Việt Nam đang nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 thuốc chữa Covid-19 trên F0

18/10/2021 21:11 GMT+7

Hiện thuốc PegLambda, sản phẩm của nhiệm vụ khoa học - công nghệ cấp quốc gia, đang được nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 trên bệnh nhân Covid-19.

Ngày 18.10, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo tại buổi làm việc giữa Bộ KH-CN với các bộ, ngành liên quan và các nhà khoa học để trao đổi, đánh giá và đề xuất định hướng, giải pháp toàn diện của ngành KH-CN phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong trạng thái bình thường mới.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc với Bộ KH-CN và các bộ, ngành ngày 17.10

Mai Hà

Việt Nam đang nghiên cứu vắc xin và thuốc điều trị Covid-19

Theo Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy, hoạt động nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng Covid-19 tại Việt Nam được tiến hành rất sớm.

Hiện nay, vắc xin Nanocovax do Công ty CP Công nghệ sinh học dược Nanogen nghiên cứu đã được đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3 và đang chờ Bộ Y tế cấp phép sử dụng khẩn cấp. Vắc xin Covivax do Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế nghiên cứu sản xuất đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.

Ngoài ra, Bộ KH-CN đã cấp giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin phòng Covid-9 bằng công nghệ mRNA cho Công ty VinBioCare thuộc Tập đoàn VinGroup (vắc xin ARCT-154).

Hiện nay, vắc xin ARCT-154 đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3b, dự kiến sẽ xin cấp phép khẩn cấp vào tháng 12 tới. VinBioCare cũng đang xây dựng nhà máy sản xuất vắc xin ARCT-154 tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội).

Ở lĩnh vực thuốc điều trị, hiện thuốc PegLambda là sản phẩm của nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia, đang được nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 trên bệnh nhân Covid-19.

Ông Duy cho biết, nhiều đơn vị nghiên cứu trong cả nước đã nghiên cứu xây dựng được mô hình dự báo, diễn biến dịch Covid-19. Trong số này, Viện Nghiên cứu hệ gene đã xác định đặc điểm hệ gene người liên quan đến tiên lượng bệnh; Trường ĐH Y Hà Nội nghiên cứu theo dõi diễn biến các biến chủng của nCoV; các nghiên cứu chế tạo rô bốt hỗ trợ y tế (Vibot) cũng kịp thời hoàn thiện và đưa vào ứng dụng...

Bản tin Covid-19 ngày 18.10: Kinh tế TP.HCM thiệt hại ra sao vì đại dịch?

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, trong giai đoạn tới, ngành khoa học tập trung nghiên cứu vắc xin và thuốc điều trị; hội chứng hậu Covid-19; hỗ trợ hoàn thiện công nghệ máy thở ô xy dòng cao (HFNC), hệ thống làm giàu ô xy; các phương pháp xét nghiệm mới phát hiện nCoV qua mẫu bệnh phẩm là nước bọt, hơi thở, các nghiên cứu đánh giá tác động đến kinh tế và khuyến nghị các mô hình hoạt động giáo dục, y tế thích ứng trong giai đoạn mới, định hướng phát triển các công nghệ hỗ trợ…

Nhận định về tình hình dịch bệnh, PGS - TS Trần Đắc Phu cho rằng, dịch bệnh ở các địa phương trên cả nước khác nhau, tỷ lệ tiêm chủng khác nhau… thì cách ứng xử với dịch bệnh không thể giống nhau. Các biện pháp phòng, chống dịch phải phù hợp với thực tế của Việt Nam, không thể áp dụng nguyên mô hình của những nước khác.

“Chiến lược ngăn chặn, phát hiện, truy vết, khoanh vùng, cách ly, điều trị vẫn phát huy hiệu quả với những biện pháp điều chỉnh, bổ sung khi chúng ta đang đẩy mạnh tiêm vắc xin, chủ động nguồn sinh phẩm xét nghiệm, thuốc điều trị. Tới đây, cần nghiên cứu sâu hơn về giải trình tự gene, đánh giá kháng thể, hiệu quả bảo vệ của các loại vắc xin tiêm ở Việt Nam, điều tra dịch tễ…”, ông Phu đề nghị.

Theo PGS - TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thời gian tới cần xây dựng ngay bộ tiêu chí đánh giá, phân loại mức độ triệu chứng đối với bệnh nhân Covid-19 làm cơ sở ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thăm khám trực tuyến, kết nối, điều phối giường bệnh ở các tầng điều trị, sản xuất các trang thiết bị y tế mà các đơn vị trong nước đủ năng lực làm tốt thay vì phải nhập khẩu như máy đo nồng độ ô xy trong máu, máy ô xy khí nén, máy thở ô xy dòng cao…

GS - TS, trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y, nhận định đợt dịch thứ 4 đặt ra yêu cầu tăng cường năng lực mạng lưới y tế cơ sở thực chất, hoàn chỉnh từ các tổ, đội y tế cộng đồng, cơ động đến các trạm y tế xã, phường, trung tâm y tế quận, huyện. Mạng lưới y tế cơ sở sẽ giám sát, ứng phó ngay lập tức với các nguy cơ dịch bệnh trong cộng đồng. Trung tướng Đỗ Quyết kiến nghị Bộ Y tế, Bộ KH-CN đặt đầu bài cho các trường y để triển khai chương trình tập huấn đến từng thôn, xóm, xã, phường.

Covid-19 sáng 19.10: Cả nước 867.221 ca nhiễm, 792.980 ca khỏi | TP.HCM kéo dài chi hỗ trợ đợt 3

Khẩn trương đánh giác tác động toàn diện của dịch bênh Covid-19

Lắng nghe các ý kiến, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá rất cao các nhà khoa học đã vào cuộc rất sớm, có nhiều đóng góp trí tuệ, thầm lặng nhưng hết sức hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch từ y tế, công nghệ đến khoa học xã hội, chính trị, luật pháp… Từ đó góp phần xây dựng các chủ trương phòng, chống dịch đúng hướng, phù hợp với xu hướng thế giới và điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, truyền thống của Việt Nam.

Theo Phó thủ tướng, để kiểm soát dịch một cách hiệu quả, việc chung sống an toàn với dịch bệnh trong trạng thái “bình thường mới” phải kết hợp chủ động điều chỉnh tích cực ở mọi hoạt động đời sống xã hội.

Để làm được điều đó, thuốc và vắc xin vẫn phải tiếp tục và là giải pháp quan trọng trong công tác phòng, chống dịch hiện nay, chỉ khi miễn dịch cộng đồng đạt trên 70% mới giảm nguy cơ lây nhiễm. Việc nghiên cứu và sản xuất vắc xin không chỉ dừng lại ở Covid-19, mà còn vắc xin cho tương lai.

Từ thực tế dịch bệnh Covid-19 đã tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực, Phó thủ tướng giao các cơ quan nghiên cứu khẩn trương đánh giá tác động toàn diện của dịch bệnh Covid-19 từ y tế, sức khỏe, kinh tế, xã hội, tâm lý xã hội, giáo dục đến quản lý, điều hành, vận hành đất nước, một cơ quan, một nhà máy xí nghiệp, đưa ra dự báo xu thế tương lai.

Liên quan đến lĩnh vực y tế, bên cạnh các chương trình đang triển khai về vắc xin, thuốc điều trị, công nghệ xét nghiệm…, ông Đam đề nghị, Bộ KH-CN cần duy trì cơ chế mở để giao nhiệm vụ KH-CN mới ngay khi có yêu cầu từ thực tế. Bộ KH-CN, Bộ Y tế cần phối hợp chặt chẽ trong thử nghiệm lâm sàng, cấp phép lưu hành, sử dụng các loại vắc xin, thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị điều trị…

“Bộ Y tế, Bộ KH-CN khẩn trương xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở để sẵn sàng ứng phó dịch bệnh Covid-19 với bất kỳ biến chủng nào hoặc dịch bệnh khác lây nhiễm qua đường hô hấp trong tình huống khác nhau từ mức độ bình thường đến sự cố y tế công cộng nghiêm trọng, thậm chí tới mức thảm họa. Việc nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở phải kế thừa, kết hợp được những lợi thế hiện nay, lực lượng y tế tại chỗ, ứng dụng công nghệ và một số biện pháp khác để giám sát dịch bệnh tốt hơn trong thời gian tới”, Phó thủ tướng nói.

Phó thủ tướng mong muốn các nghiên cứu của giới khoa học nước nhà được đặt trong tổng thể chung của thế giới cũng như điều kiện kinh tế - xã hội Việt Nam, để ra những khuyến nghị lớn để thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, không làm mất đi những cơ hội phát triển.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.