Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người mù và thị lực kém

13/10/2024 04:06 GMT+7

Trong số 2 triệu người mù và thị lực kém tại Việt Nam hiện nay, khoảng 1/3 là người nghèo, gặp khó khăn về chi phí điều trị.

Hơn 80% người mù ở Việt Nam có thể phòng và chữa được

"Ưu tiên chăm sóc mắt trẻ em" được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lựa chọn là chủ đề ngày Thị giác thế giới năm nay.

Hưởng ứng ngày Thị giác thế giới (thứ năm của tuần thứ 2 tháng 10), Bệnh viện Mắt T.Ư (Hà Nội) kêu gọi cộng đồng nâng cao nhận thức, chung tay cùng ngành mắt chăm sóc, bảo vệ đôi mắt, đặc biệt là các bệnh mắt thường gặp ở trẻ em.

Theo Bệnh viện Mắt T.Ư, Việt Nam (VN) hiện có khoảng 2 triệu người mù và thị lực kém. Khoảng 1/3 trong số đó là những người nghèo, gặp khó khăn trong điều trị. Hơn 80% người mù ở VN có thể phòng và chữa được. Các nguyên nhân gây mù chính hiện nay qua điều tra cho thấy: đục thể thủy tinh vẫn là nguyên nhân chủ yếu (chiếm tới 66,1%), tiếp đó là các bệnh lý đáy mắt, bệnh glôcôm, tật khúc xạ...

Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người mù và thị lực kém- Ảnh 1.

Trẻ nhỏ cần được phòng ngừa, phát hiện sớm tật khúc xạ để được chăm sóc, điều trị phù hợp

ẢNH: THƯ BÙI

Đến năm 2030, VN phấn đấu giảm tỷ lệ mù lòa xuống dưới 4 người/1.000 dân, trong đó giảm tỷ lệ mù lòa ở người trên 50 tuổi xuống dưới 12 người/1.000 dân; tỷ lệ phẫu thuật đục thể thủy tinh 95%; tỷ lệ người bệnh đái tháo đường được khám và theo dõi bệnh lý về mắt đạt 75%. Với trẻ em, tỷ lệ tật khúc xạ học đường được khám, phát hiện sớm, cung cấp dịch vụ khúc xạ và chỉnh kính tật khúc xạ đạt trên 75%. Đồng thời, củng cố, hoàn thiện mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc mắt, bảo đảm sự tiếp cận bình đẳng giữa các đối tượng (trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật).

Khoảng 3 triệu trẻ em mắc tật khúc xạ

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt T.Ư, cho biết sự phát triển công nghệ nhãn khoa hiện đại giúp cho việc phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị các bệnh về mắt ngày càng hiệu quả hơn, đồng thời cho thấy các bệnh lý về mắt ngày càng đa dạng, phức tạp, đặc biệt các bệnh lý mắt ở trẻ em: tật khúc xạ, nhược thị, các bệnh lý bẩm sinh: u võng mạc, lác mắt, sụp mi, đục thể thủy tinh bẩm sinh, võng mạc trẻ sinh non…

Theo đánh giá của Bệnh viện Mắt T.Ư, tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) đang ngày càng phổ biến trong thanh thiếu niên, với tỷ lệ mắc khoảng 15 - 20% ở nông thôn, 30 - 40% ở thành phố. Tính riêng nhóm trẻ từ 6 - 15 tuổi (lứa tuổi cần ưu tiên được chỉnh kính), cả nước có khoảng gần 15 triệu em. Với tỷ lệ mắc các tật khúc xạ khoảng 20%, ước tính VN có 3 triệu em mắc tật khúc xạ cần chỉnh kính, trong đó có tới 2/3 bị cận thị.

Theo tiến sĩ Nguyễn Hoàng Cương, tật khúc xạ gây khó khăn cho việc học tập và sinh hoạt. Do không nhìn thấy rõ nên các em cũng gặp khó trong việc hiểu bài, tiếp thu kiến thức, có thể dẫn đến kết quả học tập giảm sút. Nếu để lâu không chữa trị có thể gây bệnh mắt lười, gây suy giảm thị lực, khó điều trị. Khám và cấp kính cho trẻ em mắc tật khúc xạ là một trong những biện pháp can thiệp với chi phí thấp nhất nhưng mang lại hiệu quả cao để giảm tỷ lệ mù lòa.

"Kiểm soát nguyên nhân gây mù lòa ở trẻ em cần đặc biệt chú ý bệnh đục thủy tinh thể bẩm sinh, tật khúc xạ, bệnh võng mạc trẻ sinh non, thiếu vitamin A tiền lâm sàng", tiến sĩ Nguyễn Hoàng Cương chia sẻ thêm.

Trên thế giới hiện có khoảng 314 triệu người mù và thị lực thấp, trong đó khoảng 45 triệu người mù, những người trên 50 tuổi chiếm tỷ lệ 80%. Cứ 5 giây thế giới có thêm 1 người bị mù, và cứ 1 phút thế giới có thêm 1 trẻ bị mù. 90% người mù sống ở các nước nghèo và đang phát triển với các điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế khó khăn (VN xếp trong nhóm các nước này). 80% các nguyên nhân gây mù có thể điều trị hoặc phòng tránh được.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.