Việt Nam đưa robot tự hành vào chia chọn hàng hóa, công suất 1,4 triệu bưu phẩm/ngày

17/01/2024 19:46 GMT+7

Lần đầu tiên tại Việt Nam, một công ty logistics triển khai công nghệ robot tự hành chia chọn hàng hóa (robot AGV) với công suất xử lý lên đến 1,4 triệu bưu phẩm/ngày, rút ngắn thời gian chuyển phát toàn trình từ 8 - 10 giờ.

Ngày 17.1, tại Hà Nội, Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã khai trương tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh đầu tiên của Việt Nam.

Việt Nam đưa robot tự hành vào chia chọn hàng hóa, công suất 1,4 triệu bưu phẩm/ngày- Ảnh 1.

Viettel Post là công ty logistics đầu tiên tại Việt Nam triển khai công nghệ robot AGV

T.H

Tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh Viettel Post có mức tự động hóa cao nhất Việt Nam, sử dụng robot AGV, hệ thống chia hàng lớn (wheel sorter matrix) và hệ thống chia chọn dạng băng tải (cross-belt Sorter). Viettel Post là công ty logistics đầu tiên tại Việt Nam triển khai công nghệ robot AGV.

Với hơn 40 cổng xuất/nhập hàng, gần 1.200 cổng chia, tổ hợp có công suất xử lý lên đến 1,4 triệu bưu phẩm/ngày, tăng 40% so với trước đây; giúp nâng mức chịu tải toàn hệ thống Viettel Post lên 4 triệu bưu phẩm/ngày, tương đương đáp ứng 50% dung lượng thương mại điện tử tại Việt Nam.

Đáng chú ý, tỷ lệ sai sót của tổ hợp gần như bằng 0, rút ngắn thời gian chuyển phát toàn trình từ 8 - 10 giờ, tăng 3,5 lần sản lượng. Nhờ tự động hoá, tổ hợp cũng giúp tối ưu 60% chi phí nhân sự.

Ông Hoàng Trung Thành, Tổng giám đốc Viettel Post, cho biết tổ hợp của Viettel Post bao gồm 3 hệ thống: robot AGV, hệ thống chia hàng lớn và hệ thống chia chọn dạng băng tải. Trong đó, robot AGV là robot tự hành chia chọn tự động 100% các loại hàng hóa nhẹ, mỏng, hàng có hình dáng đặc thù, tròn lăn, thích hợp với hàng hóa trên sàn thương mại điện tử. Đây là công nghệ robot hiện đại được nhiều đơn vị logistics lớn trên thế giới sử dụng.

Ngoài ra, hệ thống chia hàng tải, kiện lớn và hệ thống chia chọn dạng băng tải có điều khiển chủ động, công suất lớn, phù hợp hàng hóa thanh toán khi nhận hàng (COD), kiện tiêu chuẩn.

"Hệ sinh thái logistics bao gồm phần mềm quản lý kho vận, hệ thống app,web, chuỗi giải pháp công nghệ chuyển phát giám sát trọng lượng, giám sát băng tải, khóa thông minh… đều được phát triển bởi đội ngũ 100% kỹ sư, chuyên gia người Việt, hoàn thiện trong hơn 6 tháng. Trong khi đó, với các hệ thống có quy mô tương tự, các doanh nghiệp lớn trên thế giới mất khoảng 2 năm triển khai để có thể đưa vào sử dụng thực tế", ông Hoàng Trung Thành cho hay.

Việt Nam đưa robot tự hành vào chia chọn hàng hóa, công suất 1,4 triệu bưu phẩm/ngày- Ảnh 2.

Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, phát biểu tại sự kiện

T.H

Khẳng định chiến lược, cam kết của Viettel trong việc trở thành doanh nghiệp dẫn dắt về công nghệ logistics tại Việt Nam, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, nhấn mạnh: "Sự kiện khai trương tổ hợp công nghệ chia chọn thông minh đầu tiên và lớn nhất của Việt Nam là bước đầu của quá trình xây dựng hạ tầng logistics thông minh.

Bên cạnh hai hạ tầng quốc gia đã được Viettel xây dựng ở quy mô rộng nhất và lớn nhất Việt Nam là hạ tầng viễn thông và hạ tầng số, Viettel tiếp tục xây dựng hạ tầng logistics quốc gia, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics của khu vực và thế giới, tham gia thực hiện mục tiêu đến năm 2025, ngành logsitics sẽ đóng góp 5 - 6% vào GDP".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.