Viết kiểm điểm gửi mẹ

21/09/2013 03:05 GMT+7

Mấy ngày qua, những dòng chữ tròn trịa thể hiện suy nghĩ thơ ngây trong bản kiểm điểm gửi mẹ của cô bé lớp 4 tên Thùy Linh, do một độc giả đưa lên Facebook, đã khiến cư dân mạng vô cùng quan tâm.

Viết kiểm điểm gửi mẹ
Bản kiểm điểm của bé Thùy Linh

Nhận lỗi

Trên tờ giấy ô li, bé Thùy Linh nắn nót viết: “Có lẽ đây là lần cuối cùng con viết “bảng kiểm điểm” hoặc “bảng tường trình”. Lí do con viết bảng kiểm điểm này là vì con đã đổ cơm vào thùng rác. Không những thế, con còn đổ cơm ra ngoài cửa sổ, ăn chậm, học dốt, tắm bẩn và ngu ngơ, lề mề. Cho con xin lỗi mẹ và nếu chuyện này còn tái phạm lần nữa con sẽ ra đường ăn xin”.

Tất cả chỉ có vậy, nhưng sau khi được nhiều trang mạng chia sẻ, bản kiểm điểm trên đã nhận được hàng ngàn lượt người thích và phản hồi. Những từ ngữ ngây thơ non nớt và suy nghĩ chân thật đến mức phì cười của bé đã tạo nên sự thích thú đặc biệt ở người đọc.

 

Cha mẹ cũng phải biết xin lỗi con

Thạc sĩ Phạm Thị Thúy đưa ra lời khuyên: “Cha mẹ cần làm gương về việc nhận lỗi và sửa lỗi. Ai cũng có thể mắc lỗi, cha mẹ cũng vậy. Nhưng cần một thái độ nhận lỗi chân thành, sẵn sàng xin lỗi và kịp thời sửa lỗi, kể cả với con cái. Cha mẹ biết nói: "Cha mẹ xin lỗi con" là một cách dạy trẻ biết nhận lỗi hiệu quả. Đồng thời, nên tạo thói quen nhận lỗi và sửa lỗi cho trẻ bằng cách có quy chế thưởng khi trẻ biết nhìn nhận lỗi, nhận trách nhiệm của mình và phạt khi trẻ không sửa lỗi như đã hứa”.

Thành viên tykun trên diễn đàn webtretho nhận xét: “Đọc bản kiểm điểm của con mà thấy buồn cười và dễ thương quá. Chắc hằng ngày mẹ dùng những từ đó mắng bé nên bé mới thuộc mà viết vào bản kiểm điểm như vậy”. Thành viên Vivi Cattuong trên Facebook thốt lên: “Nhìn bản kiểm điểm của bé, tự dưng nhớ hồi nhỏ quá”. Hàng loạt những lời chia sẻ như “thế này thì giận làm sao được”, “đúng là con nít, nói chuyện sao mà dễ cưng, đọc câu “ra đường ăn xin” mà không nhịn được cười”, “ngây thơ vô số tội, dễ thương thật”… được đăng tải khắp nơi.

Phụ huynh Hoa Mai, có con trai 7 tuổi học Trường quốc tế Việt Úc, ủng hộ: “Tôi cũng thường xuyên bắt con viết bản kiểm điểm sau mỗi lần làm sai một việc gì đó. Nhiều người cho rằng quá nghiêm khắc với trẻ con là không tốt. Nhưng quan điểm của tôi là “bé không vin thì cả gãy cành”. Nếu ta không rèn cho trẻ thói quen nhận lỗi và sửa sai từ nhỏ, thì đến khi lớn lên con cũng sẽ thờ ơ với khuyết điểm của mình”.

Cần uốn nắn trẻ ngay từ bé

Thạc sĩ tâm lý - xã hội học Phạm Thị Thúy, cố vấn chuyên môn Hội quán Các bà mẹ tại TP.HCM, lưu ý: “Cha mẹ cần giáo dục con càng sớm càng tốt về việc nhận lỗi và sửa lỗi. Nhiều gia đình nghĩ con còn nhỏ, không vội uốn nắn con vào khuôn phép, không phân tích cho trẻ lỗi sai, nghĩ từ từ lớn sẽ dạy. Suy nghĩ đó là sai, có hại cho sự phát triển tính cách của trẻ”. Thạc sĩ Thúy cho rằng trẻ càng được cha mẹ thiết lập khuôn phép ứng xử sẽ càng sớm phân biệt đâu là sai, đâu là đúng; cái gì được làm, cái gì không được làm. Điều này rất có lợi cho sự phát triển một nhân cách tốt.

Chị Nguyễn Mai Hương, một phụ huynh có con 8 tuổi ở Q.3, TP.HCM cũng thường khuyến khích con mình viết ra những việc tốt và việc chưa tốt mà bé đã làm trong tuần. “Ví dụ giành ăn của em là một việc chưa tốt, trông em cho mẹ nấu cơm là việc tốt. Đôi khi bé nhầm lẫn việc chưa tốt thành việc tốt, thì thông qua “bản kiểm điểm” của con, vợ chồng tôi giúp bé hiểu chính xác hơn”, chị Mai Hương cho biết.

Theo thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, ở tuổi của trẻ, phạm sai lầm không hẳn là xấu, mà chính là sự phát triển tự nhiên. “Không thể có một đứa trẻ không mắc sai lầm, càng không thể có một đứa trẻ trưởng thành mà chưa từng nếm qua sai phạm. Việc viết bản kiểm điểm phần nào giúp trẻ có thời gian ngẫm nghĩ lại những lỗi lầm của mình, nhận thức được đúng sai, từ đó thay đổi. Tuy nhiên các bậc cha mẹ nên biết kiềm chế và thật tâm lý khi con mắc lỗi, làm sao để biến việc đó thành bài học quý giúp con ngày càng tốt hơn”, thạc sĩ Hiếu đưa ra lời khuyên.

Bên cạnh đó, cô Võ Thị Thùy Linh, giáo viên Trường tiểu học Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú, TP.HCM, cho rằng cùng với việc đề nghị con tự kiểm điểm, thì cha mẹ nên dùng những từ ngữ nhẹ nhàng để khuyên bảo chứ không nên la mắng, đánh đập. Vì những lời lẽ đay nghiến hoặc đòn roi sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của con, khiến con hình thành cảm giác tự ti, mặc cảm, sợ hãi, lâu sẽ thành trầm cảm.

Mỹ Quyên

>> Hạn chế sai sót khi giáo dục con
>> Những bài học trong giáo dục con cái
>> Cần xem lại cách giáo dục con cái
>> Giáo dục con: Học mới biết mình... sai!
>> Giáo dục con trai tuổi "teen

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.