Việt Nam - EU chính thức ký kết Hiệp định thương mại tự do

30/06/2019 17:38 GMT+7

Đúng 16 giờ chiều nay, 30.6, tại Hà Nội, Hiệp định thương mại tự do và Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu đã chính thức được ký kết sau 9 năm đàm phán kéo dài.

Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa tham dự G20 và thăm chính thức Nhật Bản cũng đã kịp có mặt tại Hà Nội để dự lễ ký.
Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng và 7 vị bộ trưởng... đã có mặt tại lễ ký cùng đông đảo các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước khác.

Các vị lãnh đạo Việt Nam và đại diện EU trước khi chính thức bước vào lễ ký

Ảnh Ngọc Thắng

Như thông báo từ trước, Cao ủy Thương mại của EU, bà Cecilia Malmström và Bộ trưởng phụ trách về Kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp của Rumani, ông Stefan-Radu Oprea thay mặt EU ký các hiệp định này.
Đại sứ các nước ASEAN tại Việt Nam, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như WB, ADB cũng đã có mặt tại lễ ký.
Sự kiện quan trọng này cũng thu hút hơn 150 phóng viên trong nước và quốc tế đăng ký tham dự đưa tin. Dù lễ ký đã được thông báo trước là diễn ra vào 16 giờ, nhưng từ 14 giờ chiều, nhiều phóng viên đã có mặt để có được vị trí đẹp nhất.
Phát biểu tại lễ ký, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhắc lại việc 15 năm trước, châu Âu là một trong những người bạn đầu tiên đã chia sẻ và tin tưởng vào ý chí hội nhập của Việt Nam, dù rất ít người lúc đó đặt niềm tin vào việc hai bên sẽ đạt được những mục tiêu đầy tham vọng.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh và đại diện EU ký Hiệp định Thương mại tự do

Ảnh Ngọc Thắng

"Trong quá trình đàm phán kéo dài, hai bên đã đối mặt với những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, nhưng với những nỗ lực không mệt mỏi, ngày hôm nay chúng ta đã được chứng kiến lễ ký kết vô cùng quan trọng này giữa hai khu vực", Bộ trưởng Công thương bày tỏ, đồng thời cho biết sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ song phương đang phát triển mạnh mẽ giữa Việt Nam và EU, để cùng mang lại lợi ích cho cả hai bên.
15 năm trước, Việt Nam chỉ là nước chập chững hội nhập với kim ngạch chỉ 26 tỉ USD. Nay, Việt Nam và EU đang chính thức mở ra một giai đoạn mới trong hợp tác.
Ký kết mới chỉ là khởi đầu cho một chặng đường mới, vẫn còn rất nhiều việc phải làm ở phía trước, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực của cả hai bên. Ông Tuấn Anh bày tỏ hy vọng sẽ hoàn tất quy trình phê chuẩn trong thời gian sớm nhất để đi vào có hiệu lực. 
Ngay sau đó, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã có một bài phát biểu ngắn về sự kiện quan trọng này.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng và đại diện EU ký Hiệp định Bảo hộ đầu tư

Ảnh Ngọc Thắng

Theo Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư, đây là 2 hiệp định thế hệ mới, chất lượng cao, góp phần tăng tốc tiến trình cải cách theo chiều sâu của Việt Nam, không chỉ ở thương mại, đầu tư mà còn ở thể chế, xây dựng một nền kinh tế thị trường theo thông lệ tốt của quốc tế.
Tuy nhiên, ông Dũng cũng nêu ra một số thách thức mà Việt Nam phải vượt qua để có thể tận dụng những lợi thế mà 2 hiệp định mang lại, khuyến khích doanh nghiệp vươn lên để sớm có cơ hội xuất khẩu vào thị trường châu Âu.
Bộ trưởng phụ trách về Kinh doanh, Thương mại và Doanh nghiệp Rumani Stefan-Radu Oprea bày tỏ vui mừng khi được đại diện EU ký hiệp định mang tính cột mốc giữa hai bên. Ông Stefan-Radu Oprea nhấn mạnh đây là một thời điểm mang tính lịch sử giữa hai bên sau một quá trình dài đàm phán.
Ông cũng nhấn mạnh việc ký 2 hiệp định này cũng là một biểu tượng rất quan trọng trong bối cảnh thương mại quốc tế hiện nay, với sự gia tăng của của nghĩa bảo hộ trên phạm vi toàn cầu.

"Hiệp định sẽ giúp giảm chi phí, tệ quan liêu mà doanh nghiệp các bên phải đối mặt"

Cao ủy Thương mại EU, bà Cecilia Malmström đã dẫn câu thành ngữ của người Việt Nam "ăn quả nhớ kẻ trồng cây" để bày tỏ cảm ơn các đối tác, doanh nghiệp Việt Nam đã đồng hành với phía EU đàm phán các hiệp định này, để có được thành quả ngày hôm nay.
Bà Malmstrom nhấn mạnh việc hiệp định sẽ giúp giảm chi phí, tệ quan liêu mà doanh nghiệp các bên phải đối mặt. Điều này có ý nghĩa đặc biệt rất quan trọng với doanh nghiệp nhỏ - những doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhất khi tiếp cận với thị trường mới. 
Bên cạnh đó, bà cũng bày tỏ kỳ vọng với hiệp định bảo hộ đầu tư sẽ giúp gia tăng niềm tin của các doanh nghiệp EU và đầu tư của khu vực tại Việt Nam sẽ tăng lên.  
Bà Malmstrom cũng bày tỏ hy vọng các hiệp định sớm được phê chuẩn, vì càng phê chuẩn sớm càng sớm mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và người lao động của cả hai bên. Đây cũng là tín hiệu gửi đi cho thế giới trong bối cảnh xu hướng bảo hộ đang gia tăng.

Đại diện Việt Nam và EU tại lễ ký chính thức

Ảnh Ngọc Thắng

Phát biểu tại lễ ký, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: "Tại G20 hôm qua, tôi đã có cuộc gặp quan trọng với Chủ tịch EU. Ngài Chủ tịch nhấn mạnh hôm nay là một ngày đặt biệt mang ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quan hệ Việt Nam - EU, mở ra chân trời mới hợp tác rộng lớn toàn diện và phát triển mạnh mẽ hơn của Việt Nam và EU". 
Bày tỏ cảm ơn việc EU với tầm nhìn hướng Đông đã coi Việt Nam là đối tác và nhấn mạnh việc Việt Nam rất vui mừng được hợp tác với EU với tư cách là quốc gia giàu tiềm năng, phát triển năng động, với tầm nhìn mạnh mẽ về hội nhập, Thủ tướng tin tưởng, với tư cách là hai nền kinh tế mang tính bổ sung cho nhau, 2 hiệp định này sẽ giúp Việt Nam và EU cùng hợp tác, cùng phát triển, cùng có lợi, hướng về tương lai tươi sáng. 
Trước đó, như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 25.6, Hội đồng Bộ trưởng (châu Âu) đã thông qua 2 hiệp định này, với kỳ vọng sẽ mở ra những lợi ích chưa từng có cho các công ty, người tiêu dùng và người lao động ở châu Âu và Việt Nam, đồng thời tăng cường việc tôn trọng các quyền về lao động, bảo vệ môi trường và cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu trong khuôn khổ Hiệp định Pari.
Ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đã bày tỏ nhấn mạnh, sau Singapore, hiệp định về tự do thương mại và bảo hộ đầu tư với Việt Nam là hiệp định thứ hai mà EU hoàn thành với một quốc gia Đông Nam Á. Đây cũng là một tuyên bố chính trị của hai đối tác, của hai người bạn cùng sát cánh vì một nền thương mại dựa trên luật lệ, cởi mở và công bằng.
Hiệp định tự do thương mại sẽ xóa bỏ hầu hết tất cả các mức thuế quan đánh vào hàng hóa giao thương giữa hai phía theo cách thức lũy tiến đồng thời vẫn tôn trọng các nhu cầu phát triển của Việt Nam. Hiệp định cũng bao gồm các điều khoản cụ thể gỡ bỏ các trở ngại về mặt kỹ thuật, ví dụ như trong ngành ô tô, và sẽ đảm bảo 169 sản phẩm đồ uống và thực phẩm của EU được công nhận và bảo hộ về chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam. Nhờ có hiệp này, các công ty châu Âu sẽ có thể tham gia vào các gói đấu thầu mua sắm công ở Việt Nam một cách bình đẳng như các công ty trong nước.
Sau khi hai bên ký kết, 2 hiệp định sẽ được trình lên Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Kết thúc bước phê chuẩn, hiệp định về tự do thương mại được coi là chính thức hoàn tất và đi vào hiệu lực, trong khi hiệp định về bảo hộ đầu tư cần sự phê chuẩn của các nước thành viên EU tuân thủ theo các tiến trình nội bộ của từng nước.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong khu vực ASEAN chỉ sau Singapore, với tổng quan hệ thương mại hàng hóa ở mức 49,3 tỉ euro và thương mại dịch vụ ở mức trên 3 tỉ euro.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.