Viện KSND cấp cao tại TP.HCM vừa kháng nghị toàn bộ bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh An Giang tuyên phạt Cao Thị Anh Thư 10 năm tù về 2 tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, đồng thời đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm theo hướng hủy bản án để điều tra lại theo đúng quy định pháp luật.
Theo nội dung vụ án, bị cáo Cao Thị Anh Thư làm việc tại Công ty TNHH SRISA WAD Việt Nam - chi nhánh Long Xuyên, tỉnh An Giang (ngành nghề kinh doanh cho thuê tài chính, dịch vụ cầm đồ, hoạt động quản lý quỹ). Công việc của Thư là tư vấn, lập hồ sơ và giải ngân cho khách hàng có nhu cầu vay tiền thông qua hình thức cầm cố giấy tờ xe.
Từ tháng 7.2019 đến tháng 4.2020, Thư lập 48 hồ sơ vay vốn của khách hàng chuyển công ty xét duyệt. Song khi tiền chuyển về tài khoản do Thư quản lý, bị cáo không giao tiền cho khách mà nói dối với khách hàng là công ty không đồng ý cho vay, nhằm chiếm đoạt tiền hơn 719 triệu đồng của công ty.
Để hồ sơ hoàn chỉnh, thông qua mạng xã hội, Thư đặt mua 47 giấy đăng ký xe mô tô, sau đó Thư giả chữ ký khách hàng ký tên vào hợp đồng vay vốn, phiếu thu/chi tiền…
Xử sơ thẩm, TAND tỉnh An Giang tuyên phạt bị cáo 7 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, là hơn 386 triệu đồng của công ty (sau khi trừ đi số tiền bị cáo đã trả hoàn trả cho công ty), và 3 năm tù về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu hồ sơ, Viện KSND cấp cao tại TP.HCM (viện cấp cao 3) phân tích cấp sơ thẩm vận dụng hoàn cảnh bị cáo có khó khăn để miễn án phí dân sự hơn 19 triệu đồng cho bị cáo là không đúng. Bởi căn cứ quy pháp luật, hoàn cảnh khó khăn không thuộc trường hợp miễn án phí.
Bên cạnh đó, theo Viện cấp cao 3, tòa sơ thẩm áp dụng sai khung hình phạt đối với Thư về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo Viện cấp cao 3, Thư chiếm đoạt của công ty hơn 719 triệu đồng, thuộc điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự. Nhưng cấp sơ thẩm không coi số tiền bị cáo đã nộp trước khi bị tố cáo (hơn 332 triệu đồng) là tiền lừa đảo chiếm đoạt nên áp dụng điểm a khoản 3 Điều 174 Bộ luật hình sự để xét xử và quyết định hình phạt đối với bị cáo là không đúng. Viện cấp cao 3 nêu việc bị cáo nộp lại một phần tiền chiếm đoạt trước khi bị khởi tố chỉ là việc tự nguyện khắc phục hậu quả, là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự...
Viện trưởng VKSND tối cao đề nghị rút kinh nghiệm vụ án tương tự
Tháng 11.2019, Viện KSND tối cao thông báo rút kinh nghiệm trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự đối với vụ án Võ Trường Giang và đồng phạm phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trong đó, bị cáo Giang và đồng phạm có hành vi gian dối để chiếm đoạt gần 883 triệu đồng của công ty. Trước khi bị khởi tố, Giang và đồng phạm đã nộp lại cho công ty 376 triệu đồng. Từ đó, TAND tỉnh Đắk Lắk xử sơ thẩm và TAND cấp cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm nhận định các bị cáo chỉ chiếm đoạt khoảng 447 triệu đồng, để áp dụng khoản 3 Điều 139 BLHS năm 1999 khi tuyên án các bị cáo. Sau đó, Viện trưởng KSND tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, đề nghị hủy bản án phúc thẩm để xét xử lại theo đúng quy định.
Theo Viện trưởng Viện KSND tối cao, hành vi phạm tội của các bị cáo hoàn thành kể từ khi chiếm đoạt tiền của công ty. Việc hoàn trả lại tiền trước hoặc sau khi hành vi phạm tội bị tố giác chỉ là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tự nguyện khắc phục hậu quả. Vì vậy số tiền xác định khung hình phạt là hơn 822 triệu đồng (điểm a khoản 4 Điều 139 BLHS); việc tòa án nhận định các bị cáo hoàn trả 376 triệu đồng nên không phải chịu trách nhiệm hình sự với khoản tiền này là trái với quy định.
Bình luận (0)