Việt Nam bác bỏ phát ngôn ngang ngược của Trung Quốc về Trường Sa

14/11/2019 07:09 GMT+7

Việt Nam bác bỏ hoàn toàn mọi nội dung phát biểu liên quan đến Việt Nam của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8.11.2019 về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa

Trả lời báo chí ngày 13.11, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: “Việt Nam bác bỏ hoàn toàn mọi nội dung phát biểu liên quan đến Việt Nam của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 8.11.2019 về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp luật pháp quốc tế”.
Bà Hằng cũng khẳng định lại chủ trương nhất quán của Việt Nam là mọi tranh chấp quốc tế, trong đó có tranh chấp về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa phải giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ.
Trước đó, ngày 8.11, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trả lời câu hỏi của PV về việc “một quan chức cấp cao của Việt Nam cho biết Việt Nam có thể xem xét các lựa chọn pháp lý để giải quyết tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông. Phản ứng của Trung Quốc là gì?”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngang ngược nói: “Cốt lõi của vấn đề Biển Đông là vấn đề lãnh thổ, liên quan đến sự chiếm đóng quần đảo Nam Sa của Trung Quốc bởi Việt Nam và các nước khác liên quan”. Tuy nhiên, cái được gọi là “quần đảo Nam Sa” thực chất là quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đã nhiều lần lên tiếng yêu sách bất chấp thực tế lịch sử và bằng chứng pháp lý.

Vai trò của UNCLOS trong giải quyết tranh chấp biển

Cùng ngày 13.11, hội thảo Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 2 về thực thi Công ước của LHQ về luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và các văn kiện pháp lý quốc tế khác trong ứng phó với các thách thức, do Việt Nam, Canada và Liên minh Châu Âu (EU) đồng chủ trì đã khai mạc tại Hà Nội. Tham dự hội thảo có hơn 100 quan chức, chuyên gia, học giả đến từ hơn 20 thành viên ARF.
Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định UNCLOS là công cụ pháp lý quan trọng điều chỉnh các vấn đề trên biển, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia (bao gồm cả các quốc gia ven biển, quốc gia quần đảo, quốc gia tham gia vào hoạt động khai thác biển), đồng thời là khuôn khổ quan trọng để giải quyết tranh chấp và tăng cường hợp tác biển. Các đại biểu cũng thảo luận các biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả thực thi UNCLOS và các văn kiện pháp lý quốc tế có liên quan trong giải quyết các thách thức; trao đổi quan điểm về những phát triển mới trong giải thích và thực thi UNCLOS, nhất là về giải quyết tranh chấp và ứng phó với các vấn đề mới nổi trong khu vực; từ đó có các khuyến nghị để củng cố hợp tác giữa các quốc gia, tăng cường vai trò của các cơ chế và khuôn khổ khu vực trong quản trị biển và đại dương.
ARF thành lập năm 1994 với 27 quốc gia và tổ chức quốc tế tham dự, với mục tiêu chính là xây dựng lòng tin và tăng cường đối thoại trong khu vực với ASEAN làm trung tâm. Việt Nam là một trong các thành viên sáng lập của diễn đàn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.