Việt Nam - Indonesia đối thoại quốc phòng lần thứ nhất

25/06/2019 10:20 GMT+7

Sáng nay 25.6, Việt Nam và Indonesia đã tổ chức buổi đối thoại quốc phòng lần thứ nhất tại Hà Nội.

Nhận lời mời của thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Indonesia do Phó đô đốc Agus Setiadji, Tổng thư ký Bộ Quốc phòng, dẫn đầu sang dự đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam - Indonesia lần thứ nhất, từ 23 - 26.6.
Sáng 25.6, tại trụ sở Bộ Quốc phòng, hai bên đã tổ chức Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam - Indonesia lần thứ nhất, do thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và Phó đô đốc Agus Setiadji đồng chủ trì.
Tại Đối thoại, hai bên chia sẻ về chính sách quốc phòng của mình, trao đổi về tình hình an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tiến trình hợp tác tác trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), cũng như công tác chuẩn bị cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.
Về hợp tác quốc phòng song phương, hai bên đánh giá cao những kết quả đạt được thời gian qua, nổi bật là hợp tác trong các lĩnh vực trao đổi đoàn, hợp tác đào tạo, trao đổi thông tin, hợp tác giữa các quân binh chủng (hải quân, không quân) và lực lượng cảnh sát biển.
Với mong muốn hợp tác quốc phòng hai nước thời gian tới tiếp tục phát triển toàn diện, thực chất, hai bên nhất trí tiếp tục duy trì trao đổi đoàn các cấp, nâng cao hiệu quả các cơ chế đối thoại hiện có; đẩy mạnh các hoạt động hợp tác thiết thực giữa các quân binh chủng; tìm hiểu khả năng hợp tác về công nghiệp quốc phòng; tiếp tục phối hợp và ủng hộ nhau trên các diễn đàn đa phương, nhất là trong năm 2020 khi Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN. 
Hai bên cũng trao đổi thẳng thắn về vấn đề ngư dân vi phạm vùng biển của nhau và thống nhất tích cực phối hợp chỉ đạo các lực lượng hoạt động trên biển của hai nước đối xử nhân đạo với ngư dân, xử dụng các biện pháp tuyên truyền, giáo dục, ngăn chặn, xua đuổi, tránh sử dụng vũ lực; phát huy hiệu quả đường dây nóng nhằm trao đổi thông tin kịp thời, ngăn chặn và giải quyết hiệu quả vụ việc từ sớm, không tạo ra căng thẳng ảnh hưởng tới quan hệ hai nước.
Việt Nam - Indonesia cũng thống nhất nghiên cứu lập Nhóm công tác chung giữa các lực lượng chức năng trên biển nhằm báo cáo và tham mưu cho lãnh đạo Bộ Quốc phòng mỗi nước phối hợp xử lý các sự vụ trên biển. 
Việc ngư dân Việt Nam bị phía Indonesia bắt giữ trở nên khá nóng bỏng thời gian gần đây. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, thống kê chưa chính thức của Bộ Ngoại giao cho thấy, từ đầu năm đến nay đã có 12 vụ, gồm 17 tàu và 140 ngư dân bị phía Indonesia bắt giữ.
Tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 9.5, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước thông tin tờ South China Morning Post đưa về việc Indonesia có kế hoạch đánh chìm 51 tàu cá nước ngoài, trong đó có 38 tàu cá của Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng cũng bày tỏ "quan ngại sâu sắc" của Việt Nam trước việc Bộ Biển và Nghề cá cùng một số lực lượng trên biển của Indonesia bắt giữ, tiêu hủy tàu cá Việt Nam, và nhấn mạnh: đây là hoạt động không phù hợp với quan hệ song phương, trái với Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982.
Cũng theo bà Hằng, Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Indonesia qua các kênh khác nhau về vấn đề này và đề nghị Bộ Biển và Nghề cá và các lực lượng trên biển cần có hành xử phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982 và quan hệ song phương giữa hai nước.
Việt Nam cũng đề nghị phía Indonesia đối xử nhân đạo với tàu cá và ngư dân Việt Nam phù hợp với mối quan hệ hai nước và tinh thần đoàn kết ASEAN.
Trước đó, ngày 30.4, bà Hằng cũng thông tin về việc Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có công hàm gửi Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng Indonesia xác minh thông tin, điều tra làm võ vụ tàu Indonesia làm chìm tàu cá BĐ 97916 và bắt giữ 12 ngư dân Việt Nam trên tàu này.
Bộ Ngoại giao cũng đề nghị phía Indonesia không lặp lại hành động tương tự trong tương lai, đồng thời thả ngay các ngư dân của tàu cá BĐ 97916 TS, đối xử nhân đạo và đền bù thoả đáng cho tàu cá và ngư dân Việt Nam.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.