Viện KSND tối cao sẽ đề nghị xem xét lại vụ Hồ Duy Hải

19/05/2020 07:12 GMT+7

Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí khẳng định kháng nghị giám đốc thẩm của mình trong vụ Hồ Duy Hải là có căn cứ và cần thiết, đúng pháp luật và đúng thẩm quyền.

Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí vừa có báo cáo “Quan điểm của Viện KSND tối cao về vụ Hồ Duy Hải ở Long An” gửi Tổng bí thư, Chủ tịch nước; Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thường trực Ban Bí thư; Trưởng ban Nội chính T.Ư; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.
Tại báo cáo này, Viện trưởng Viện KSND (VKS) tối cao khẳng định kháng nghị giám đốc thẩm của mình là có căn cứ và cần thiết, đúng pháp luật và đúng thẩm quyền.

6 điểm “chưa làm rõ”

Ông Lê Minh Trí cho biết VKS tối cao nhận thấy đây là vụ án giết người và cướp tài sản đặc biệt nghiêm trọng. Bị cáo bị áp dụng mức án cao nhất là tử hình, nhưng chứng cứ buộc tội chủ yếu là lời khai của bị cáo, không có chứng cứ vật chất trực tiếp; trong khi lời khai của bị cáo không nhất quán, mâu thuẫn với nhau (lúc nhận tội, lúc kêu oan) và mâu thuẫn với các tài liệu, chứng cứ khác. Nhiều tình tiết quan trọng chưa làm rõ; nhiều vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong quá trình điều tra. Cụ thể, VKS tối cao đưa ra 6 điểm chưa được làm rõ.
Thứ nhất, chưa làm rõ mâu thuẫn về thời gian bị cáo xuất hiện tại nơi xảy ra vụ án. Theo VKS tối cao, nhân chứng Đinh Vũ Thường đến bưu điện lúc 19 giờ 39 phút 22 giây có nhìn thấy một thanh niên ngồi trong bưu điện, nhưng vào lúc 19 giờ 13 phút, Hồ Duy Hải đang có mặt tại hiệu cầm đồ. Việc di chuyển sẽ khiến Hải không thể có mặt tại Bưu điện Cầu Voi trước 19 giờ 39 phút 22 giây. Nội dung này rất quan trọng, nên phải hủy án để thực nghiệm.
Thứ hai, tại hiện trường có thu giữ 5 dấu vân tay, trong đó có dấu thu trên cửa kính và lavabo; kết quả giám định không phải của bị cáo, nhưng chưa làm rõ của ai. Nội dung này cũng cần hủy án để truy nguyên xác định dấu vân tay của ai.
Thứ ba, chưa làm rõ thời điểm tử vong của 2 nạn nhân để xác định Hải có phải hung thủ không, cần hủy án để trưng cầu giám định thời điểm tử vong.
Thứ tư, chưa làm rõ cơ chế gây ra một số vết thương trên cơ thể nạn nhân, về khả năng con dao với đặc điểm bị cáo mô tả có thể gây ra các vết thương đó không.
Thứ năm, chưa làm rõ động cơ gây án của đối tượng, vì kết luận của bản án sơ thẩm, phúc thẩm về động cơ gây án chưa phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án. Theo Viện trưởng VKS tối cao, tại phiên giám đốc thẩm, chủ tọa phiên tòa đã thừa nhận điểm trên, nhưng trong phần nhận định của quyết định giám đốc thẩm lại không nêu những vi phạm này.
Thứ sáu, có nhiều vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng, đặc biệt bỏ ngoài hồ sơ nhiều tài liệu quan trọng, như: lời khai ban đầu bị cáo không nhận tội, lời khai nhân chứng, tài liệu thu giữ dấu vân tay và kết quả truy nguyên cá biệt dấu vân tay; cần hủy án để bổ sung các tài liệu này vào hồ sơ.

Thường vụ Quốc hội giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất

Chiều 18.5, trả lời báo chí về việc một số đại biểu Quốc hội gửi kiến nghị lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận có một số đại biểu gửi ý kiến bằng văn bản cho Thường vụ Quốc hội về nội dung này.
Theo ông Phúc, liên quan vụ án này, ngay trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thành lập đoàn giám sát về tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự do Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm trưởng đoàn; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga khi đó là Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp làm phó trưởng đoàn.
Ông Phúc thông tin: “Để có thời gian xem xét thật toàn diện và khách quan các vấn đề liên quan đến vụ án này, hiện Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang giao các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý theo đúng các quy định của pháp luật”. 
Lê Hiệp
Viện trưởng VKS tối cao cho rằng: “Những vi phạm trên là vi phạm về nội dung do điều tra không đầy đủ và vi phạm về tố tụng, đã ảnh hưởng đến giá trị chứng minh của chứng cứ, cần phải điều tra lại để thu thập thêm chứng cứ và khắc phục những vi phạm, thiếu sót, nhằm giải quyết vụ án đúng pháp luật”.

Hội đồng thẩm phán “xét xử cả kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao”

Đáng chú ý, ông Lê Minh Trí cũng cho rằng về phạm vi giám đốc thẩm, điều 387 bộ luật Tố tụng hình sự chỉ cho phép Hội đồng giám đốc thẩm xem xét lại nội dung vụ án, mà không được xét kháng nghị của Viện trưởng VKS tối cao có đúng thẩm quyền hay không.
“Nếu xác định kháng nghị trái thẩm quyền thì tòa án không thụ lý và phải trao đổi vấn đề này trước, nhưng trong thực tế, tòa án vẫn thụ lý, mở phiên tòa giám đốc thẩm và xem xét nội dung kháng nghị trái thẩm quyền; đồng nghĩa với việc xét xử cả kháng nghị của Viện trưởng VKS tối cao - là trái với phạm vi giám đốc thẩm”, báo cáo khẳng định.
Nói rõ thêm về quyết định kháng nghị, Viện trưởng VKS tối cao cho biết, mặc dù đã có Quyết định số 639/QĐ-CTN bác đơn xin ân giảm án tử hình, nhưng do Hồ Duy Hải kêu oan, nên ngày 4.12.2014, Văn phòng Chủ tịch nước có công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước đề nghị Chánh án TAND tối cao chỉ đạo tạm dừng thi hành án để xem xét, làm rõ Hải có bị kết án oan, sai không và báo cáo Chủ tịch nước. Sau đó, Hội đồng thi hành án tử hình tỉnh Long An ra quyết định hoãn thi hành án. Khi tạm dừng thi hành án, thì Quyết định số 639/QĐ-CTN cũng chấm dứt hiệu lực.
Ngoài ra, trước khi kháng nghị, Viện trưởng VKS tối cao đã có báo cáo xin ý kiến Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; đề nghị Chủ tịch nước tiếp tục tạm dừng thi hành án tử hình với Hồ Duy Hải để xem xét kháng nghị; đề nghị Văn phòng Chủ tịch nước tham mưu cho Chủ tịch nước giải quyết Quyết định số 639/QĐ-CTN bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải để bảo đảm hiệu lực pháp luật khi Viện trưởng VKS tối cao ban hành kháng nghị giám đốc thẩm.
Văn phòng Chủ tịch nước sau đó có công văn thông báo ý kiến của Chủ tịch nước “đề nghị Viện trưởng VKS tối cao xem xét, quyết định theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật đối với vụ án Hồ Duy Hải”.
“Viện trưởng VKS tối cao ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm trong trường hợp này là đúng thẩm quyền theo luật định, thể hiện trách nhiệm của Viện trưởng VKS tối cao theo chỉ đạo của Chủ tịch nước là phải xem xét, làm rõ trường hợp Hồ Duy Hải có bị kết án oan, sai không; bảo đảm thận trọng, chắc chắn trước khi kết tội và áp dụng hình phạt tử hình đối với bị cáo”, theo báo cáo.

“Giữ nguyên quan điểm kháng nghị”

Báo cáo cũng nêu rõ: “Viện trưởng VKS tối cao khẳng định Quyết định kháng nghị số 15/QĐ-VKSTC-V7 ngày 22.11.2019 là có căn cứ, đúng pháp luật, đúng thẩm quyền và cần thiết vì vụ án có nhiều thiếu sót, vi phạm đặc biệt nghiêm trọng”.
Bên cạnh đó, cũng theo báo cáo: “Viện trưởng VKS tối cao vẫn giữ nguyên quan điểm kháng nghị và sẽ kiến nghị Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xem xét lại quyết định giám đốc thẩm trên theo thủ tục đặc biệt quy định tại điều 404 bộ luật Tố tụng hình sự”.

“Trái với các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự”

Tại báo cáo, Viện trưởng VKS tối cao cho rằng tại phiên tòa giám đốc thẩm, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã kết luận cho rằng những vi phạm đó chỉ là sai sót về tố tụng, không làm thay đổi bản chất vụ án là trái với các nguyên tắc cơ bản trong tố tụng hình sự, như nguyên tắc “suy đoán vô tội” (điều 13), nguyên tắc “xác định sự thật của vụ án” (điều 15) và nguyên tắc “tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra” (điều 19), trái với nguyên tắc “trọng chứng hơn trọng cung”.
Những vi phạm nêu trên sẽ tạo ra một tiền lệ hết sức nguy hiểm trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết các vụ án sau này. Đó là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, nhưng vẫn kết luận có tội với lập luận “có vi phạm tố tụng nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án”.
Phản bác lại quan điểm tại Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cho rằng Quyết định số 639/QĐ-CTN ngày 17.5.2012 của Chủ tịch nước bác đơn xin ân giảm án tử hình của Hồ Duy Hải đang có hiệu lực thi hành, nhưng Viện trưởng VKS tối cao lại có quyết định kháng nghị là vi phạm pháp luật tố tụng hình sự và không đúng thẩm quyền, Viện trưởng VKS tối cao khẳng định khi Chủ tịch nước chấp nhận đơn ân giảm thì không có nghĩa là bản án tử hình là sai, mà chỉ là quyết định có tính chất nhân đạo của Chủ tịch nước, cho tử tù cơ hội sống và hoàn lương. “Không có quy định khi có quyết định bác đơn xin ân giảm tử hình thì chấm dứt các thủ tục tố tụng sau này”, ông Lê Minh Trí khẳng định.

Viện trưởng VKSND tối cao: Kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải “không sai luật đâu”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.