'Việt Nam có 37 làng ung thư thì 10 làng nguồn nước ô nhiễm nặng'

20/06/2023 19:42 GMT+7

Thông tin trên được đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương) nêu ra trong thảo luận về dự thảo luật Tài nguyên nước sửa đổi chiều 20.6.

Góp ý về việc cấp nước sạch cho người dân, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho rằng nước sạch là một loại thực phẩm, hàng hóa đặc biệt, có tác động trực tiếp đến sức khỏe và mọi hoạt động thiết yếu khác của người dân. 

'Việt Nam có 37 làng ung thư, thì 10 làng nguồn nước ô nhiễm nặng' - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (đoàn Bình Dương)

GIA HÂN

Tuy nhiên tại Việt Nam, tỷ lệ hộ dân được tiếp cận nước máy hiện nay chỉ chiếm khoảng 52%; đặc biệt, tỷ lệ này ở thành thị là 84,2%, trong khi tại nông thôn chỉ đạt 34,8%. 

Theo ước tính của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), Việt Nam có khoảng 52% trẻ em, tương đương với 17 triệu trẻ em chưa được sử dụng nước sạch. Thiếu nước sạch và vệ sinh kém được xem là nguyên nhân hàng đầu khiến 44% trẻ em bị nhiễm giun và 27% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng. 

Đặc biệt, theo thống kê của Bộ Y tế, Việt Nam có 37 làng ung thư, trong đó có đến 10 làng ung thư có nguồn nước bị ô nhiễm nặng, con số này là rất đáng báo động. "Người dân có quyền được tiếp cận nước sạch và Chính phủ có trách nhiệm đối với nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân, đặc biệt đối với khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo", bà Xuân nêu. 

Nữ đại biểu cũng đề xuất bổ sung nội dung: "Nhà nước có quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển, quản lý hệ thống cấp nước sạch cho người dân; đầu tư hệ thống cấp nước sạch liên xã, liên huyện, liên tỉnh và hệ thống cấp nước sạch cho toàn vùng; quy định phạm vi trách nhiệm bảo vệ công trình cấp nước cho cộng đồng". 

Đồng thời, bà cũng kiến nghị quy định trách nhiệm của các công ty cấp nước sạch, nhất là bồi thường thiệt hại cho người dân. Bà Xuân dẫn chứng tại Phần Lan, việc ngừng cấp nước, các sự cố về nước và quản lý rủi ro về nước được xác định bằng cách tính tổng số thời gian ngừng cấp nước trong một năm. Người sử dụng có thể yêu cầu đền bù chi phí cấp nước tối thiểu 2% nếu số thời gian này vượt quá 12 giờ trong năm. 

Cùng quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, nguồn nước tự nhiên của đất nước ta hiện nay có chiều hướng suy giảm và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do tác động của thiên nhiên và con người gây ra.

Ông đề nghị cần bổ sung thêm các chính sách cụ thể như đầu tư cho các hồ, đập tích trữ nước, hạn chế tối đa xây dựng đập thủy điện; ứng dụng công nghệ tái chế nước sinh hoạt, nước mưa, cải tạo nước biển thành nước ngọt.

Đặc biệt, về quy định các hành vi cấm trong dự thảo, theo đại biểu Phạm Văn Hòa, thời qua qua việc xử lý rất khó khăn. Mặc nhận cho rằng nước rất phong phú, vô tận, sử dụng, khai thác không biết bao giờ hết cho nên các hình thức xử phạt thiếu nghiêm minh; nhiều nơi không có xử phạt dẫn tới ý thức chấp hành của người dân rất hạn chế. 

Vì thế, ông đề nghị có biện pháp xử lý nghiêm để nêu gương, phòng ngừa như là xả nước thải chưa xử lý ra môi trường, hủy hoại nước do sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp, khai thác mạch nước ngầm vô tội vạ.

Mặt khác, thời gian qua, nước bị ô nhiễm, các sinh vật sống dưới nước bị hủy diệt hoặc bị ảnh hưởng chất lượng sống xuất phát từ các loại hóa chất này gây ra. Cho nên cần quy định có ô nhiễm môi trường nhưng ở mức độ nào và tác động môi trường ra sao thật cụ thể, thật sự khách quan.

Nước của các dòng sông đi qua rất nhiều địa phương, vì thế các địa phương cũng phải tham gia cùng để điều tiết các lưu vực sông này. Chưa kể, 60% nước của Việt Nam là từ nước ngoài chảy vào, cần cả sự phối hợp tốt giữa các địa phương và cơ quan T.Ư.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh

Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh cho biết, luật Tài nguyên nước sửa đổi phải đảm bảo thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng về quản lý, về bảo vệ, về sử dụng tài nguyên nước và đặc biệt là đảm bảo về an ninh nguồn nước. 

"Nhiều đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến an ninh nguồn nước, đặc biệt hiện nay biến đổi khí hậu tác động rất lớn. Luật Tài nguyên nước sửa đổi phải làm thế nào đảm bảo được về an ninh nguồn nước", ông Khánh nêu.

'Việt Nam có 37 làng ung thư, thì 10 làng nguồn nước ô nhiễm nặng' - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh

GIA HÂN

Dự thảo luật sẽ rà soát các giải pháp, có giải pháp về tiết kiệm nước, sử dụng nước và sử dụng khoa học cách quản trị về tuần hoàn nước. "Chúng ta phải giữ được nước. Chúng ta là quốc gia biển, hạn hán, thiếu nước về mùa khô, bị lũ vào mùa mưa nên việc điều tiết, quản lý, sử dụng nước đảm bảo hiệu quả rất quan trọng", Bộ trưởng Khánh nhấn mạnh.

Về ý kiến phục hồi tài nguyên nước, theo lãnh đạo Bộ TN-MT, nếu các dòng sông "chết" thì làm sao tạo được dòng chảy, làm sao chống được ô nhiễm môi trường? Vì vậy, phải khắc phục tác hại, phục hồi các tài nguyên nước; tiếp tục nghiên cứu các chức năng về phòng, chống, thoát lũ, chứa lũ để điều hòa chống úng, chống ngập đô thị, lũ ở các địa phương, ở các dòng sông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.