Chỉ trong tuần cuối của tháng 9 này, có tới 3 tỉnh thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) là Bắc Ninh, Đồng Nai và Bình Dương tổ chức hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư. TP.HCM - đầu tàu kinh tế của cả nước - thì có Diễn đàn kinh tế lần thứ 4 với sự tham dự của nhiều nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài. Đã có nhiều dự án, thỏa thuận đầu tư được ký kết, cấp phép tại các sự kiện này. Chẳng hạn, Bình Dương ngày 26.9 đã trao giấy phép chấp thuận đầu tư cho 8 dự án với tổng vốn đầu tư 1,8 tỉ USD. Đồng Nai trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 17 doanh nghiệp (DN) với tổng vốn đầu tư ước 6 tỉ USD.
Bắc Ninh sôi động nhất với 18 dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến 5,6 tỉ USD. Trong đó, có nhiều dự án công nghệ có quy mô lớn như nhà máy FCPV Foxconn Bắc Ninh của Tập đoàn Foxconn (Đài Loan) với vốn đầu tư 383,3 triệu USD; nhà máy chế tạo các sản phẩm điện tử, phương tiện thiết bị mạng và các sản phẩm âm thanh đa phương tiện Goertek Nam Sơn - Hạp Lĩnh với vốn đầu tư 280 triệu USD; dự án bảng mạch in (PCB) công nghệ chính xác cao Victory Giant Việt Nam, vốn đầu tư 260 triệu USD; dự án của Amkor cũng công bố tăng vốn thêm 1,07 tỉ USD.
Đặc biệt, Samsung Display cũng ký kết biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Bắc Ninh về việc đầu tư tiếp 1,8 tỉ USD vào nhà máy chuyên sản xuất màn hình, các linh kiện điện tử ở Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) trong tương lai gần. Đại diện của Samsung Việt Nam cũng khẳng định với dự án đầu tư lần này, ngoài sản phẩm OLED dành cho điện thoại di động đang sản xuất, Samsung sẽ triển khai dây chuyền sản xuất sản phẩm OLED dành cho thiết bị IT, ô tô - mặt hàng được dự đoán sẽ chiếm khoảng 30% thị phần toàn cầu trong 5 năm tới.
Đặc biệt, thông tin liên quan dự án dây chuyền lắp ráp MacBook, iPad của nhà máy thuộc Tập đoàn Foxconn tại tỉnh Bắc Giang gây sự chú ý. Cụ thể, Bộ TN-MT cho cho biết, Fukang Technology (thuộc Tập đoàn Foxconn) đang xin cấp phép môi trường cho hệ thống xử lý khí thải dây chuyền sản xuất iPad, MacBook giai đoạn 2 tại nhà máy ở Bắc Giang. Hồi tháng 2 năm nay, nhà đầu tư này đã nhận giấy phép sản xuất máy tính bảng, máy tính xách tay, bo mạch chủ thiết bị điện tử tại Bắc Giang. Dự án Fukang Technology tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) có vốn đầu tư hơn 12.507 tỉ đồng, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu từ tháng 1.2021; công suất lắp ráp và gia công khoảng 16,1 triệu máy tính bảng và máy tính xách tay mỗi năm.
Foxconn được biết đến là đối tác gia công hàng đầu cho gã khổng lồ công nghệ Apple (Mỹ). Hồi giữa tháng 4 năm nay, Tổng giám đốc (CEO) Tim Cook của Apple lần đầu tiên đến VN cũng cho biết Apple hiện có 2 pháp nhân tại VN, hơn 70 nhà máy là đối tác sản xuất thiết bị gốc cùng 40 đối tác phân phối và trên 5.000 cửa hàng ủy quyền. Ông Tim Cook nhận định, dư địa hợp tác của Apple tại thị trường VN còn rất lớn và hoàn toàn có thể mở rộng để có thể nhận được nhiều kết quả tốt hơn trong tương lai. Foxconn bắt đầu xây dựng nhà xưởng tại Bắc Ninh, Bắc Giang và một số tỉnh của VN từ tháng 3.2007 và sản xuất đa dạng sản phẩm, từ máy tính, công nghệ thông tin, hàng điện tử tiêu dùng, linh kiện ô tô đến thiết bị bán dẫn. Đầu tháng 7 năm nay, tập đoàn này nhận giấy phép đầu tư vào hai dự án sản xuất máy trò chơi, sản phẩm giải trí thông minh tại Quảng Ninh, tổng vốn 551 triệu USD. Foxconn đang trong quá trình chuyển dịch đầu tư, mở rộng sản xuất tại VN.
Trước đó, hồi tháng 6, tại cuộc gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Brand Cheng, CEO của Foxconn Industrial Internet (thuộc Foxconn), cho biết các nhà máy của tập đoàn này đã có mặt tại 5 tỉnh thành của VN, có 80.000 nhân viên và tổng vốn đầu tư khoảng 4 tỉ USD.
Không chỉ các công ty vệ tinh của "nhà táo", VN được nhiều ông lớn ngành công nghệ chọn cứ điểm sản xuất chính từ lâu. Trong tháng 4 vừa qua, chiếc điện thoại di động thứ 1 tỉ do nhà máy Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên sản xuất đã chính thức được hoàn thiện. Đây là chiếc điện thoại di động dòng Samsung Galaxy S24 Ultra, thế hệ điện thoại trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên trên thế giới mang dấu ấn bàn tay người Việt. Tính đến nay, Samsung đã sản xuất tại VN hơn 2,13 tỉ sản phẩm thông minh trong hệ sinh thái Galaxy bao gồm các sản phẩm điện thoại thông minh, máy tính bảng, thiết bị đeo thông minh (đồng hồ, tai nghe), máy tính và các sản phẩm điện thoại cơ bản…
Tổng giám đốc nhà máy Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên, ông Park Sung Ho, cho biết: Samsung bắt đầu sản xuất chiếc điện thoại di động đầu tiên vào năm 1988. Đến nay, tổng sản lượng điện thoại Samsung được sản xuất trên toàn cầu là hơn 6 tỉ sản phẩm. Thời gian để đạt đến con số 1 tỉ sản phẩm điện thoại Samsung đầu tiên trên thế giới là 21 năm, nhưng với riêng nhà máy Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên thì chỉ mất 10 năm… Theo ước tính, khoảng 60% điện thoại của Samsung trên toàn cầu được sản xuất ở VN.
Với sự tham gia của Samsung và nhiều nhà sản xuất khác như Nokia, LG, Asus, Apple…, từ năm 2021, VN đã vươn lên và trở thành nước xuất khẩu điện thoại lớn thứ 2 thế giới. Ngoài điện thoại, các sản phẩm điện tử phổ biến như máy tính xách tay, máy tính để bàn, máy tính bảng, máy ảnh kỹ thuật số, thiết bị lưu trữ… "made in Vietnam" cũng đã có mặt ở nhiều thị trường như Trung Quốc, Mỹ, EU, Hàn Quốc, ASEAN… Kim ngạch xuất khẩu hằng năm của nhóm hàng này cũng tăng vọt. Tờ Nikkei Asia đã đưa ra nhận định đến năm 2030, một nửa số laptop bán ra trên toàn cầu sẽ được sản xuất bởi các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Trong đó, tờ báo này kể ra hàng loạt dự án máy tính sản xuất tại VN như Công ty Wistron của Đài Loan; một số công ty máy tính Đài Loan khác như Compal Electronics cũng đang cân nhắc mở rộng hoạt động sản xuất tại VN…
Không dừng lại ở đó, lãnh đạo các tập đoàn lớn đều bày tỏ quan điểm sẽ tiếp tục đầu tư và mở rộng sản xuất tại VN. Chẳng hạn, thông qua Trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) chính thức đưa vào hoạt động, Samsung hy vọng sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển của lĩnh vực phần cứng, phần mềm phù hợp với lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) tiên tiến và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, tập đoàn này đang chuẩn bị các điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà tại nhà máy Samsung Electro-Mechanics ở Thái Nguyên.
Samsung Display bắt đầu đầu tư vào VN năm 2014, đến nay đã tròn 10 năm. Với số vốn đầu tư ban đầu 1 tỉ USD, đến nay DN này đã rót vào VN khoảng 6,5 tỉ USD. Nếu các thủ tục đầu tư cho dự án mới công bố ở Bắc Ninh (vốn đầu tư 1,8 tỉ USD) sớm hoàn tất, tổng vốn đầu tư của Samsung Display tại VN sẽ lên tới 8,3 tỉ USD. Nhà đầu tư đến từ xứ sở kim chi đã và đang khẳng định chiến lược biến VN thành "cứ điểm sản xuất toàn cầu hoàn chỉnh" của mình.
Tương tự, lãnh đạo Tập đoàn LG cho biết sẽ đầu tư vào VN thêm 4 tỉ USD nữa với mong muốn tiếp tục hợp tác đầu tư trong nhiều lĩnh vực. Mục tiêu của LG là đưa VN thành trung tâm sản xuất máy ảnh cho điện thoại trong tương lai…
Ông Đỗ Khoa Tân, Phó tổng thư ký Hiệp hội DN điện tử VN, nhận định VN sau một thời gian với sự đầu tư sản xuất của các hãng lớn như Samsung, Intel, LG... đã dần dần hình thành được chuỗi cung ứng phụ trợ đi kèm, tạo ra cơ hội để thu hút thêm đầu tư mới trong lĩnh vực này. Đặc biệt thời gian gần đây, các tập đoàn nước ngoài đang có mặt tại VN liên tục mở rộng cả về quy mô lẫn gia tăng chuỗi cung ứng. Đặc biệt, hàng loạt tập đoàn lớn về chip, bán dẫn cũng đến tìm hiểu và hợp tác như Nvidia (Mỹ), Hana Micron Vina thuộc gã khổng lồ sản xuất chip Hanmi Semiconductor (Hàn Quốc), Infineon Technologies AG (Đức) về các giải pháp bán dẫn, hay như Tập đoàn Apple… thì số lượng điện thoại di động hay các thiết bị thông minh sản xuất tại VN sẽ ngày càng gia tăng.
Cũng trong tuần cuối tháng 9 này, ở bên kia bán cầu, nhân dịp tham dự Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 79 và làm việc tại New York (Mỹ), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp lãnh đạo một số tập đoàn và quỹ đầu tư lớn của Mỹ như Apple, Meta, Super Micro, Blackstone, Warburg Pincus… Tại buổi gặp mặt này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị Apple và đối tác hỗ trợ DN VN để nâng cao năng lực sản xuất và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; nghiên cứu thành lập trung tâm R&D tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC); nghiên cứu khả năng cung cấp học bổng tài năng cho sinh viên Việt trong lĩnh vực IT, lập trình, điện tử, bán dẫn, AI.
Đồng thời đề nghị Apple tiếp tục có tiếng nói, định hướng nhà cung ứng (OEM) trong chuỗi cung ứng của tập đoàn mở rộng đầu tư kinh doanh tại VN. Đáp lời, Phó chủ tịch Apple Nick Ammann nhấn mạnh, VN không chỉ là "thị trường tuyệt vời" đối với Tập đoàn, mà còn là một "cứ điểm sản xuất" của Apple để cung cấp hàng hóa cho thế giới. Các dự án của Goertek, Foxconn ở Bắc Ninh đã và đang sản xuất linh phụ kiện cho Apple. Các tập đoàn công nghệ Mỹ đều khẳng định mối quan tâm đến thị trường VN.
PGS-TS Nguyễn Thường Lạng (Viện Thương mại và kinh tế quốc tế, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) nhận xét, VN được đánh giá là một trong 20 quốc gia có đầu tư nước ngoài ấn tượng nhất. Quan sát cho thấy, các nhà đầu tư công nghệ đến VN và nhà đầu tư mở rộng dự án đều có sự tập trung sâu mảng nghiên cứu công nghệ mới theo xu hướng thời đại. Chẳng hạn, Samsung với Trung tâm R&D là câu trả lời rõ nhất cho chiến lược biến VN đã trở thành cứ điểm sản xuất và nghiên cứu quan trọng của họ.
"Samsung hay Apple, Foxconn, Pegatron, Goertek… được kỳ vọng tạo nên cú hích cho dòng vốn công nghệ trong rất nhiều lĩnh vực liên quan trong chuỗi bán dẫn, AI, tự động hóa, robot… chứ không riêng gì điện thoại hay máy tính bảng. Hiện tại, riêng điện thoại cung ứng ra thị trường toàn cầu, chúng ta chỉ đứng sau Trung Quốc, đã vượt Ấn Độ. Nhưng lợi thế mà VN phải nắm bắt và có thể "sờ thấy" là công nghệ tiên tiến, là robot, chip, bán dẫn…", PGS-TS Nguyễn Thường Lạng nhấn mạnh.
Ông Đỗ Tân Khoa bổ sung: Sau giai đoạn bị dịch bệnh, đứt gãy chuỗi sản xuất và cung ứng đã thúc đẩy nhanh việc dịch chuyển hoặc thay đổi lại cơ cấu sản xuất theo hướng không tập trung quá nhiều ở Trung Quốc như trước đây. Thế nên, so với nhiều nước trong khu vực, VN đang có lợi thế về nguồn nhân lực phổ thông lẫn kỹ sư chất lượng cao cho ngành máy tính nói riêng và điện tử nói chung. Đồng thời, môi trường kinh tế, chính trị, xã hội và các chính sách ưu đãi thu hút vốn FDI của VN được kỳ vọng sẽ thu hút được hàng loạt dự án công nghệ khác. Tuy nhiên, VN vẫn không thể chủ quan mà cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hoạt động logistics thật sự nhanh gọn để mọi hoạt động xuất nhập khẩu từ linh kiện đầu vào đến sản phẩm đầu ra của các DN được thuận tiện hơn.
Bình luận (0)