Việt Nam - Campuchia tiếp tục đàm phán 16% đường biên giới chưa cắm mốc

21/12/2021 22:22 GMT+7

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Sen thống nhất tiếp tục triển khai đàm phán 16% đường biên giới chưa phân giới, đồng thời phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị.

Kết nối kinh tế, công nhận hộ chiếu vắc xin Covid-19

Sáng 21.12, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Campuchia, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia Hun Sen

TTXVN

Trong trao đổi, hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng trước sự phát triển toàn diện và ngày càng hiệu quả của quan hệ hợp tác Việt Nam - Campuchia trong suốt 55 năm qua.

Dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song hai bên đã nỗ lực duy trì tiếp xúc và trao đổi cấp cao; phát huy hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương; hợp tác trong các lĩnh vực an ninh quốc phòng, thương mại, đầu tư và hợp tác giữa các địa phương hai nước tiếp tục có bước phát triển tích cực.

Hai nhà lãnh đạo thống nhất cao về các phương hướng lớn tăng cường hợp tác giữa hai nước thời gian tới.

Theo đó, 2 nước sẽ tập trung triển khai hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận đã ký; duy trì thường xuyên các chuyến thăm, tiếp xúc, trao đổi cấp cao và các cấp, các cơ chế hợp tác song phương; phối hợp triển khai tốt các hoạt động trong khuôn khổ "Năm Hữu nghị 2022" kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Bên cạnh đó, tiếp tục làm sâu sắc hơn nữa hợp tác an ninh - quốc phòng, tăng cường phối hợp giữ gìn an ninh biên giới, đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Campuchia.

Hai bên nhất trí đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực giao thông vận tải, viễn thông, thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng; đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa các tỉnh giáp biên.

Hai bên khẳng định ủng hộ nỗ lực sớm hoàn thành “Quy hoạch tổng thể kết nối hai nền kinh tế Việt Nam - Campuchia đến năm 2030”; triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã ký kết.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục triển khai đàm phán 16% còn lại

TTXVN

Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao việc kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại biên giới, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp hai nước trên cơ sở cùng có lợi.

Hai bên cũng nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục đào tạo, tư pháp, nông-lâm-ngư nghiệp, tài nguyên và môi trường, du lịch...; thúc đẩy đàm phán tiến tới công nhận lẫn nhau về hộ chiếu vắc xin/giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19.

Vun đắp mối quan hệ Việt Nam - Campuchia ngày càng đơm hoa kết trái

Đề cao lập trường ASEAN về Biển Đông

Về hợp tác biên giới, hai bên nhất trí thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các hiệp ước, hiệp định và thỏa thuận liên quan đến biên giới hai nước, trong đó có 2 văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc khoảng 84% chiều dài đường biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục triển khai đàm phán 16% còn lại, đồng thời phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh trên tinh thần đoàn kết, hữu nghị, góp phần tiếp tục xây dựng một đường biên giới hòa bình, ổn định và hợp tác.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Sen chứng kiến lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác

TTXVN

Thủ tướng Hun Sen bày tỏ cảm ơn sâu sắc đối với sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn mà Việt Nam đã dành cho Campuchia trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc khỏi chế độ diệt chủng trước đây; đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc ngày càng gắn bó và bền chặt, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ cảm ơn và mong muốn Campuchia tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng người gốc Việt sinh sống và làm việc ở Campuchia.

Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục phối hợp, đề cao lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, trong đó có việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, tăng cường xây dựng lòng tin, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, tuân thủ luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; ủng hộ các bên thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) cũng như hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu lực, thực chất, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển 1982.

Sau cuộc gặp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Hun Sen đã cùng chứng kiến lễ ký kết 7 văn kiện hợp tác giữa hai Chính phủ và các bộ, ngành hai nước trong các văn kiện hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, hợp tác biên giới, thương mại, giáo dục và tư pháp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.