Việt kiều Mỹ 'giết người' sau va quẹt: Người Việt còn ngán ngẩm giao thông xứ mình

18/05/2016 16:15 GMT+7

Một chuyên gia nước ngoài từng nói: 'Nhìn cách người dân lưu thông trên đường là biết trình độ dân trí của nước đó". Hầu hết độc giả đều đồng tình sau khi Thanh Niên có bài Việt kiều Mỹ “giết người” sau va quẹt: Khóc với giao thông xứ ta .

“Mọi việc đều do ý thức”
Đó là nhận định của độc giả có tên Dau Nho về vụ án: “Mọi việc đều do ý thức của mỗi người. Bỗng đâu, có cậu trai trẻ gốc Hà thành bon bon vượt đèn đỏ phía bên kia đường. Đã vượt đèn đỏ va quẹt người ta. Thay vì xin lỗi đằng này còn chửi tục, đánh chảy máu đầu thì hỏi sao không tức hả. Thử nêu ra cho tôi một người trong trường hợp này không tức đi. Còn việc ông Việt kiều chặn đường và gây hậu quả là sai. Nhưng tại sao "cậu trai trẻ gốc Hà thành" và bạn cậu ta không bị truy tố về tội côn đồ, đánh dập người khác và vi phạm luật giao thông ?”
Bạn đọc Đoàn Việt Hùng (ngụ Hà Nội) cũng góp lời, lạ gì nữa, sai lù lù còn gân cổ cãi, bình thường chẳng thèm chấp cái loại này. Cứ tưởng mình là bố thiên hạ có ngày gặp côn đồ nó đâm chết thì kêu.
Còn bạn Nhã Trang (ngụ Hà Nội) cho biết, bên Mỹ có va chạm giao thông thì cứ gọi cảnh sát, bảo hiểm đến giải quyết, rất nhanh và hiệu quả. Nên hình thành thối quen "nói luật" của Việt kiều, cũng như du khách, còn Việt Nam mà va quẹt chỉ biết xin lỗi và bồi thường, không thì ăn đòn, dẫn đến những chuyện không văn minh như trên.
Bạn Cao Minh Hải thêm: chả cần Việt kiều, tới người VN còn ngán ngẩm với hành vi văn hóa ứng xử của nhiều người tham gia giao thông nữa kìa
Tuy nhiên, bạn Tbinh (ngụ TP Hồ Chí Minh) phản đối: “Ơ lạ nhỉ? vậy nếu như có người vượt đèn đỏ đâm vào mình thì mình phải làm sao để không phạm tội, chẳng lẽ im lặng cam chịu? Khi người ta đánh mình trước, phải làm sao để không phạm tội? chẳng lẽ bỏ chạy để bảo toàn mạng sống? Vậy người ta ngu gì mà lương thiện, phải ra tay trước cho có lợi thế chứ?”
“Vậy nạn nhận trong vụ này là người đánh anh ta trước (nếu lúc đó anh ta không có dao thì biết đâu anh là người phải đi cấp cứu) thì tòa xử sao đây và vị kiểm soát viên kia luận tội sao đây? Ông già kia không chỉ khóc vì văn hóa giao thông ở VN mà ông còn khóc vì cơ quan hành pháp nữa...", nick name Tanhung (ngụ Phú Yên) bình luận.
“Va chạm khi tham gia giao thông nhỏ như cái móng tay lại mâu thuẫn lớn. Người suýt chết, kẻ vào tù. Thiệt là một câu nói, chín câu cự nự” bạn Nguyễn Song Giang ngán ngẩm.
Ai được bảo vệ khi va chạm giao thông?
Bạn Thang (TP Hồ Chí Minh) hỏi, người ta đi đèn xanh, anh đi đèn đỏ quẹt vô còn chửi, đánh người ta. Các bạn nghĩ xem ai nên được bảo vệ, đi sai tín hiệu còn "hổ báo" nữa. Phải phạt cái "cậu thanh niên hổ báo HN" thật nặng, nếu không răn đe vậy thì có ngày chính chúng ta ra đường sẽ gặp tương tự thôi.
Đồng tình, bạn Thúy Loan (ngụ TP Hồ Chí Minh) nói, ở Việt Nam, hành vi vi phạm pháp luật, coi thường pháp luật như "vượt đèn đỏ", "đi ngược chiều" diễn ra thường xuyên, liên tục, thấy mà chán. Vượt đèn đỏ nếu bị người đi bên đèn xanh đụng (chết) thì người vượt đèn đỏ không được bồi thường gì đâu nhé, sao không nghĩ hành vi trái pháp luật của mình gây tai nạn và làm hại người khác. Dù không bị phạt do không có công an nhưng hành vi vượt đèn đỏ, đi ngược chiều đó xét về đạo đức cũng là một "tội lỗi", tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho người khác.
"Sao cứ đổ hết cho 2 thằng nhỏ kia là thế nào nhỉ? Nếu sau lần va quẹt, ông Việt kiều gặp lại thằng Long ông không dừng xe ngáng đường nó thì đâu có ra nông nỗi. Ông này cũng có vừa gì đâu mà cứ la oan? Cả ba ông đều có tội, quan trọng là tội ông nào đến đâu thì xử lý đến đó, không có oan ức gì hết" bạn Thành Đạt Nguyễn (ngụ Quảng Ngãi) nói.
Riêng độc giả Pham Gia Tien (TP Hồ Chí Minh) lại cho rằng, 7 năm tù là quá nhẹ. Không thể gọi là tự vệ. Nếu như bị cáo đâm nạn nhân ngay lúc đầu đang đánh nhau thì gọi là tự vệ. Đằng này nạn nhân đã chạy rồi, nghĩa là tạm thời không gây nguy hiểm cho bị cáo. Sau đó bị cáo lại đuổi theo, rồi chặn đầu nạn nhân để gây sự. Đáng lẽ lúc này bị cáo phải nhanh chóng rời khỏi hiện trường đến báo công an. Cách hành xử của bị cáo mang tính côn đồ, coi thường pháp luật, muốn xử lý theo kiểu luật rừng chứ không dùng pháp luật. Cần phạt tù 30 năm. Sống và làm việc tại Việt Nam thì cần phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.
Chốt lại, độc giả Gia Cát Thần Hầu nhận định: “Một đất nước mà chết hàng nghìn người mỗi năm vì giao thông, không thể xem là vấn đề bình thường. Kính mong Chính phủ sớm xây dựng cơ sở hạ tầng để hướng tới một nền giao thông văn minh hơn, thay vì giữ lại nền văn hóa xe hai bánh với đặc trưng lớn là "tùy tiện" kiểu này. Myanmar họ nghèo hơn ta, đổi mới chậm hơn ta nhưng họ đã làm được rồi đó".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.