Cũng như Ỷ Lan Nguyên Phi, Hiếu Chiêu hoàng hậu (hay Bà chúa Tàm Tang) là người phụ nữ quyền quý đã có công giúp người dân phát triển nghề dâu tằm, dệt lụa ở Quảng Nam và xứ Đàng Trong thời chúa Nguyễn.
Sách Đại Nam liệt truyện tiền biên từng viết về người thôn nữ Đoàn Thị Ngọc với mối tình thơ mộng cùng chúa Nguyễn Phúc Lan, về sau trở thành quý phi: “Bà là người con thứ ba của Thạch Quân Công Đoàn Công Nhạn. Mẹ là phu nhân Võ Thị. Bà là người minh mẫn thông sáng..., sáng thơm, tú mị, phép tốt trinh thuần”…
"Năm mười lăm tuổi (bà) hái dâu bên bãi, trông trăng mà hát. Bấy giờ Hy Tông Hoàng Đế ta (tức Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên) đi chơi Quảng Nam, Thần Tông Hoàng Đế ta (tức Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan) theo đi hộ giá. Đêm đáp thuyền chơi trăng, đỗ thuyền ở Điện Châu (bây giờ là làng An Phú Tây, Q.Điện Bàn, Quảng Nam) câu cá”.
Truyền thuyết kể rằng, khi thuyền rồng ngược dòng sông từ dinh trấn Thanh Chiêm (nay thuộc xã Điện Phương, H.Điện Bàn) đến thôn Điện Châu, châu Đông Yên (nay là xã Duy Trinh, H.Duy Xuyên, Quảng Nam) thì nghe giọng hát trong ngần, quyến rũ của một thôn nữ từ nương dâu vọng ra, chúa lập tức cho vời về cung. Sau bà rời phủ chúa về lại dinh trấn Thanh Chiêm, sống thanh bần và giúp dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa…Tơ tằm Quảng Nam đã một thời xuất dương từ cảng thị Hội An đi khắp nơi trên các thương thuyền ngoại quốc là có công lao của bà.
Bà mất năm 1661, được con cháu cùng dân xứ Quảng lập lăng ở thôn Chiêm Sơn, xã Duy Sơn, H.Duy Xuyên và lập đền thờ ở làng An Quán, cạnh dinh trấn. Ngày 2.8.2011, Bộ VH-TT-DL quyết định xếp hạng lăng mộ bà Hiếu Chiêu là Di tích lịch sử quốc gia được bảo vệ. Sau đó, ngành văn hóa H.Duy Xuyên đã tổ chức trùng tu, gắn bảng “Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm di tích” bên ngoài con đường dẫn vào thủy điện Duy Sơn 2. Cách bờ thành chính của di tích chừng 10 m, gia tộc Đoàn đã huy động sự đóng góp để xây dựng tường thành, cổng ngõ bao quanh.
Ngày nay, một doanh nhân xứ Quảng đã đầu tư khu du lịch Làng Lụa ở Hội An để phát triển nghề truyền thống và tôn thờ bà. Tuy vậy, lăng mộ Hiếu Chiêu hoàng hậu và đền thờ vẫn ít được biết đến. Lăng mộ đã được xếp hạng di tích nhưng tách biệt với đền thờ, lại ngày càng hoang phế. Muốn vào được cổng chính khu di tích, chúng tôi phải vạch cây rừng theo một lối mòn dọc tường thành bên ngoài mới tìm ra cổng chính. Cửa sắt hoen gỉ và khóa chặt. Nhiều đoạn khuôn đúc trên tường thành và một cửa phụ đã bị đập phá, đá gạch ngổn ngang, cây cỏ um tùm.
Ngoài tấm bảng “Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm di tích” bên ngoài như đã nói, bên trong lăng hầu như không có một tấm bia, dòng chữ nào (cả chữ Hán và chữ Việt) để khách tham quan và cư dân có thể biết rõ về chốn tôn nghiêm, nơi yên nghỉ của “cô gái hái dâu” nổi tiếng của lịch sử xứ Đàng Trong, người mà suốt gần 4 thế kỷ nay, người dân xứ Quảng hằng tôn kính.
Bình luận (0)