Việt Nam đi sau thế giới về công nghệ IoT

14/06/2023 17:32 GMT+7

Trên thế giới hiện tại có gần 15 tỉ kết nối IoT (internet vạn vật), tức là mỗi người đang kết nối với gần 2 thiết bị thông minh qua internet. Tại Việt Nam, con số này còn đang rất thấp, chỉ khoảng 1/20 so với trung bình thế giới.

Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó tổng giám đốc Viettel Telecom, chia sẻ thông tin trên tại Hội thảo Viettel M2M IoT do Tổng công ty Viễn thông Viettel tổ chức ngày 14.6.

Việt Nam đi sau thế giới về công nghệ IoT - Ảnh 1.

Các diễn giả tại hội thảo chia sẻ về giải pháp để phát triển thị trường IoT tại Việt Nam

T.H

Sự kiện có sự tham gia của các diễn giả kỹ thuật và kinh doanh IoT đến từ Deloitte, GSMA, Đại học Bách Khoa, Rạng Đông, China Mobile và hơn 200 doanh nghiệp trong nước và nước ngoài (Mỹ, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc...).

Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp thông tin và truyền thông (Bộ TT-TT), quy mô thị trường IoT Việt Nam đã đạt hơn 2 tỉ USD vào năm 2019, dự kiến có thể đạt 7 tỉ USD vào năm 2025.

Các ứng dụng IoT đang được triển khai rộng rãi tại Việt Nam bao gồm: thành phố thông minh, nhà thông minh, quản lý năng lượng, giám sát môi trường, quản lý giao thông, quản lý chất lượng nước và nhiều ứng dụng khác.

Tuy nhiên, việc triển khai IoT còn đối mặt với nhiều thách thức như nhân lực, hạ tầng kỹ thuật yếu, chi phí đầu tư cao và an ninh thông tin.

Ông Nguyễn Trọng Tính cho biết, trên thế giới hiện tại có gần 15 tỉ kết nối IoT, tức là mỗi người đang kết nối với gần 2 thiết bị thông minh qua internet. Nhưng tại Việt Nam, con số này còn đang rất thấp, chỉ khoảng 1/20 so với trung bình thế giới.

Trong lĩnh vực IoT, Việt Nam cũng đi sau thế giới 20 bậc, để đạt được mật độ kết nối trên dân số tương đương thế giới, Việt Nam phải nỗ lực nhiều hơn. Tuy nhiên, Phó tổng giám đốc Viettel Telecom tin tưởng, lĩnh vực IoT cũng có thể phát triển mạnh mẽ như vậy trong thời gian tới, khi các doanh nghiệp, các đơn vị viễn thông, công nghệ thông tin cùng nhau giải quyết các bài toán kỹ thuật hạ tầng, cùng nhau hợp tác phát triển thị trường này.

"Lĩnh vực này sẽ là nguồn cảm hứng cho những ý tưởng kinh doanh cho các start up, cũng như là cơ hội để tăng trưởng, mở ra nguồn doanh thu mới trong tương lai cho mọi doanh nghiệp. Viettel cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc triển khai và vận hành các dự án IoT, từ việc thiết kế giải pháp đến hỗ trợ kỹ thuật và dịch vụ sau bán hàng", ông Nguyễn Trọng Tính chia sẻ.

Việt Nam đi sau thế giới về công nghệ IoT - Ảnh 2.

Viettel và các đối tác tổ chức trưng bày nhiều sản phẩm, công nghệ ứng dụng IoT

T.H

Trong xu thế phát triển của thị trường IoT trong nước và trên thế giới, các diễn giả cũng đã đưa ra sáng kiến thành lập Hiệp hội IoT Việt Nam để tập hợp những doanh nghiệp, tổ chức có chung ngành nghề, mục đích phát triển. Hiệp hội sẽ hoạt động thường xuyên tạo môi trường học hỏi, cùng nhau phát triển của các doanh nghiệp IoT.

Trong khuôn khổ hội thảo, Viettel và các đối tác cũng tổ chức trưng bày nhiều sản phẩm, công nghệ ứng dụng IoT mới như: thiết bị theo dõi sức khoẻ VHealth, giải pháp nhà thông minh với HomeCamera AI - kết nối với ứng dụng Viettel Home, các thiết bị IoT cảm biến không dây, hệ thống đo điện nước thông minh, nền tảng quản lý kết nối CMP…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.