Việt kiều vẫn khó mua bất động sản tại Việt Nam

25/02/2023 07:10 GMT+7

Đến nay luật chưa cho phép Việt kiều nếu chưa có quốc tịch Việt Nam được mua bất động sản trong nước.

Để mua được bất động sản (BĐS) trong nước, nhiều Việt kiều phải nhờ người thân đứng tên, dẫn đến nhiều hệ lụy. Chính vì vậy, trong lần sửa đổi các bộ luật lần này, đa số ý kiến đều cho rằng cần có sự bình đẳng giữa người dân trong nước và kiều bào trong việc mua BĐS.

Việt kiều vẫn khó mua bất động sản tại Việt Nam  - Ảnh 1.

Nhiều kiến nghị nới lỏng chính sách để Việt kiều dễ mua bất động sản

ĐÌNH SƠN

Gian truân thủ tục

Phát biểu tại hội thảo nhà ở cho người nước ngoài và Việt kiều do Câu lạc bộ BĐS VN tổ chức, luật sư (LS) Lê Minh Phiếu, Giám đốc Công ty luật LMP, cho biết ông đã tư vấn cho nhiều Việt kiều về VN mua BĐS. Sau rất nhiều vất vả, gian truân cuối cùng họ tìm mua được BĐS, nhưng theo kiểu sang nhượng hợp đồng, không được đứng tên trên sổ hồng. Những rào cản, khó khăn đó xuất phát từ nhiều vấn đề, đặc biệt là pháp lý. 

Theo luật Nhà ở hiện hành có 3 đối tượng được sở hữu nhà gồm người VN, người VN định cư ở nước ngoài có quốc tịch VN và người nước ngoài đang làm việc ở VN (sở hữu 50 năm - NV). Trong đó, người VN định cư ở nước ngoài có hai dạng, một là có quốc tịch VN nhưng định cư ở nước ngoài và người có gốc ở VN nhưng không có quốc tịch ở VN. Đối với người có quốc tịch VN nhưng lâu không ở VN nên không còn hộ khẩu vẫn được quyền mua BĐS ở VN. Nhưng Việt kiều có gốc VN, không có hộ chiếu thì phải xin xác nhận là có gốc ở VN mới mua được BĐS. Tuy nhiên, Việt kiều cũng chỉ được mua căn hộ hoặc nhà liền thổ tại các dự án BĐS, không được đứng tên mua nền đất.

 "Nhưng cái khó nằm ở chỗ phải tìm được các giấy tờ để chứng minh họ có gốc là người VN. Lúc này xảy ra trường hợp không tìm được giấy tờ chứng minh hoặc thủ tục xin xác nhận rất chậm chạp, phiền toái. Điều này đã làm nản lòng kiều bào khi muốn về VN mua BĐS. Nhiều trường hợp nhờ người thân đứng tên và sau đó đã xảy ra tranh chấp, khiếu kiện, rất phức tạp", LS Phiếu cho hay.

LS Nguyễn Sơn Tùng, Chủ tịch Công ty luật Legal United Law, thừa nhận người làm luật như ông cũng thấy khó khăn, thấy có nhiều quy trình, thủ tục để Việt kiều có thể sở hữu được BĐS nên nếu Việt kiều tự đi làm sẽ rất bối rối. Bản thân các chủ đầu tư dự án BĐS cũng thấy bối rối vì không biết dự án có được bán cho người nước ngoài hoặc Việt kiều hay không. Bởi danh mục các dự án được bán do Bộ Quốc phòng đưa ra danh sách nhưng cập nhật rất chậm.

Ông Nguyễn Đức Tính, quốc tịch Mỹ, dẫn chứng có trường hợp người bạn ông là Việt kiều Canada nhờ một người em ruột đứng tên mua miếng đất ở H.Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Mới đây người em ruột đột ngột qua đời, người em dâu đã âm thầm đem miếng đất đi bán, với số tiền hơn 4 tỉ đồng và rời khỏi nơi cư trú. Biết được việc này người bạn của ông đã tức tốc bay về VN gửi đơn đến Công an TP.HCM và Công an Đồng Nai tố cáo sự việc. 

Bạn ông Tính cũng chứng minh được việc tiền gửi về mua đất cũng như có giấy xác nhận 3 bên nhờ người em đứng tên nhưng thật sự để đi đòi được lại tài sản là cả vấn đề lớn vì người em dâu đã đi khỏi nơi cư trú. "Tình trạng đứng giùm tài sản càng để lâu càng rắc rối. Trong khi đó hiện nay nếu không còn giấy tờ chứng minh nguồn gốc thì việc xác nhận mình là người VN rất khó, và luật chưa có hướng dẫn cụ thể cho từng trường hợp", ông Đức Tính cho hay.

Nhu cầu lớnnhưng cơ hội nhỏ

Là người nước ngoài có vợ là người VN, ông Kenneth M Atkinson, Chủ tịch Phòng Thương mại Anh quốc tại VN (Britcham), cho hay bản thân ông cũng đã đầu tư rất nhiều BĐS tại VN. Thời gian đầu các BĐS ông mua đều do vợ ông đứng tên. Sau khi ông có 2 quốc tịch đã được đồng sở hữu, thậm chí có một miếng đất ở Nha Trang ông đã được đứng tên. Nhưng không phải người nước ngoài nào cũng may mắn như ông. "Thị trường BĐS VN hiện vẫn còn rất tiềm năng nên cần xây dựng luật pháp, quy định rõ nhà nào được đồng ý phê duyệt bán cho người nước ngoài, Việt kiều. Cần sửa đổi các quy định của luật Nhà ở, luật Đất đai, luật Kinh doanh BĐS cho phù hợp thực tế hiện nay bởi BĐS là tài sản lớn, sau này có thể để lại cho con cháu", ông Kenneth M Atkinson kiến nghị.

Theo luật hiện hành, người VN ở nước ngoài không thể tiến hành thủ tục cũng như nhận quyền thừa kế. Do vậy nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội, Bộ TN-MT sửa đổi luật Đất đai để bảo đảm người VN định cư ở nước ngoài được quyền mua, bán, trao tặng, cho nhận quyền thừa kế công bằng như người dân ở trong nước. Ngoài ra, hiện luật cho phép kiều bào có quốc tịch VN được mua nhà ở các khu đô thị mới, các khu dân cư, các căn hộ, nhưng không nói tới trong nội đô, trong phố cổ, mặc dù bà con có nhu cầu nên luật cũng cần quy định rõ trường hợp này.

Từng 30 năm sống và làm việc ở VN, ông Peter Hồng, là Việt kiều Canada, cũng là Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nhân VN ở nước ngoài, cho hay cách đây 2 năm ông mới chính thức được sở hữu căn nhà, có tên trên sổ hồng vì trước đây mua BĐS toàn phải nhờ người thân đứng tên.

 "Chính sách cần sửa đổi cho phù hợp để kiều bào có thể mua được BĐS dễ dàng ở VN, vì họ là một bộ phận không thể tách rời của Tổ quốc. Nếu làm được điều này có thể giải cứu BĐS bằng nguồn vốn kiều hối khi năm 2023 dự kiến có khoảng 19,2 tỉ USD vốn kiều bào về VN. Rất nhiều kiều bào nói với tôi muốn về VN định cư nhưng không biết mua BĐS ở đâu, giá thế nào và sở hữu ra sao. Nhiều kiều bào làm mấy chục năm ở nước ngoài, gửi tiền vào ngân hàng không lãi, thậm chí tới đây còn phải đóng phí nên họ muốn về VN đầu tư, mua BĐS, sau này họ mất đi có thể để lại cho con cháu. Nên cần sửa luật để thu hút dòng vốn này", ông Peter Hồng kiến nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.