Việt Nam chuẩn bị ký Hiệp định RCEP

10/11/2020 06:13 GMT+7

Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (The Regional Comprehensive Economic Partnership - RCEP) dự kiến sẽ được ký kết trong tuần này tại Hội nghị cấp cao ASEAN tổ chức trực tuyến tại Hà Nội.

Nếu được ký kết, có lẽ đây là Hiệp định thương mại tự do (FTA) đầu tiên giữa Việt Nam và các nước được ký qua… online.

Cạnh tranh sẽ khốc liệt

Theo một tuyên bố từ RCEP vào kỳ đàm phán gần đây nhất ở Thái Lan, thì dù có Ấn Độ hay không, hiệp định vẫn được ký kết trong năm nay và dự kiến có hiệu lực từ năm 2021. Tờ Bangkok Post cuối tuần qua cũng cho rằng, RCEP sẽ hỗ trợ thương mại và đầu tư mở, toàn diện và có quy định, đồng thời củng cố, duy trì kết nối với chuỗi cung ứng, sản xuất trong khu vực, đặc biệt là đẩy mạnh phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19.
EVFTA và CPTPP mang lại cho Việt Nam một thị trường xuất khẩu rộng lớn đặc biệt những hàng hóa là thế mạnh của Việt Nam
Chuyên gia marketing Vũ Quốc Chinh, Đại học Kinh tế TP.HCM
Báo cáo về thách thức và cơ hội từ RCEP đối với doanh nghiệp Việt Nam của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, RCEP là thị trường lớn với lượng dân số hùng hậu đến từ Trung Quốc, thị trường chiếm 30% GDP toàn cầu (đặc biệt tại Trung Quốc và Nhật Bản) và chiếm 28% thương mại thế giới. Xét về thương mại, đây là cơ hội lớn cho Việt Nam khi tham gia RCEP.
“Đặc biệt, đây cũng là thị trường không quá khó tính (ngoại trừ Úc, Nhật, New Zealand), có nhu cầu là sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như nông sản vùng nhiệt đới và thực phẩm chế biến. Đặc điểm của chuỗi sản xuất RCEP là bao trùm cả chuỗi sản xuất gần như hoàn chỉnh của nhiều loại hàng hóa như điện thoại, sản phẩm điện tử, dệt may, giày dép, thực phẩm chế biến…”, bà Nguyễn Thị Thu Trang (Trung tâm WTO và hội nhập - VCCI) thông tin.
Tuy nhiên, VCCI cũng cảnh báo, trong khu vực kinh tế RCEP, có quá nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự hàng Việt Nam, có năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc…
Trong khối ASEAN đã có hiệp định gọi tắt là AFTA ký với từng nước; song song đó, VN cũng đã ký song phương với các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh kinh tế Á - Âu... Hiện Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại, thêm một RCEP sẽ tạo ra lợi thế gì hơn các hiệp định trước, ông Robert Trần, chuyên gia tư vấn đầu tư, Tổng giám đốc Tập đoàn tư vấn chiến lược RBNC (phụ trách thị trường Mỹ và châu Á - Thái Bình Dương), khẳng định: Ký kết được nhiều FTA với các nước là lợi thế. Hãy hình dung thế này, hàng hóa Việt Nam có cơ hội có mặt tại mọi nơi trên thế giới, tạo được mạng lưới từ thương mại, kinh tế chính trị, môi trường… với các nước. Thứ hai, doanh nghiệp (DN) Việt có cơ hội tham gia nhiều sân chơi khác nhau, qua đó mức trải nghiệm sẽ tăng và khả năng thích ứng với nhiều hoàn cảnh tốt hơn. Thứ ba, đây là hiệp định liên quan đến quan hệ kinh tế một cách toàn diện, trong đó có quốc gia có lượng người tiêu thụ lớn nhất toàn cầu là Trung Quốc.

Cẩn trọng khi xóa bỏ hạn chế các ngành dịch vụ

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, Việt Nam cần cẩn thận với RCEP và “bẫy” trung chuyển hàng hóa từ thị trường này sang thị trường khác. Chuyên gia marketing Vũ Quốc Chinh, Đại học Kinh tế TP.HCM, phân tích: Không chỉ là chuyện xuất khẩu hàng hóa, gỡ bỏ hàng rào phi thuế quan, cải cách hải quan, mà RCEP sẽ là hiệp định mang tính toàn diện mở rộng cho tự do đầu tư trực tiếp, thương mại dịch vụ kể cả dịch vụ viễn thông, dịch vụ tài chính, dịch vụ logistics, bán hàng điện tử với các nước thành viên trong đó có Trung Quốc.
“EVFTA và CPTPP mang lại cho Việt Nam một thị trường xuất khẩu rộng lớn đặc biệt những hàng hóa là thế mạnh của Việt Nam. Hai FTA đó cũng hướng đến thị trường khó tính, đưa ra các điều kiện cao giúp DN nội địa biết tự nâng mình lên, nâng chất lượng hàng hóa lên. Với RCEP, một thị trường cực kỳ mênh mông trong đó, có thể nói là thượng vàng hạ cám. Đặc biệt, có nhiều mặt hàng tương đương với hàng Việt nên khi mở cửa, về lý thuyết thì đây là cơ hội để người tiêu dùng trong nước có thêm sự lựa chọn. Nhưng trong xuất khẩu, các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam với thị trường RCEP không chiếm tỷ trọng lớn. Thế nên, việc mở các dịch vụ logistics vốn không phải là thế mạnh của Việt Nam, vô hình trung ta dễ rơi vào “bẫy” là nơi chuyên chở hàng hóa từ đông sang tây. Thứ hai, việc xóa bỏ hạn chế về thương mại dịch vụ, kể cả tài chính và viễn thông, bán hàng điện tử… trong RCEP là thách thức lớn cho Việt Nam. Việt Nam đang hướng đến cuộc cách mạng 4.0, ngành thương mại điện tử phát triển mạnh nhưng DN trong nước còn non trẻ. Nếu xóa bỏ hạn chế, đồng nghĩa là ngành thương mại điện tử Việt Nam sẽ bị “bóp chết” không thương tiếc trong RCEP”, ông Vũ Quốc Chinh nói.
Dù vậy theo ông Chinh, ngoài các FTA tiến bộ, thế hệ mới, các FTA song phương được ký kết với các quốc gia phát triển đã và đang là lợi thế của Việt Nam, nếu được khai thác tốt.
RCEP là FTA được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên của ASEAN và 6 đối tác đối thoại bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand. Các cuộc đàm phán về RCEP bắt đầu diễn ra vào cuối năm 2012, tại Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21 diễn ra tại Phnom Penh (Campuchia). Trong cuộc đàm phán gần đây nhất vào ngày 4.11.2019, Ấn Độ đã chính thức rút khỏi RCEP do các vấn đề chưa được giải quyết, đặc biệt là liên quan tới thuế nông nghiệp. Sau đó, Ấn Độ cũng tuyên bố không tham gia hiệp định này trong năm nay.
Tính tới hết năm 2019, các quốc gia tham gia RCEP có tổng dân số 3,6 tỉ người, với tổng GDP hơn 28.500 tỉ USD - chiếm 32,7% GDP toàn cầu. Khối lượng thương mại của các nước tham gia đạt 11.200 tỉ USD - tương đương 29,5% thương mại toàn cầu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.