Niềm vui ngắn, sai phạm dài
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó viện trưởng Viện Phim Việt Nam, vui mừng thông báo trên Facebook cá nhân về kênh YouTube của đơn vị ông. Theo đó, kênh Viện Phim Việt Nam chính thức ra mắt ngày 16.7. “Sau 1 tuần khởi chiếu, 9 bộ phim đặc sắc của Việt Nam đã được đăng tải trên kênh, mỗi ngày sẽ có ít nhất 1 phim được đăng tải”, ông Hoàng thông báo.
Chính vì thế, theo ông Nguyễn Huy Hoàng, có thể đưa phim lên kênh của viện và phổ biến do chức năng của viện là khai thác và phổ biến phim. Việc phổ biến cũng “theo một quyết định của Bộ giao cho viện về phê duyệt đề án khai thác sử dụng phim tư liệu thuộc sở hữu nhà nước đang lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam”. Mặc dù vậy, ông Hoàng không chia sẻ văn bản về việc Bộ VH-TT-DL cho phép viện khai thác sử dụng phim để chiếu trên mạng. Bên cạnh đó, các bản phim đưa lên YouTube còn có logo của Viện Phim Việt Nam.
Ông Hoàng cũng không lý giải được việc đưa phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông lên chiếu có hợp pháp hay không. Đây là một bộ phim do Việt Nam và Trung Quốc hợp tác sản xuất, cụ thể là Hãng phim Hội Nhà văn (Việt Nam) và Hãng phim Châu Giang (Trung Quốc). “Cái này tôi không rõ lắm hợp tác giữa hãng phim của Hội Nhà văn với lại Châu Giang thế nào”, ông Hoàng nói. Khi Thanh Niên đặt vấn đề về trường hợp Hãng phim Châu Giang có bỏ tiền đầu tư vào phim này, ông trả lời: “Thì đương nhiên chúng tôi phải gỡ xuống chứ làm sao”.
Tuy nhiên, với phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, câu chuyện không chỉ có vậy. Bản phim trên kênh của Viện Phim Việt Nam không có phần generic (thông tin về các tác giả của ê kíp làm phim). Vì thế, xem bản này, không thể biết được đơn vị, đạo diễn, diễn viên, họa sĩ… đã tham gia làm phim là ai. Về việc cắt generic của phim, ông Hoàng nói: “Để tôi kiểm tra lại. Đang chạy thử nghiệm mà”.
Viện cũng đang chiếu phim Cuộc đời của Yến, do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất. Khi hãng được cổ phần hóa, thông thường theo luật Doanh nghiệp, đơn vị mới sẽ sở hữu phim này. Tuy nhiên, ông Hoàng vẫn cho chiếu không cần hỏi ai với lý do đó là phim nhà nước. Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, Thanh tra Bộ VH-TT-DL chưa ra văn bản quyết định phim thuộc Cục Điện ảnh hay của Công ty cổ phần Hãng phim truyện Việt Nam (VFS). Vì thế, theo ông Thành: “Viện Phim chiếu khi chưa có sự đồng ý của Cục Điện ảnh và Hãng phim truyện Việt Nam là vi phạm bản quyền”.
|
Thủ kho vui tính ?
Bà Trần Thị Thu Hiền, Chủ tịch Công ty cổ phần Hãng phim hoạt hình Việt Nam, cho biết hãng của bà cũng đang có phim trong kho của Viện Phim Việt Nam. Tuy nhiên, bà Hiền không đồng ý với việc Viện Phim Việt Nam tự ý phát mà không có sự đồng ý của hãng hoạt hình. “Chúng tôi chỉ nộp lưu chiểu theo quy định. Theo tôi, họ không có quyền được phát phim. Nhà nước giao cho họ việc lưu giữ phim thôi. Còn nếu muốn phổ biến phim thì họ vẫn phải xin phép hãng sản xuất và Cục Điện ảnh, Bộ VH-TT-DL”, bà Hiền nói. Về việc viện gắn logo vào các phim, bà cho rằng: “Gắn logo Viện Phim vào đấy càng sai. Ví dụ mình được ủy quyền, giao quyền giữ nó khác hẳn với việc mình sở hữu”.
Ông Đặng Phúc Yên, Tổng giám đốc Hãng phim Giải phóng, không hề biết về việc bộ phim Chung cư hãng này làm đã được viện mang ra chiếu mạng. “Phim đó đúng là Hãng Giải phóng làm, nhưng bản quyền thuộc về nhà nước vì nhà nước đặt hàng. Muốn chiếu phải xin phép Cục Điện ảnh”, ông Yên nói.
Luật sư Lê Quang Vinh, Công ty Bross & Partners, cho biết theo điều 20 luật Sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu quyền tác giả được pháp luật bảo hộ tới 6 loại quyền độc quyền khác nhau đối với tác phẩm văn học nghệ thuật khoa học: quyền sao chép, quyền phân phối, quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng, quyền cho thuê, quyền làm tác phẩm phái sinh và quyền biểu diễn. Do vậy, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh (một bộ phim) sẽ được pháp luật bảo hộ các quyền độc quyền như làm bản sao, phân phối, truyền đạt đến công chúng bằng bất kỳ phương tiện nào.
Trường hợp Viện Phim Việt Nam không phải là chủ sở hữu quyền tài sản và cũng không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả của các bộ phim mà lại chiếu phim thì bị xem như xâm phạm các quyền độc quyền trên. Cụ thể hơn, việc chuyển định dạng đưa lên hoặc phát sóng trên YouTube được coi là hành vi sao chép, phân phối và truyền đạt tác phẩm đến công chúng trái phép, xâm phạm các khoản 6, 8 và 10 điều 28 luật Sở hữu trí tuệ. Việc gắn logo vào phim còn có dấu hiệu bị xem là chiếm đoạt quyền tác giả (vì cung cấp chỉ dẫn sai lệch về tư cách chủ sở hữu) theo khoản 1 điều 28 luật Sở hữu trí tuệ. Trong khi đó, việc cắt bỏ phần generic khi phát sóng bộ phim trái phép còn có thể bị xem là xâm phạm quyền được nêu tên là các tác giả của bộ phim theo khoản 2 điều 19.
Ông Vi Kiến Thành cũng tỏ ra lo lắng về việc Viện Phim Việt Nam mang phim lưu trữ ra chiếu mà không được phép. “Viện Phim là nơi lưu trữ, bảo quản chứ không được mang phim ra phổ biến. Nếu muốn phổ biến phải được sự đồng ý của Cục Điện ảnh và hãng sản xuất”, ông Thành nói. Ông Thành cũng cho biết: “Tôi đang yêu cầu Viện Phim Việt Nam báo cáo về việc này”.
Bình luận (0)