Airbus "nâng cánh" ngành công nghiệp hàng không Việt
Airbus - hãng sản xuất máy bay châu Âu - đang tăng cường sự hiện diện công nghiệp tại Việt Nam, khi ngày càng có nhiều các công ty trong nước cung cấp linh kiện cho các máy bay thương mại Airbus, gồm dòng máy bay A320, A330, A350 XWB và A380.
Những đối tác trong chuỗi cung ứng của Airbus phải kể đến là Artus (Meggitt) Việt Nam tại TP.HCM - nhà cung cấp thiết bị cơ điện cho dòng máy bay A320, máy bay A330 và A350 theo một thỏa thuận có từ năm 1996 cho đến nay. Kế đến là Nikkiso Việt Nam tại Hưng Yên, sản xuất các cấu trúc bằng composite cho máy bay A320 Sharklet và các linh kiện cho máy bay A330neo và A350.
Trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, NAVBLUE, công ty con của Airbus về điều hành bay, đang hợp tác với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) nhằm nâng cao hiệu quả của hệ thống kiểm soát không lưu trong nước. Việc này sẽ giúp cải thiện việc sử dụng không phận và luồng không lưu, đặc biệt là quanh khu vực Hà Nội và TP.HCM, cũng như đáp ứng nhu cầu tăng trưởng giao thông đường hàng không trong tương lai.
Airbus cũng đang hợp tác với Công ty công nghệ thông tin FPT Software để tăng cường phát triển hệ sinh thái Skywise - nền tảng dữ liệu hàng không mở của Airbus - tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thỏa thuận hợp tác bao gồm một hệ thống đào tạo cho người dùng bên thứ ba và các nhà phát triển phần mềm tại Việt Nam cũng như trong khu vực. Airbus Skywise và FPT Software ký kết một thỏa thuận có tên là Skywise App Editor Partnership nhằm triển khai các giải pháp công nghệ và đẩy mạnh chuyển đổi kỹ thuật số trong lĩnh vực hàng không.
Tháng 8 vừa qua, chuỗi cung ứng hàng không Việt Nam có một bước tiến đột phá, tiếp nối các hợp tác công nghiệp của Airbus tại thị trường Việt Nam, khi cửa thoát hiểm trên cánh cho A321neo - dòng máy bay thân hẹp bán chạy nhất thế giới, được sản xuất tại Việt Nam. Các cửa thoát hiểm này đang được Công ty MHI Việt Nam, công ty con của Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi (Mitsubishi Heavy Industries - MHI) Nhật Bản, sản xuất tại Hà Nội. Những sản phẩm này sẽ được chuyển đến các nhà máy của Airbus tại Đức để lắp ráp lên thân máy bay. Sau khi hợp đồng giữa Tập đoàn Airbus và Tập đoàn MHI được ký kết vào năm 2023, Airbus đã cử các chuyên gia từ Pháp và Đức sang Việt Nam, làm việc chặt chẽ với MHI, đồng thời hướng dẫn, đào tạo trực tiếp đội ngũ nhân lực người Việt.
Với việc đưa sản xuất về Việt Nam, Airbus không chỉ tăng cường năng lực sản xuất của tập đoàn mà còn đảm bảo tính linh hoạt trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp giảm thời gian thực hiện và tăng công suất sản xuất các dòng máy bay của hãng.
"Việc triển khai dự án sản xuất này tại Việt Nam thể hiện cam kết của Airbus trong hợp tác với các đối tác để phát triển ngành công nghiệp hàng không trong nước. Nhân lực Việt Nam chú trọng vào chất lượng và có đủ kỹ năng để đáp ứng được kỳ vọng của chúng tôi, cũng như có thể đóng góp vào chuỗi cung ứng toàn cầu của Airbus. Chúng tôi rất vui mừng khi ngày càng nhiều phụ tùng, sản phẩm sản xuất tại Việt Nam được lắp ráp trên máy bay Airbus, đồng hành với các hãng hàng không bay khắp thế giới", Tổng giám đốc Airbus Việt Nam Hoàng Tri Mai chia sẻ.
Ông Go Fujikawa, Tổng giám đốc Hệ thống hàng không thương mại của MHI, nhận định: "Thành công này đánh dấu sự khởi đầu của hoạt động sản xuất thân vỏ máy bay mới tại Việt Nam, khẳng định vị thế quan trọng của Việt Nam trong thị trường hàng không đang phát triển mạnh mẽ ở châu Á. Dự án này sẽ đóng góp vào sự phát triển và tính cạnh tranh trong khu vực của nền kinh tế Việt Nam thông qua việc nâng cao năng lực kỹ thuật của lực lượng lao động".
Không chỉ mang lại lợi ích cho ngành công nghiệp hàng không Việt Nam, đặc biệt là về phát triển nguồn nhân lực, những dự án hợp tác chiến lược này của Airbus còn đóng góp vào sự phát triển nền kinh tế của Việt Nam thông qua tạo việc làm tay nghề cao và phát triển kỹ năng cho khoảng 1.500 lao động.
Boeing công bố hỗ trợ Việt Nam phát triển hàng không vũ trụ
Nếu như hãng sản xuất máy bay châu Âu đang tăng cường sự hiện diện công nghiệp tại Việt Nam thì "ông lớn" hàng không vũ trụ của Mỹ cũng không thể ngồi yên. Tập đoàn này công bố sẽ hỗ trợ Việt Nam phát triển năng lực hàng không vũ trụ, phát triển mạng lưới nhà cung cấp và đào tạo nhân lực.
Cam kết này tiếp tục được củng cố mạnh mẽ khi cách nay 3 tuần, nhân dịp tham dự các hoạt động của Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 79 và làm việc tại Mỹ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp tiến sĩ Brendan Nelson, Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn Boeing kiêm Chủ tịch Boeing Global.
Tại buổi tiếp, trong các nội dung Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Boeing, đáng chú ý là việc Boeing sớm nghiên cứu, triển khai đầu tư các nhà máy sản xuất linh kiện, xây dựng trung tâm bảo dưỡng thiết bị, máy móc máy bay quy mô khu vực gắn với các cảng hàng không lớn của Việt Nam; đồng thời tăng cường hợp tác, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D), chuyển giao công nghệ, đưa các đối tác Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng của Boeing.
Về vấn đề này, ông Brendan Nelson cam kết Boeing thời gian tới sẽ hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái hàng không tại Việt Nam, trong đó chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không, đào tạo nhân lực, xây dựng sân bay, cơ sở sửa chữa và bảo trì máy bay.
Việc Boeing mở văn phòng thường trực tại Hà Nội từ tháng 5.2023 là minh chứng cho thấy tập đoàn này mong muốn đẩy mạnh cam kết gắn bó với thị trường Việt Nam. "Ông lớn" hàng không của Mỹ cho biết đang làm việc với các nhà cung cấp tại Việt Nam nhằm đào tạo và giúp họ nâng cao năng lực. Đây là những nhà cung cấp cấu trúc hàng không, linh kiện điện tử, vật liệu composite cho máy bay thương mại của Boeing.
Đánh giá cao những cơ hội mà Việt Nam mang lại, đặc biệt là về nguồn nhân lực và những đóng góp của họ vào sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam, Boeing tập trung phát triển nhân lực bản địa, mang đến cho sinh viên Việt Nam chương trình đào tạo tại chỗ (on-the-job training) thông qua các cơ hội thực tập tại tập đoàn, đại diện Boeing Việt Nam cho biết.
Một khía cạnh khác trong hợp tác với Việt Nam của Boeing là "khử carbon ngành hàng không", cụ thể liên quan đến nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) mà Việt Nam là một trong những nước có trữ lượng nguyên liệu thô nhiều nhất ở Đông Nam Á.
Ông Michael Nguyễn, Giám đốc Công ty TNHH Boeing Việt Nam, trong lần trò chuyện gần đây tại TP.HCM với phóng viên Thanh Niên đã đề cập khá nhiều về câu chuyện tiềm năng sản xuất nhiên liệu SAF của Việt Nam và khu vực ASEAN.
SAF là nhiên liệu được sản xuất từ các loại nguyên liệu thô gồm chất thải tiêu dùng và phế phẩm nông nghiệp (chiếm khoảng 75% lượng nhiên liệu sản xuất SAF), trong đó có củ sắn (khoai mì), cây mía, chất thải rắn đô thị, và đặc biệt 2 loại phụ phẩm nông nghiệp là trấu và rơm - nguyên liệu thô chủ chốt dùng để sản xuất SAF trong khu vực.
Trong một nghiên cứu mới đây được Boeing công bố, khu vực Đông Nam Á có thể sản xuất khoảng 45,7 triệu tấn nhiên liệu SAF mỗi năm đến năm 2050, có khả năng cung cấp khoảng 12% nhu cầu nhiên liệu này trên toàn cầu nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam đóng vai trò cần thiết trong việc cung cấp trữ lượng nguyên liệu thô này bởi tổng trữ lượng nguyên liệu thô sẵn có tại Việt Nam và các quốc gia ASEAN khác (Indonesia, Thái Lan, Malaysia, và Philippines) chiếm khoảng 90% nguồn cung cấp SAF trong khu vực.
Điều này cho thấy tiềm năng to lớn của Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung trong đáp ứng nhu cầu sử dụng SAF trên toàn cầu. Boeing cho biết đang làm việc với các tổ chức, ban ngành tại Việt Nam và các nước trong khu vực, để phát triển sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững.
"Nhờ vào sự hợp tác chặt chẽ giữa các chính phủ và ngành nghề trong khu vực, việc mở rộng quy mô sản xuất tại địa phương và xây dựng năng lực sản xuất SAF ở Đông Nam Á đem lại cơ hội giúp định hình một tương lai bền vững hơn cho ngành hàng không, đồng thời bảo vệ môi trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực", bà Sharmine Tan, Giám đốc Bền vững của Boeing khu vực Đông Nam Á, chia sẻ.
Những dấu ấn hợp tác với 2 "ông lớn" hàng không thế giới
Mối quan hệ giữa Airbus với Việt Nam bắt đầu hơn 30 năm trước và Việt Nam trở thành đối tác quan trọng của Airbus đối với dòng sản phẩm máy bay chở khách, quân sự, máy bay trực thăng và thiết bị không gian.
Đến nay, Airbus đã bán hơn 250 máy bay chở khách cho các hãng hàng không và các công ty cho thuê tại Việt Nam. Công ty Trực thăng miền Nam (VNH South) hoạt động trong lĩnh vực dầu khí hiện có hơn 10 máy bay trực thăng của Airbus đang được khai thác, chủ yếu phục vụ ngành dầu khí và thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn. Airbus còn cung cấp những chiếc máy bay phục vụ hoạt động vận chuyển và cứu trợ y tế; phục vụ hoạt động vận tải của lực lượng không quân. Cảnh sát biển cũng đang khai thác máy bay của Airbus phục vụ hoạt động tuần tra, giám sát bờ biển và các nhiệm vụ thực thi pháp luật khác.
Ở lĩnh vực không gian vũ trụ, VNREDSat-1 là vệ tinh quan sát trái đất đầu tiên của Việt Nam, do Airbus phát triển, sản xuất, đánh dấu việc Việt Nam bắt đầu chủ động tham gia khám phá vũ trụ. Hệ thống vệ tinh cung cấp hình ảnh có độ phân giải cao phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và theo dõi tình hình thiên tai.
Airbus và Bộ Khoa học - Công nghệ cũng đã ký một ý định thư (LOI) hợp tác nhằm hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành không gian vũ trụ. Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (VAST), Trung tâm Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Pháp (CNES) và Airbus cũng đã ký ý định thư về việc hợp tác triển khai vệ tinh quan sát trái đất. Trong khuôn khổ chương trình VNREDSat-2, Airbus làm việc với VAST để xác định giải pháp cho hệ thống quan sát trái đất của Việt Nam trong tương lai, bao gồm cả việc chuyển giao chương trình công nghệ.
Tương tự, "ông lớn" Boeing đã và đang là đối tác chiến lược của Việt Nam trong suốt gần 3 thập niên qua. Tại Diễn đàn Hàng không vũ trụ lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam năm 2022, Giám đốc Boeing Việt Nam Michael Nguyễn cho biết: Một chiếc máy bay Boeing B747 có khoảng 6 triệu vật dụng vật tư, trong đó 50% là các vật tư nhỏ. Trong quá khứ và cả tương lai, mỗi chiếc máy bay Boeing được sản xuất đều có thành phần vật tư xuất xứ từ Việt Nam, ví dụ như một số thành phần của cánh hay cửa ra vào máy bay được làm từ Việt Nam.
Cũng theo vị này, Việt Nam là một quốc gia có nhiều tiềm năng, nhân viên và chuyên gia cần cù, năng lực cao, nếu có môi trường phù hợp và nhận được sự quan tâm của các tập đoàn hàng đầu thế giới thì sẽ mở mang rất tốt. Boeing muốn theo gương của Samsung, Intel để gia nhập thị trường Việt Nam, muốn được làm việc với các công ty Việt Nam.
Theo Boeing, nhiên liệu SAF giúp giảm đến 80% lượng phát thải CO2 trong suốt vòng đời nhiên liệu, có triển vọng đạt 100% trong tương lai, và được công nhận rộng rãi là có tiềm năng lớn trong công cuộc giảm phát thải carbon cho ngành hàng không trong vòng 20 - 30 năm tới. Có thành phần từ nguyên liệu thô, SAF được chứng nhận sử dụng cho mục đích thương mại, và hiện có thể được pha trộn theo tỷ lệ đến 50% với nhiên liệu máy bay truyền thống mà không cần thay đổi máy bay, động cơ hoặc cơ sở hạ tầng tiếp liệu. Boeing đưa ra cam kết sẽ cho ra mắt các máy bay thương mại tương thích và được chứng nhận bay bằng 100% SAF.
Trong lĩnh vực giáo dục và phát triển tài năng, Airbus đã hợp tác với các học viện hàng không của Pháp để thành lập Khoa Hàng không tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), hiện đang cung cấp 2 chương trình cấp bằng tiêu chuẩn: cử nhân khoa học về hoạt động bảo trì và kỹ thuật hàng không, và thạc sĩ quản trị vận tải hàng không.
Bình luận (0)