Việt Nam có đơn hàng khẩu trang 52 triệu USD trong bối cảnh toàn cầu chống dịch Covid-19

08/04/2020 06:27 GMT+7

Theo Tổng công ty May 10, hiện có đối tác lớn đang đặt mua 400 triệu khẩu trang y tế với giá trị 52 triệu USD (bằng 30% doanh thu năm 2020). Đây là hướng đi của doanh nghiệp trong bối cảnh thiếu đơn hàng vì Covid-19 .

Chiều 7.4, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với Tổng công ty May 10 (May 10) về tình hình sản xuất kinh doanh và công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Theo báo cáo của Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, trong tháng 4, tổng công ty sẽ thiếu hụt gần 30% đơn hàng, nên việc may khẩu trang hy vọng sẽ bù đắp phần nào.
Song song với may khẩu trang vải, May 10 đã quyết định sản xuất khẩu trang y tế và hiện đã nhập máy sản xuất về để lắp đặt.
Cũng theo ông Việt, hiện có một đối tác lớn đang đặt mua 400 triệu khẩu trang y tế và dự kiến giao hàng từ tháng 7 với giá trị 52 triệu USD (tương đương 30% doanh thu của May 10 trong năm 2020). Ngoài ra, có đối tác của Mỹ đặt mua 20 triệu khẩu trang vải trong 6 tuần và một đối tác Đức đã đặt mua 2 triệu khẩu trang vải, 6 triệu khẩu trang y tế.
Tuy nhiên, ông Việt bày tỏ băn khoăn, hiện nay, Chính phủ chỉ cho phép xuất khẩu đối với 25% sản lượng khẩu trang y tế với các đơn hàng có chỉ định, hợp đồng; còn 75% phải tiêu thụ trong nước, nên sẽ "bó" những doanh nghiệp như May 10 trong sản xuất, kinh doanh khẩu trang.
Ngoài khẩu trang thì May 10 cũng đang có khách yêu cầu 2 triệu bộ đồ chống dịch, nhưng do chưa có hướng dẫn xuất khẩu của Chính phủ và Việt Nam cũng chưa có phòng thí nghiệm nào kiểm tra tiêu chuẩn CE nên sẽ khó trong sản xuất.
“Sản xuất khẩu trang là việc chẳng đừng, vì không thể so với giá trị sản xuất may mặc. Tuy nhiên, chúng tôi phải chuyển đổi để thích ứng và cố gắng bù đắp thiếu hụt vì 12.000 công nhân lao động”, ông Việt chia sẻ.

“Đúng là trong nguy có cơ”

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, Việt Nam có một nền kinh tế rất mở khi kim ngạch xuất nhập khẩu cao gấp 2 lần GDP. Dịch bệnh xảy ra đã làm đứt gãy các chuỗi sản xuất trên khắp thế giới và tác động mạnh tới hàng không, dịch vụ, dệt may, da giày. Trong bối cảnh đó, Hà Nội và TP.HCM bị tác động rất lớn.
Ông Huệ đánh giá cao việc tới nay May 10 vẫn bảo đảm an toàn cho cán bộ, người lao động của tổng công ty, nỗ lực tối đa để cơ cấu lại sản xuất và cùng với Tổng công ty Dệt may Việt Nam đàm phán lại với các chủ hàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.
“May 10 chuyển sản xuất sang khẩu trang rất nhanh và đã chớp được các đơn hàng tốt. Đúng là trong nguy có cơ. Giờ phải tận dụng các cơ hội có thể để vượt lên khó khăn tự cứu mình trước trong khi chờ nhà nước hỗ trợ”, ông Huệ đánh giá.
Theo Bí thư Thành uỷ Hà Nội, để duy trì sản xuất của nhà máy, Chỉ thị 16 thì đã có quy định cụ thể, nhưng làm thế nào để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong sản xuất là trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp.
Từ đó, ông Huệ gợi ý các ngành hàng, hiệp hội phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để xây dựng tiêu chuẩn an toàn trong phòng chống dịch, không thể bỏ mặc cho doanh nghiệp tự làm.
Ông Huệ giao UBND TP.Hà Nội nghiên cứu, chỉ đạo hoặc kiến nghị tới các bộ, ngành T.Ư. Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng giao UBND thành phố xử lý những kiến nghị doanh nghiệp gửi lên để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn.
“109 doanh nghiệp của Đảng bộ Hà Nội phải phát huy các sáng kiến để duy trì sản xuất, kinh doanh. Thành phố sẽ chung tay để duy trì mức tăng trưởng hợp lý, bảo đảm nguồn thu ngân sách, an sinh xã hội và giữ vững quốc phòng an ninh trên địa bàn”, ông Huệ nói.
Nhân dịp này, ông Vương Đình Huệ đã tặng Tổng công ty May 10 bức ảnh Bác Hồ đến thăm tổng công ty; tặng 10 công nhân có hoàn cảnh khó khăn, mỗi người 2 triệu đồng. Tổng công ty May 10 cũng đã trao tặng nhân dân Hà Nội 10.000 chiếc khẩu trang vải khử khuẩn do đơn vị này sản xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.