Việt kiều Mỹ trên chuyến bay về Việt Nam giữa dịch Covid-19: 2 năm rồi không về, không chờ nữa!

21/11/2021 09:42 GMT+7

Sau gần 2 năm kẹt ở Mỹ, thực hiện xong mục tiêu đi đủ 50 bang và tới gần 10 nước mở cửa khác, nhưng tôi vẫn cảm thấy có gì đó thiêu thiếu. Tới một ngày giữa thu Maryland, tôi bảo như thế đủ lắm rồi, phải VỀ thôi dù ở Việt Nam dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Không chờ được nữa, phải VỀ thôi!

Với một đứa mỗi năm về Việt Nam tới ba hay bốn lần như tôi, thì hai năm dịch bệnh đã không được đặt chân lên đất mẹ những bảy, tám lần. Không đi dọc chiều dài đất nước, ăn những món ngon vật lạ quê nhà và ngủ vùi chăn chiếu trong căn phòng quen thuộc thì chán biết chừng nào. Đã vậy áp lực đi làm giữa dịch bệnh càng thấy nản. Tới một ngày giữa thu Maryland, tôi bảo với lòng, như thế đã đủ lắm rồi. Tình hình dịch bệnh bên nhà cũng ổn định rồi. Phải VỀ thôi. Không đợi chờ thêm nữa.

Tôi lên Facebook, đọc nhiều quảng cáo về những chuyến dành cho người Việt hồi hương, cách ly ở Vân Đồn, Đà Nẵng hay Hội An. Cuối cùng, tôi chọn của Vietravel vì được cách ly ở Khánh Hòa - quê mẹ. Tôi liên hệ một người bạn làm du lịch nhờ giúp đỡ, hỏi xem thủ tục và giá cả thế nào. Trong một ngày ngắn ngủi, tôi đã mua vé về liền. Vắc xin đã chích đầy đủ. Đi kiểm tra Covid thì có bảo hiểm thanh toán. Hai thứ quan trọng nhất đã thủ sẵn rồi. Lên nói với sếp, ổng cười bảo "sao có thể chịu đựng bảy ngày dài ngồi trong phòng đối diện với chính mình như thế?".

Người Mỹ sinh hoạt bình thường, chỉ đeo khẩu trang và sát khuẩn tay phòng dịch. Sân bay vẫn đông đúc

nguyễn hữu tài

Vài người bạn nghe nói giá vé và bảy ngày cách ly cũng lè cả lưỡi, khuyên tôi đủ điều, bảo khi nào mở cửa hết hẵng về. Nhưng thôi, tiền bạc làm sẽ kiếm được. Hai mươi mấy năm cày cuốc, tiền vé cũng không là quá nhiều so với lương. Bảy ngày cách ly rồi cũng sẽ qua mau. Quan trọng là được trở về quê hương sau bao ngày thương nhớ.

Từ Washington D.C., tôi tự book vé bay sang Los Angeles rồi sẽ nối chuyến của Asiana tới Seoul. Sau đó bay của Bamboo Airways về Việt Nam. Lúc đầu tôi tính đi trước một ngày vì sợ trễ. Ngủ lại khách sạn rồi thuê xe ghé thăm vài người bạn ở Los Angeles và Little Saigon luôn. Nhưng việc nhiều quá nên đổi vé, mà cũng sợ trễ chuyến nên phải đi sớm. Tới nơi mới 4 giờ chiều mà 11 giờ đêm mới được bay. Thôi kệ.

Những ngày cận kề, cảm giác thiệt tình không diễn tả được. Lần này về ít nhất cũng cả tháng trời, vừa mừng vì sắp được về thăm quê, gặp lại người thân và bè bạn. Hai năm dài chứ ít gì. Không biết Sài Gòn dạo này ra sao? Ninh Hòa quê mình có thay đổi gì không? Những hàng quán thân quen mở cửa lại chưa? Bạn bè bao nhiêu đứa còn ở lại phố thị chờ cơ hội làm việc sau bao ngày giãn cách? Bao nhiêu đứa về quê trốn dịch? Rồi người thân mình bên này ổn cả chứ? Mấy đứa cháu đi học chắc sẽ bình thường?...

Bay từng chặng, chờ muốn... gãy lưng

Tới lúc chất đồ vô vali mới mệt. Hai năm nay mua sắm đủ thứ để mang về. Cứ book vé, rồi bị hủy. Tiếp tục book, rồi hủy. Thuốc thang, áo quần, giày dép mua cho người thân quá trời. Hai vali không đựng đủ đồ. Liên hệ với bên Vietravel nhờ mua thêm hành lý. Họ bảo máy bay từ Seoul về Cam Ranh nhỏ nên mỗi người chỉ được 2 kiện. May, tới phút cuối cùng đổi qua Boeing 787 nên chịu bán thêm hành lý. Thêm một vali nữa, cứ như mang hết mọi thứ ở nước Mỹ về Việt Nam vậy.

Vé bay từ Incheon (Hàn Quốc) về Nha Trang (Khánh Hòa)

nguyễn hữu tài

Tôi nhờ nhân viên chở ra sân bay sau khi dặn dò người nhà kỹ lưỡng. Mùa dịch nên cái gì cũng lo. Người Mỹ thì coi mọi thứ bình thường cả rồi. Sân bay đông đen. Máy bay không còn chỗ trống. Hơn sáu tiếng đồng hồ từ Washington D.C. qua Los Angeles ngồi gãy cả lưng. Tới nơi lấy hành lý từ ga quốc nội, đi qua ga quốc tế muốn rã giò.

Chưa bao giờ bay mà tôi thấy cực như vầy. Đẩy được ba vali to với vali xách tay và cái balo vô phi trường thì tiếp tục ngồi chờ bởi sớm quá, quầy check in chưa mở. Tưởng đâu chỉ có mình mình tới sớm thôi, ai dè có nhiều người Việt Nam khác sống ở gần đó cũng tới chờ giờ làm thủ tục chứ sợ trễ chuyến bay vì sợ “đặc sản” kẹt xe của Los Angeles.

Khuôn mặt ai cũng háo hức lạ thường vì sắp được về quê, khi Tết đang gần đến dù cũng chưa biết lần nhập cảnh này sẽ ra sao so với nhiều lần trước đó. Hai cha con chú kia hỏi tôi về khi nào qua? Tôi bảo đầu tháng 12 vì việc nhiều quá. Anh con trai cười quá trời, bảo tốn tiền vé mà về chi ít vậy anh. Tụi tui về ăn Tết luôn mới qua lại. Nghe họ nói tự nhiên thấy buồn. Tết này chắc mình cũng không về như năm ngoái.

Đoàn người dài ngoằn xếp hàng làm thủ tục ở sân bay

nguyễn hữu tài

19 giờ 30 tối, quầy mở, đoàn người Việt dài ngoằng xếp hàng làm thủ tục với một ít người Hàn. Đâu được vài người mang vali như tôi. Còn phần lớn là mang thùng cho nhẹ cân để thêm ít đồ nữa. Nhân viên Asiana chuyên nghiệp kiểm tra đầy đủ giấy tờ, từ giấy xét nghiệm Covid, tới chứng nhận tiêm chủng rồi kiểm tra hộ chiếu kỹ càng. Những chuyến bay như thế này chắc họ làm cũng nhiều nên mọi thứ nhanh chóng, quá trời chuyên nghiệp.

California đi sau Washington D.C. 3 múi giờ. Tôi buồn ngủ vô cùng, cộng với một ngày bay và chờ đợi mỏi mòn nên khi vô máy bay là tranh thủ ngủ, không ăn uống gì hết.

4 tiếng đồng hồ đặc biệt nhất trong đời

Lâu lắm rồi tôi mới bay về Việt Nam với nhiều người Việt vậy. Vì phần lớn tôi bay bằng vé thưởng của Star Alliances. Từ Mỹ bay qua một nước châu Âu, rồi đi Thai Airways về Bangkok rồi tới Sài Gòn vào buổi sáng. Lần này thì bên trái người Việt, trước Việt, sau Việt. Ai cũng háo hức kể chuyện về sẽ làm gì, mua vé bao nhiều tiền (dù bằng giá hết trơn). Rủ nhau về tới Việt Nam cách ly ở chung (dù bạn tôi bảo họ đã sắp xếp sẵn, không thay đổi được).

Một chuyến về rất vất vả nhưng đổi lại cảm xúc cũng rất đặc biệt vì đã 2 năm rồi tôi chưa đặt chân lên đất mẹ

nguyễn hữu tài

Sau hơn 13 tiếng ngủ gà ngủ gật trên bầu trời, chúng tôi tới Seoul. Chờ thêm sáu tiếng nữa mới được lên máy bay cùng khách từ San Francisco, Úc, châu Âu và nhiều nước châu Á khác. Tôi vào phòng nghỉ để tắm rửa và ăn sáng. Chờ gần 8 giờ sáng, quầy vé của Bamboo Airways mở cửa mới ra làm thủ tục. Lần này thì tất cả đều là người Việt từ khắp nơi trên thế giới mong muốn được trở về nhà, sau gần hai năm kẹt lại. Có những người trẻ khỏe như tôi, cũng có những cụ ông, cụ bà lớn tuổi, anh trai, chị gái trung niên, nói đủ thứ giọng từ Bắc, Trung, Nam, nghe vui quá.

Mọi người xếp hàng làm thủ tục. Nhân viên sẽ đi chung quanh kiểm tra hộ chiếu, giấy xét nghiệm Covid, tag hành lý và mã QR của tờ khai y tế. Ai chưa kịp làm họ sẽ hướng dẫn khai. Người nào cũng lỉnh kỉnh một tập hồ sơ to đùng. Chú kia than, chưa lần nào về mà khổ sở như lần này. Sợ mất giấy tờ rồi người ta không cho nhập cảnh. Tôi bảo không sao đâu chú ơi, cứ bình tĩnh.

Sau khi họ kiểm tra xong, chúng tôi tới quầy lấy vé. Hai cô nhân viên Hàn Quốc kiểm tra hộ chiếu và tag hành lý lần nữa, sau đó đưa thẻ lên tàu (boarding pass) đã in tên sẵn, chỉ cần ghi thêm số ghế vào. Chắc do chuyến bay charter nên phải làm thủ công chứ không tự động.

Bốn tiếng đồng hồ từ Seoul về Cam Ranh có lẽ là chuyến bay dài, cảm xúc bồi hồi nhất của đời tôi

nguyễn hữu tài

Cầm boarding pass trong tay, nhìn ra ngoài, thấy chiếc máy bay của hãng Bamboo gắn cờ Việt, tự nhiên thấy nôn nao, rộn ràng dễ sợ. Hai năm trước tôi về thì Bamboo chưa thành lập. Giờ sắp được ngồi trên chiếc 787 mới toanh này bay về xứ, thích gì đâu. Và vui nhất là… không phải mặc đồ bảo hộ. Chắc bên nhà cũng đi theo thế giới, chỉ cần đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên là đủ rồi. Chẳng cần bộ đồ xanh trùm kín đầu, nóng bức và vướng víu đó nữa. Nhưng tiếp viên của Bamboo thì vẫn phải mặc suốt cả chuyến bay. Đi tới đi lui phục vụ thức ăn, nước uống và kiểm tra đủ thứ. Tự nhiên thấy thương họ dễ sợ.

Tôi đã đi hàng trăm chuyến bay khắp nơi trên thế giới, nhưng bốn tiếng đồng hồ từ Seoul về Cam Ranh, có lẽ là chuyến bay dài, cảm xúc lẫn bồi hồi nhiều nhất của đời mình. Máy bay còn nhiều chỗ trống. Mình tôi được tới ba ghế. Tôi buộc dây an toàn, ráng nằm một xíu mà có ngủ được đâu, khi trong đầu cứ nghĩ mình phải làm gì, ăn những món nào, gặp gỡ những ai, ngày đi tắm biển mấy lần hay uống mấy ly cà phê mới đã cái bụng?

Tiếp viên của Bamboo vẫn phải mặc đồ bảo hộ suốt cả chuyến bay

nguyễn hữu tài

Hành khách ngồi giãn cách. Mình tôi được tới ba ghế

nguyễn hữu tài

Lúc đọc hướng dẫn nhập cảnh của Vietravel gửi, trẻ như tôi còn thấy ớn lạnh vì chi tiết và hơi rối rắm. Cứ nghĩ không biết mấy cô chú lớn tuổi sẽ ra sao. Nhưng khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Cam Ranh, mới thấy mọi thứ dễ dàng không tưởng. Chỉ cần đưa ra giấy xét nghiệm âm tính Covid trước 72 tiếng đồng hồ, kèm màn hình chụp khai báo nhập cảnh, nhân viên của Viettravel dắt chúng tôi tới làm thủ tục hải quan. Và trong vòng một phút đồng hồ ngắn ngủi, tôi đã được thông quan, hợp pháp đặt chân lên đất mẹ rồi. Đây cũng là lần đâu tiên tôi hạ cánh ở sảnh quốc tế ở Cam Ranh. Có cảm giác thiết kế nơi đây y chang sân bay Tân Sơn Nhất. Từ quầy hải quan, thang máy, băng chuyền hành lý tới cả… nhà vệ sinh. Nên thấy mọi thứ vô cùng quen thuộc.

Cả đoàn hai trăm người kiên nhẫn đứng chờ hành lý, í ới giúp nhau rinh bỏ lên xe. Ai đủ thì ra soi chiếu lần nữa. Ai chưa tiếp tục chờ. Tôi đẩy hành lý ra ngoài, có xe bus của Viettravel chờ phía trước để chở về Champa Island hoặc Vinpearl Condotel Empire theo sự sắp xếp sẵn.

Tôi tháo khẩu trang, hít một hơi thiệt dài. Mùi vị mằn mặn, thơm thơm, theo từng cơn gió biển tràn ngập lấy buồng phổi căng tràn.

Tôi nhủ thầm, mình đã về nhà rồi đấy.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.