Một số quan chức châu Âu và các nhà sản xuất vũ khí nói rằng ngành công nghiệp quốc phòng của khối đang bị khan hiếm nguồn cung thuốc súng và thuốc nổ TNT. Điều này có thể làm trì hoãn kế hoạch tăng cường sản xuất đạn pháo trong 3 năm. Các nguồn tin cũng cho biết điều này có nghĩa là ngành công nghiệp quốc phòng sẽ không thể đáp ứng nhu cầu đang tăng cao, cho dù có đổ bao nhiêu tiền vào đầu tư tăng sản lượng.
Một quan chức Đức cho biết: “Vấn đề cơ bản là ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu không ở trạng thái tốt để sản xuất cho xung đột quy mô lớn".
Những lo ngại này cũng được ông Jiri Hynek, chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Quốc phòng và An ninh của Cộng hòa Séc, nhắc lại. Ông nói rằng mặc dù việc xây dựng nhà máy mới để sản xuất pháo rất dễ dàng, nhưng không thể sản xuất đạn nếu không có nguyên liệu thô.
Quan chức này tiếp tục chỉ ra rằng chỉ trong một thời gian ngắn thì không thể tăng sản lượng nitrocellulose, thành phần cơ bản trong thuốc súng. Ông lưu ý rằng cần thêm 3 năm để làm được điều này.
Theo quan chức quốc phòng Ý Gianclaudio Torlizzi, để khắc phục tình hình, EU cần tìm các nguồn cung cấp mới.
Các quan chức EU đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về kho vũ khí đang cạn kiệt do khối phải tăng cường hỗ trợ cho Ukraine. Tháng 12 năm ngoái, người phụ trách chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell, than thở rằng nhiều năm thiếu đầu tư đã khiến kho dự trữ quân sự nhanh chóng cạn kiệt. Trong bối cảnh đó, một số quan chức chủ chốt của châu Âu đã thúc giục khối này chuyển sang “nền kinh tế chiến tranh”.
Trong khi đó, tờ New York Times hôm 16.3 đưa tin Mỹ và các đồng minh đang cạn kiệt đạn dược cho Ukraine, đất nước đang hứng chịu hàng nghìn quả đạn pháo mỗi ngày trong trận chiến giành thành phố Bakhmut. Theo tờ báo, các quan chức phương Tây lo ngại rằng quá trình này là "không bền vững" và có thể gây nguy hiểm cho chiến dịch mùa xuân đã được lên kế hoạch của Kyiv.
Bình luận (0)