Viện trưởng nghiên cứu lập pháp: Truất lương hưu thì quá nặng, nhưng giảm thì có thể

02/11/2019 08:51 GMT+7

Đề xuất giảm, truất lương hưu đối với cán bộ nghỉ hưu bị kỷ luật thay vì “xóa tư cách chức vụ” của Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đưa ra đã gây ra nhiều tranh luận.

Trao đổi với Thanh Niên bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Văn Hiển cho rằng, mấu chốt trong phát biểu của ông là đề xuất hình thức kỷ luật “xóa tư cách chức vụ” trong dự thảo luật không hợp lý vì như vậy là đang xử lý cái không thực sự hiện hữu.
"Còn tôi dẫn kinh nghiệm Đức về việc giảm, truất lương hưu là muốn nhấn mạnh cái hay trong cách xử lý của họ là “đánh” vào vào cái hiện hữu", ông Hiển nói.

"Tôi cũng thấy truất lương hưu cũng không thực sự hợp lý"

Nhưng ông có kiến nghị rất rõ là cần phải quy định hình thức kỷ luật giảm, truất lương hưu vĩnh viễn vào luật?
Đúng là trong phần cuối phát biểu tôi cũng có nói là áp dụng 1 trong 2 hình thức là giảm hoặc truất lương hưu. Ý đề xuất của tôi là muốn căn cứ vào kinh nghiệm như vậy thì có thể học họ ở việc “đánh” vào cái hiện hữu.
Tất nhiên, nói tới truất lương hưu là nhạy cảm vì người ta nói lương hưu là tiền đóng bảo hiểm để được hưởng. Tôi cũng thấy truất lương hưu cũng không thực sự hợp lý trong bối cảnh Việt Nam về mặt an sinh xã hội, đồng thời cũng là hình thức xử lý quá nặng. Còn việc giảm thì tôi vẫn thấy là có căn cứ.
Chỗ này nhiều ý kiến cứ phê phán tôi là không phân biệt được lương với lương hưu. Không phải là tôi không phân biệt được. Nhưng lương của mình có đặc điểm khác với hệ thống lương của các nước khác. Riêng đối với cán bộ công chức thì khoản đóng bảo hiểm phần lớn là do nhà nước đóng. Cán bộ, công chức chỉ đóng 8% mỗi tháng nhưng khi về hưu hưởng thì nếu đủ cũng 75%.
Ngoài ra, quỹ lương hưu theo luật Bảo hiểm xã hội thì cũng do nhà nước bảo trợ, ngân sách nhà nước cũng phải chi trả phần lớn. Rõ ràng điều này là khác với các nước.
Nghĩa là ở khía cạnh nào đó cắt, giảm lương hưu vẫn là hình thức khả thi?
Như tôi đã nói, trong đề xuất, tôi chỉ muốn nhấn mạnh tới vấn đề học tập kinh nghiệm của Đức và cái hay nhất của kinh nghiệm này là việc người ta xử lý là xử lý cái hiện hữu. Và cái hiện hữu ở đây là giảm, truất lương hưu.
Tất nhiên hệ thống xử lý của người ta khác mình. Việc so sánh cũng phải đặt trong từng hoàn cảnh. Ví dụ như muốn truất lương hưu người ta cũng phải đưa ra tòa để tòa phán quyết việc đó. Bài nghiên cứu đăng trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Nội vụ cũng nói rõ vấn đề này. Tôi đồng ý nếu bây giờ lại áp nguyên cách xử lý của nước ngoài cho Việt Nam cũng không thật phù hợp.

Có thể cắt chế độ về khám chữa bệnh

Vậy với tình huống của Việt Nam, theo ông, những quyền lợi vật chất có thể cắt là gì?
Quan điểm của tôi là cần phải xử lý vào những cái hiện hữu. Khi kỷ luật, ngoài kỷ luật hành vi còn liên quan tới trách nhiệm vật chất. Ví dụ, trong quá trình quản lý họ để những thất thoát mà chưa đến mức phải xử lý hình sự và theo quy định phải áp dụng trách nhiệm vật chất. Từ đó, người ta mới nghĩ ra các hình thức xử lý khác nhau.
Và chúng ta thấy như kinh nghiệm của Đức là đánh vào cái hiện hữu. Nếu áp dụng theo nguyên tắc này thì tôi cho rằng có thể cắt một số loại phụ cấp, quyền lợi vật mà người bị kỷ luật được hưởng xuất phát từ một số loại chức vụ mà việc kỷ luật liên quan đến những sai phạm từ chức vụ đó. Hoặc có thể cắt những quyền lợi tinh thần như khen thưởng, huân, huy chương…
Chẳng hạn như công chức bình thường thì khám bệnh theo sổ bảo hiểm bình thường nhưng với cán bộ cao cấp thì có thể có một số chế độ khám chữa bệnh cao hơn. Đó cũng là một quyền lợi vật chất. Đây cũng là vấn đề nhiều người đã bàn.
Nhưng rõ ràng là đưa ra các hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ đã nghỉ hưu là một vấn đề rất khó trong kỹ thuật lập pháp.
Vậy vấn đề đặt ra trong luật Công chức, viên chức sửa đổi lần này sẽ giải quyết thế nào?
Dự án luật sửa đổi luật Công chức, viên chức đã họp tới kỳ thứ 2, sẽ thông qua tại kỳ họp này. Do đó, nếu đề xuất đưa ra ngoài việc lập luận chặt chẽ, hợp lý thì còn phải đánh giá tác động kinh tế - xã hội kỹ càng. Các kiến nghị của các đại biểu có thể nhiều, nhưng việc đưa vào dự án luật, nhất là các vấn đề khó như trên thì phải có báo cáo đánh giá tác động đầy đủ.
Ý kiến của tôi tập trung chính vào việc chỉ ra sự không hợp lý trong hình thức kỷ luật “xóa tư cách chức vụ” nêu trong dự thảo. Ngay cả hình thức xử lý kỷ luật là “khiển trách”, “cảnh cáo” đối với người đã nghỉ hưu được nêu trong dự thảo cũng ít tác dụng thực chất vì nếu là cán bộ công chức đang làm việc thì có tác dụng phòng ngừa, răn đe, nhưng đối với người đã nghỉ hưu thì ý nghĩa này không còn nữa.
Vì vậy, vấn đề này buộc phải xử lý bằng cách luật chỉ quy định những vấn đề nguyên tắc sau đó giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết trong quá trình thực hiện.
Xin cảm ơn ông!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.