Việt Nam có thoát được bẫy thu nhập trung bình?

19/09/2023 13:32 GMT+7

Nêu thực tế Thái Lan và Malaysia từng có tốc độ tăng năng suất lao động nhanh, nhưng 2 nước này lại không duy trì được, chuyên gia kinh tế của Tổ chức Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cảnh báo Việt Nam cần tránh khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Thảo luận bàn tròn về tăng năng suất lao động tại Diễn đàn kinh tế - xã hội 2023 của Quốc hội sáng 19.9, ông Jonathan Pincus, chuyên gia Kinh tế quốc tế cấp cao của UNDP tại Việt Nam, đưa ra nhiều khuyến nghị cho Việt Nam.

Việt Nam có thoát được bẫy thu nhập trung bình? - Ảnh 1.

Ông Jonathan Pincus, chuyên gia Kinh tế quốc tế cấp cao của UNDP tại Việt Nam

NGỌC THẮNG

Ông Jonathan Pincus cho biết, hiện nay trên thế giới chỉ có khoảng 11 quốc gia có thể duy trì tăng năng suất về lâu dài, trong đó Mỹ là nước dẫn đầu và phần lớn các quốc gia là ở châu Âu. 

Điểm chung của các nước này là những nước xuất khẩu thành công, tận dụng nhu cầu nước ngoài để tăng quy mô sản xuất các ngành, cả công nghiệp và nông nghiệp.

Tại Đông Nam Á, Thái Lan và Malaysia từng có tốc độ tăng năng suất lao động nhanh. Tuy nhiên, 2 nước này lại không duy trì được tốc độ tăng năng suất lao động sau khủng hoảng tài chính châu Á. 

"Các nước này không nâng cấp được chính sách phát triển khi đạt được mức thu nhập trung bình mà tiếp tục theo đuổi chính sách tăng trưởng dựa trên xuất khẩu chi phí thấp; dẫn tới không đổi mới để nâng cấp công nghệ, nâng cấp năng lực của các ngành sản xuất trong nước", ông Jonathan Pincus nêu.

Theo chuyên gia của UNDP, Việt Nam là nước thu nhập trung bình đạt được tăng trưởng đáng ngưỡng mộ trong một thời gian. Vấn đề đặt ra là Việt Nam liệu có rơi vào bẫy thu nhập trung bình như các nước trên hay không? Để tránh điều này, theo ông, vấn đề then chốt là phải thành công trong xây dựng hệ thống đổi mới quốc gia.

Việt Nam tiêu quá ít và tiêu quá dàn trải cho nghiên cứu phát triển. Khả năng điều phối thấp giữa T.Ư và địa phương trong đầu tư nghiên cứu phát triển. Đầu tư dàn trải với quá nhiều cơ quan, bộ, ngành và chưa tập trung vào những ngành then chốt. Nhiều dự án nhỏ làm hạn chế tác động của việc đầu tư.

Ông Jonathan Pincus, chuyên gia Kinh tế quốc tế cấp cao của UNDP


Đáng chú ý, chuyên gia của UNDP cũng chỉ rõ 2 vấn đề trong đầu tư nghiên cứu phát triển của Việt Nam là tiêu quá ít và tiêu quá dàn trải. Khả năng điều phối thấp giữa T.Ư và địa phương trong đầu tư nghiên cứu phát triển. Đầu tư dàn trải với quá nhiều cơ quan, bộ, ngành và chưa tập trung vào những ngành then chốt. Nhiều dự án nhỏ làm hạn chế tác động của việc đầu tư.

Ông Jonathan Pincus cũng khuyến cáo, trong bối cảnh các doanh nghiệp hứng thú với đầu tư tại Việt Nam, cần chuẩn bị tốt hơn để tận dụng cơ hội này, nâng cấp năng lực của mình. Việt Nam có nhiều du học sinh ở các nước phát triển, nhiều nhân tài KH-CN cần được khuyến khích trở về các viện, trường ở Việt Nam để tận dụng được nguồn vốn nhân lực này.

Đồng tình với quan điểm này của chuyên gia UNDP,  ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư, cho rằng quá trình tăng năng suất cần được tiến hành liên tục, không xao nhãng, cần hướng tới thị trường xuất khẩu để phát triển bền vững. Cần có cú hích lớn vào KH-CN, đổi mới sáng tạo, đầu tư thích đáng vào giáo dục đại học.

Rút bảo hiểm xã hội một lần là "thực trạng day dứt" 

Việt Nam có thoát được bẫy thu nhập trung bình? - Ảnh 3.

Các diễn giả tại phiên thảo luận bàn tròn về tăng năng suất lao động

NGỌC THẮNG

Theo ông Hiển, để tạo an tâm cho người lao động, chính sách bảo hiểm xã hội phải có những điều chỉnh. Thời gian qua, vấn đề gia tăng rút bảo hiểm xã hội một lần đang nhận được nhiều sự quan tâm, cho thấy cần có sự sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan.

Thông tin thêm về chính sách bảo hiểm xã hội, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Văn Hồi chia sẻ "vấn đề rút bảo hiểm xã hội một lần là một thực trạng rất day dứt". Giai đoạn 2016 - 2022, số người rút bảo hiểm xã hội một lần lên đến 3,5 triệu người…

Theo ông Hồi, số người rút bảo hiểm bảo hiểm xã hội một lần thường rơi vào các trường hợp đóng dưới 5 năm (70%). Nguyên nhân là do người lao động chưa nhận thức được hết vai trò của bảo hiểm xã hội trong bảo đảm an sinh xã hội trong cả cuộc đời, một phần do hoàn cảnh khó khăn của người lao động…

Lãnh đạo Bộ LĐ-TB-XH cũng cho rằng để giảm thiểu tình trạng này, ngoài việc tuyên truyền, cần có các chính sách để tăng tính hấp dẫn của bảo hiểm xã hội; các chính sách hỗ trợ tạm thời cho người lao động trong các hoàn cảnh khó khăn trước mắt…

Từ góc độ thẩm tra, ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho biết dự án luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đã được ủy ban tiến hành thẩm tra nội dung rút bảo hiểm xã hội một lần tại phiên họp lần thứ 10 vừa qua. 

Tuy nhiên, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau về nội dung này trong dự thảo luật. Hiện, Chính phủ trình 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần, quan điểm của cơ quan thẩm tra là bất kể chọn phương án nào cũng phải đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động.

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, ngoài giải pháp trực tiếp là sửa luật thì có giải pháp gián tiếp là cơ chế tính dụng, chính sách bảo đảm việc làm ổn định... để đáp ứng yêu cầu, giải quyết bài toán đặt cho việc rút bảo hiểm xã hội một lần hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.