Việt Nam đứng thứ 12 giáo dục toàn cầu về khoa học và toán: Nhiều ý kiến trái chiều

14/05/2015 12:00 GMT+7

(TNO) Trước thông tin Việt Nam được xếp vị trí thứ 12 trong bảng tổng sắp về giáo dục khoa học và toán học toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thực hiện, Thanh Niên Online đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhau.

(TNO) Trước thông tin Việt Nam được xếp vị trí thứ 12 trong bảng tổng sắp về giáo dục khoa học và toán học toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) thực hiện, Thanh Niên Online đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều nhau. 

Trường học Việt Nam được xếp thứ 12 trong bảng đánh giá của OECD - Ảnh' Đ.N.TViệt Nam xếp thứ 12 trong bảng đánh giá của OECD - Ảnh: Đ.N.T

Theo tiến sĩ Đặng Thị Thuỳ Linh, Phó trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng (Sở GD-ĐT TP.HCM), việc xếp hạng này của OECD dựa trên kết quả khảo sát PISA dành cho học sinh độ tuổi 15 qua 3 lĩnh vực: toán, khoa học, đọc hiểu (tiếng mẹ đẻ).

Kết quả hoàn toàn tin cậy bởi Việt Nam đã tham dự 2 lần, lần 1 vào năm 2012 và lần 2 năm 2015. Chu kỳ PISA diễn ra 3 năm 1 lần, Việt Nam tham gia cùng 70 quốc gia khác. Kết quả trên là số liệu 2012, Tổ chức này có sang Việt Nam và đến thăm 2 trường THPT tại TP.HCM. Kỳ PISA 2015 bản thân tôi được OECD mời làm giám sát chất lượng cùng với vài chuyên gia quốc tế khác. Tôi thấy rằng, đây là kết quả đáng tự hào cho giáo dục phổ thông ở Việt Nam. Cũng cần nói thêm, PISA khảo sát năng lực của học sinh thông qua việc ứng dụng kiến thức, kỹ năng thái độ vào thực tế cuộc sống của 3 lĩnh vực (toán, khoa học và đọc hiểu). Chính vì vậy, học sinh Việt Nam làm bài rất tốt. Trong các yếu tố để thành công, các chuyên gia phân tích trường học ở Việt Nam có tính kỹ luật cao, đây là yếu tố được lưu ý là có tác động lớn để tạo nên kết quả xếp hạng.

Xếp hạng của OECD
1. Singapore
2. Hồng Kông
3. Hàn Quốc
4. Nhật
5. Đài Loan
6. Phần Lan
7. Estonia
8. Thụy Sĩ
9. Hà Lan
10. Canada
11. Ba Lan
12. Việt Nam.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nhận định đây không phải xếp loại giáo dục mà chỉ so sánh 2 môn toán và khoa học ở các cấp học từ lớp 1 đến lớp 12 thôi. Số liệu như vậy là chính xác vì học sinh phổ thông của Việt Nam hơn hẳn Mỹ, Úc về toán.
Cũng theo PGS-TS Dũng, cái này không dựa vào điểm thi cử cũng không căn cứ vào các giải quốc tế nhờ luyện gà. Việc xếp hạng dựa trên kết quả khảo sát năng lực của học sinh phổ thông tuổi 15, chỉ 2 lĩnh vực toán và khoa học. Đây là sự xếp hạng công bằng bởi học sinh phổ thông ở nước mình nếu có tiếng Anh tốt có thể học ở nhiều trường ĐH nổi tiếng trên thế giới. Cả Việt kiều cũng công nhận là con cháu họ qua Mỹ học tiếp ở phổ thông cũng rất tự tin nhờ kiến thức có ở Việt Nam. Cái giáo dục phổ thông còn thiếu là kỹ năng mềm, kỹ năng học cả đời, ngoại ngữ...
Còn thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho rằng, thực ra nếu đây là bảng xếp hạng thế giới về việc tham gia các cuộc thi học sinh giỏi quốc tế đoạt nhiều giải cao thì hợp lý hơn, bởi lẽ bảng xếp hạng này được đưa ra dựa trên sự phân tích, tổng hợp kết quả điểm thi của các kỳ thi toán và khoa học trên cùng một tiêu chí và cùng thang điểm giữa các nước trên thế giới. Nếu chỉ lấy một tiêu chí này để đánh giá chất lượng của cả nền giáo dục quốc gia thì chưa thể hiện được. Vì vậy, càng không thể nói rằng chất lượng giáo dục Việt Nam vượt lên trên giáo dục của Mỹ hay Úc.
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cũng nhìn nhận: “Tôi tin kết quả xếp hạng của OECD là đúng, thực tế thành tích học toán và khoa học tự nhiên của sinh viên Việt Nam ở nước ngoài rất tốt. Tuy nhiên, nếu những mặt khác cũng tốt thì mới tự hào hoàn toàn được. Và đây chỉ là xếp hạng một phần kiến thức, Việt Nam sẽ không thể được xếp hạng cao nếu bộ chuẩn toàn diện hơn”.
Ông Trần Văn Toàn, Tổ trưởng tổ toán Trường THPT Marie Curie (quận 3, TP.HCM), cho biết: Xếp hạng này chỉ dựa vào đánh giá một phần kiến thức, chúng ta cần đánh giá thêm về kỹ năng, khả năng thực hành… Đồng thời với đó, chúng ta cần lưu ý các nước trên thế giới họ có quan tâm đến việc đánh giá này hay không? Nếu như thật sự họ quan tâm thì đối tượng học sinh, trường học tham gia khảo sát mới thực sự chính xác. Kết quả này, tôi hoàn toàn tin là kết quả đúng nhưng chưa thực sự tự hào.
Vì sao trường học châu Á thống lĩnh thế giới ? 

“Nếu bạn đến một lớp học ở châu Á, bạn sẽ thấy các giáo viên mong đợi tất cả học sinh phải thành công. Các lớp học ở châu Á rất nghiêm khắc, rất tập trung và rất chặt chẽ”.  

Học sinh châu Á giỏi toán hơn châu Âu, Giáo dục - du học, hoc sinh chau a, hoc sinh chau au, gioi toan, hoc sinh nang khieu, trac nghiem, bao, tin tuc, tin hot, tin hay, vnHọc sinh tiểu học ở Singapore - Ảnh: Reuters

Andreas Schleicher - Giám đốc giáo dục của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) - giải thích như trên khi nói về sự thành công của trường học châu Á. OECD chính là tổ chức vừa công bố bảng xếp hạng trường học toàn cầu dựa trên kỹ năng toán và khoa học của học sinh 15 tuổi, trong đó 5 nước châu Á đứng đầu bảng. Riêng Việt Nam xếp thứ 12, trên Mỹ, Anh và nhiều cường quốc kinh tế khác.
Ông Schleicher cũng cho rằng thành công của các nước châu Á còn đến từ sự đầu tư thích đáng cho giáo viên và chính sách thu hút những giáo viên giỏi.
Báo Christian Science Monitor đưa ví dụ ở Singapore, nước đứng đầu bảng xếp hạng, tất cả các giáo viên phải qua đào tạo ở học viện giáo dục quốc gia danh tiếng. Những giáo viên giỏi được trả lương rất cao, chưa kể các khoản thưởng hậu hĩ. Ở đảo quốc sư tử, các giáo viên mới vào nghề thường được “kết đôi” để làm việc chung với giáo viên giàu kinh nghiệm.
Trong khi đó, Pearson Education - công ty giáo dục của Anh, nhận xét: So với giáo viên của Mỹ, giáo viên châu Á dành ít thời gian để dạy trên lớp hơn là đầu tư thời gian để soạn giáo án và kèm cặp riêng cho học sinh.
Mặc dù gặt hái được nhiều thành công, nhưng nền giáo dục châu Á cũng bị chỉ trích vì gây áp lực quá nặng nề lên học sinh. Các nhà giáo dục mong muốn học sinh không phải là những “cỗ máy thi cử chuyên nghiệp” nhưng cần phải tăng cường sự sáng tạo. Để giải quyết tình trạng này, Hồng Kông - đứng thứ 2 trong danh sách - và một số nước châu Á đã giảm sĩ số lớp học, đưa các giáo viên sang phương Tây để học hỏi phương pháp giáo dục khuyến khích sự sáng tạo.
OECD cũng nhận xét, chính sách và phương pháp giáo dục tồi sẽ khiến các nước phải gánh chịu tình trạng suy kiệt kinh tế lâu dài và ngược lại.
Chẳng hạn, hồi thập niên 60 của thế kỷ trước, Singapore là nơi có tỷ lệ mù chữ rất cao. Đó cũng là lúc người dân Singapore chật vật để sống qua ngày. Nhưng với sự đầu tư sâu rộng cho giáo dục, Singapore - đất nước nghèo nàn về tài nguyên, đến nước sinh hoạt cũng phải nhập - đã vươn lên trở thành một cường quốc thế giới, không chỉ giàu có mà còn văn minh, lịch sự thuộc loại bậc nhất hành tinh.
Sau khi bảng xếp hạng của OECD được công bố, Bộ trưởng Giáo dục Singapore, ông Heng Swee Keat, phát biểu: “Tôi nghĩ thành quả này là do nỗ lực rất lớn của học sinh, giáo viên và sự đóng góp của các bậc cha mẹ. Đây là nền tảng cực kỳ quan trọng để xây dựng những kỹ năng cần thiết cho tương lai”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.