Việt Nam bình luận về 'chiến lược mới' của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông

14/01/2021 18:04 GMT+7

Chiều 14.1, tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người phát ngôn của Bộ này Lê Thị Thu Hằng đã phản hồi đề nghị bình luận về "chiến lược mới" của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc ở Biển Đông.

Ủng hộ tất cả các sáng kiến tăng cường hoà bình, ổn định trên Biển Đông

Cụ thể, tại buổi họp báo, đại diện hãng tin Sputnik của Nga đề nghị được biết bình luận của Việt Nam về việc Mỹ vừa đề ra kế hoạch tích hợp 3 lực lượng hải quân, thuỷ quân lục chiến và tuần duyên nhằm ứng phó các thách thức mới, trong đó có Biển Đông.
Trả lời câu hỏi này, bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là các quốc gia trong và ngoài khu vực đều cần đóng góp có trách nhiệm vào mục tiêu chung, duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước luật Biển của Liên Hiệp Quốc năm 1982.
Tương tự, phản hồi đề nghị nêu bình luận về tài liệu mới được giải mật của phía Mỹ về chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, bà Lê Thị Thu Hằng nhắc lại lập trường của Việt Nam là mong muốn và hoan nghênh các sáng kiến liên kết, kết nối ở khu vực góp phần đảm bảo hoà bình, ổn định, hợp tác ở khu vực dựa trên luật lệ và tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của tất cả các nước, bao gồm vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.
"Lập trường này đã được Việt Nam và các nước ASEAN chia sẻ trong tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, gọi tắt là AOIT", bà Hằng khẳng định.

Việt Nam sẽ mua tên lửa từ Ấn Độ?

Đại diện kênh truyền hình Phoenix TV của Hồng Kông đặt câu hỏi về việc, sau cuộc điện đàm của Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc với Thủ tướng Ấn Độ vừa qua thì truyền thông Ấn Độ thông tin là nước này có thể bán tên lửa cho Việt Nam, và đề nghị Người phát ngôn Bộ Ngoại giao bình luận về vấn đề này?
Phúc đáp, bà Hằng cho biết, trong cuộc điện đàm giữa 2 Thủ tướng, hai bên trao đổi rất nhiều vấn đề liên quan đến các biện pháp thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Ấn Độ cũng như vấn đề quốc tế mà Việt Nam - Ấn Độ cùng quan tâm.
“Hợp tác quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ cũng chỉ là một trong các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước”, bà Hằng nói, không phủ nhận thông tin Việt Nam có thể mua tên lửa từ Ấn Độ.
Trước đó, như Thanh Niên đã đưa tin, chiều 21.12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đồng chủ trì Hội đàm cấp cao trực tuyến Việt Nam - Ấn Độ.
Tại hội đàm, hai bên nhất trí nỗ lực sớm đạt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều 15 tỉ USD/năm, tăng cường kết nối các chuỗi sản xuất; mở rộng hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, mạng 5G...
Hai thủ tướng cũng khẳng định tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982.
Kết thúc hội đàm, hai thủ tướng đã thông qua “Tuyên bố tầm nhìn chung Việt Nam - Ấn Độ về hòa bình, thịnh vượng và người dân”. Các bộ, ngành hai nước cũng đã ký kết 7 văn kiện và công bố 3 chương trình hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, hạt nhân dân sự, dầu khí, năng lượng sạch, y tế, hợp tác phát triển, bảo tồn di sản và giao lưu văn hóa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.