngoài ra, HĐXX nêu, vào đầu tháng 3.2019, bị cáo Hào đã thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với cháu Y. khi cháu 10 tuổi 3 tháng. Bị cáo thực hiện hành vi phạm tội sau khi BLHS 2015 có hiệu lực thi hành, nên hành vi này đủ dấu hiệu cấu thành tội “hiếp dâm người dưới 16 tuổi” theo khoản 2, điều 142, BLHS 2015 (khung hình phạt từ 12 - 20 năm) và hướng dẫn tại Nghị quyết 06/2019 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao ban hành ngày 1.12.2019.
Như vậy, cùng các hành vi nhưng VKS truy tố Hào chỉ phạm tội “hiếp dâm trẻ em”. Trong quyết định đưa vụ án ra xét xử, tòa cũng chỉ đề cập xét xử bị cáo này theo tội “hiếp dâm trẻ em”; song khi tuyên án, tòa chuyển đổi các hành vi của bị cáo thành 2 tội danh “dâm ô đối với trẻ em” và “hiếp dâm người dưới 16 tuổi”.

Vi phạm tố tụng?

Đề cập vụ án này, luật sư Vũ Phi Long (nguyên Chánh tòa hình sự TAND TP.HCM) khẳng định cách tách tội danh và tuyên bị cáo 2 tội của HĐXX là vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
Phân tích rõ hơn, ông Vũ Phi Long cho biết theo điều 298, bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015, về giới hạn xét xử cho phép tòa xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật, hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố; xét xử bị cáo tội danh nặng hơn so với tội danh VKS truy tố.
“Tức có thể khác nhau về quan điểm tội danh, và tòa vẫn xét xử bị cáo tội danh nặng hơn so với tội danh VKS truy tố. Nhưng ở đây, VKS truy tố 1 tội, tòa xử 2 tội. Với tội danh mới chưa được khởi tố, truy tố, vậy tòa vẫn tuyên án là căn cứ vào quyết định nào?”, ông Vũ Phi Long đặt vấn đề, và cho hay việc tuyên bị cáo thêm 1 tội là chưa đảm bảo được bào chữa cho người bị buộc tội theo điều 16, BLTTHS năm 2015.
Cũng đề cập vụ án, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng khoản 1, điều 298, BLTTHS 2015, điều khoản cơ bản về giới hạn xét xử quy định "tòa án xét xử bị cáo và những hành vi theo tội danh mà VKS truy tố và tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử"; khoản 2 và khoản 3 nêu tòa được xử tội khác nhẹ hoặc nặng hơn, nếu được tòa trả hồ sơ làm rõ. "Còn trong vụ án này, ngoài xử bị cáo tội danh VKS truy tố, tòa còn xử thêm bị cáo tội danh khác, trong khi đó, điều luật không quy định cụ thể sẽ phát sinh tranh cãi về quan điểm áp dụng. Vì vậy, bản án có hiệu lực vụ án này có thể làm án lệ cho những vụ án tương tự", luật sư Chánh nêu.
Tương tự, một lãnh đạo Viện KSND cấp cao tại TP.HCM cho rằng tòa được phép đổi tội danh nặng hoặc nhẹ hơn so với tội danh VKS truy tố, chứ không phải từ các hành vi phạm tội, xử thêm 1 tội danh mới, ngoài tội VKS đã truy tố. “Nếu xử thêm 1 tội mới đối với bị cáo, tức tòa đã làm thay luôn chức năng điều tra, truy tố, mà tố tụng hình sự không cho phép”, vị này đánh giá.
Trao đổi với PV Thanh Niên qua điện thoại, chủ tọa phiên tòa cho rằng lý do vì sao HĐXX tuyên 2 tội “đã được nhận định trong bản án (như đã dẫn trên - PV) và đều có quy định pháp luật”. Vì vậy, ông sẽ không trả lời gì thêm.

Điều 298, BLTTHS năm 2015 về giới hạn của việc xét xử

1 Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà VKS truy tố và tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.
2 Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố.
3 Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh VKS truy tố, thì tòa án trả hồ sơ để VKS truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu VKS vẫn giữ tội danh đã truy tố thì tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.