Hội nghị do Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) cùng Bộ KH-ĐT tổ chức tại Tokyo, nhân chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến các cơ quan, doanh nghiệp hai bên trao thỏa thuận hợp tác |
chí hiếu |
Chờ làn sóng đầu tư mạnh mẽ
Tại hội nghị, ông Sasaki Nobuhiko, Chủ tịch Jetro, cho biết diễn đàn có hơn 1.000 doanh nghiệp (DN) của 2 nước tham gia trực tiếp, ngoài ra còn được truyền hình trực tuyến. Số liệu của Jetro cho hay từ tháng 1 - 9 vừa qua, đã có 3 tỉ USD được các nhà đầu tư Nhật Bản rót vào Việt Nam, đứng thứ 3 sau các DN Hàn Quốc và Singapore. “Những năm gần đây, niềm tin với Việt Nam của DN Nhật Bản được củng cố rất rõ. Sẽ có nhiều DN quyết định đầu tư dịp này, đây là cơ hội. Riêng hôm nay sẽ có hơn 40 văn kiện hợp tác được trao”, ông Nobuhiko nói.
Đáp lời, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ ông cảm nhận được “một không khí chân thành, tin cậy cao”, nhất là sau cuộc hội đàm và ra tuyên bố chung của thủ tướng 2 nước vào tối 24.11. “Mối quan hệ 2 nước đã bước sang trang mới, nâng cao tầm của quan hệ đối tác chiến lược sâu sắc. Điều này góp phần tạo ra môi trường kinh doanh tốt hơn nữa cho DN của 2 bên. Đây là cơ hội rất tốt để xúc tiến đầu tư và tôi mong sẽ thấy một làn sóng đầu tư mới, mạnh mẽ hơn từ DN các bạn”, Thủ tướng nói.
Chiều cùng ngày, sau khi có các cuộc tiếp cựu Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshide, Thống đốc tỉnh Kanagawa ông Kuroiwa Yuji, Bộ trưởng Quốc phòng Kishi Nobuo, Thống đốc Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản Maeda Tadashi và một số tập đoàn kinh tế lớn của Nhật, Thủ tướng đã lên máy bay rời Tokyo, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Nhật Bản.
Qua diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát đi thông điệp mạnh mẽ về sự ổn định chính trị và những cải cách thể chế, như là bảo chứng an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
“Ổn định chính trị là hết sức quan trọng với DN muốn làm ăn lớn, lâu dài, chiến lược. Các bạn hãy yên tâm, chúng tôi luôn đảm bảo ổn định chính trị. Các bạn đến đầu tư là được bảo vệ an ninh, bảo vệ tài sản, bảo vệ quyền của mình; được tạo cơ hội để sáng tạo, triển khai chiến lược của mình”, Thủ tướng cam kết, đồng thời thông tin với chiến lược “lấy con người vừa là trung tâm, vừa là động lực đồng thời cũng là mục tiêu cho sự phát triển” được Đại hội Đảng XIII đề ra, phát triển nhân lực đang là ưu tiên của Chính phủ. Do đó, các nhà đầu tư sẽ tìm được lao động, con người đáp ứng được các chiến lược lâu dài của mình.
“Người Việt không chỉ cần cù, chăm chỉ, cầu thị, khiêm tốn mà còn có sự thông minh, linh hoạt trong các điều kiện khó khăn. Dân tộc chúng tôi càng khó khăn càng đoàn kết, càng tìm cách vượt qua. Mỗi lần vượt qua khó khăn, chúng tôi lại lớn lên, trưởng thành”, Thủ tướng chia sẻ.
Nhiều hợp tác kinh tế mới theo chiều sâu
Dù vậy, Thủ tướng cũng chia sẻ ở Việt Nam vẫn còn những khó khăn, đó là đại dịch Covid-19; biến đổi khí hậu; cạn kiệt tài nguyên; ô nhiễm môi trường; già hóa dân số. Đây là các vấn đề toàn cầu, cần phải có cách tiếp cận toàn cầu để vượt qua.
“Chúng tôi là nước đang phát triển, nên có những khó khăn. Vì vậy chúng tôi kêu gọi sự chia sẻ của các nước phát triển, để cùng chúng tôi khắc phục. Đó là chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thể chế; góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn với đổi mới sáng tạo; giúp chúng tôi tranh thủ các nguồn tài chính xanh để phục vụ phát triển bền vững; quản trị DN, quản trị quốc gia, quản trị chính quyền các cấp một cách hiện đại, thông thoáng. Ngược lại, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục cải cách, chống tham nhũng, sách nhiễu, tạo môi trường minh bạch, thông thoáng và những việc này vừa qua đã có hiệu quả nhưng sẽ không bao giờ dừng lại”, Thủ tướng nói và nhắc lại, 2 nước nói riêng và DN 2 nước nói chung có sự tin cậy qua quá trình làm việc, hợp tác lâu dài. “Vì thế, tôi hy vọng sẽ có một làn sóng đầu tư mới của các DN Nhật Bản vào Việt Nam mạnh mẽ hơn, để chúng ta cùng nhau chiến thắng”, Thủ tướng bày tỏ.
Trong số các biên bản hợp tác được ký kết giữa hai bên tại diễn đàn, nổi bật có các hợp tác về năng lượng mới, nông nghiệp sạch, y tế, chống biến đổi khí hậu. Tiêu biểu cho khu vực công như tỉnh Phú Yên hợp tác cùng Tập đoàn Kiyomura về thủy sản và đánh bắt cá ngừ; Bộ TN-MT hợp tác với Công ty Horiba về quan trắc môi trường…
Ở khối tư nhân, Tập đoàn Horiba và Trường đại học Văn Lang hợp tác triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường tại ĐBSCL; Tập đoàn Mia và Công ty Endo Seian hợp tác chuyển giao công nghệ, trồng và chế biến đậu đỏ theo tiêu chuẩn Nhật Bản ở Sơn La để xuất trở lại Nhật; Công ty Chân Mây và Tập đoàn Mitsubishi hợp tác trong dự án điện sạch…
Ông Hagiuda Koichi, Bộ trưởng Kinh tế - Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, cho biết dịch Covid-19 vừa qua đã làm ảnh hưởng đến sản xuất của nhiều nhà máy. Vì thế, nhận thức của cả hai bên là cần có chuỗi cung ứng mang tính chống chọi lại sự thay đổi này. Ông Koichi nhấn mạnh Việt Nam đã có những nỗ lực tuyệt vời để khắc phục tình hình. Phối hợp để có chuỗi cung ứng linh hoạt, hỗ trợ DN Nhật đang đầu tư.
Ông Koichi cho biết thời gian tới là giai đoạn tập trung vào phát triển bền vững. “Các mục tiêu lớn sẽ được trao đổi để thực hiện. Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam soạn ra lộ trình sử dụng công nghệ mới như hydro, khí hóa lỏng nhằm sớm đạt không phát thải, hướng tới trung hòa carbon”, ông Koichi thông tin.
Tại diễn đàn, Thủ tướng đã chứng kiến hơn 40 biên bản hợp tác được các cơ quan, DN 2 nước trao cho nhau, cả ở khu vực công và khối tư nhân.
Bình luận (0)