Việt Nam là nền kinh tế hấp dẫn ở Đông Nam Á với nhà đầu tư Mỹ

06/03/2017 21:14 GMT+7

Tổng thống Trump đã đưa ra những định hướng 'buộc' các công ty Mỹ đầu tư vào nội địa nhưng quyết định của các doanh nghiệp Mỹ phụ thuộc vào thị trường chứ không do bất cứ mệnh lệnh cưỡng ép nào.

Nhận định trên được Đại sứ Michael Michalak, Phó chủ tịch Cấp cao và Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng Kinh doanh (HĐKD) Mỹ - ASEAN đưa ra tại cuộc gặp mặt báo chí chiều 6.3 tại Hà Nội, do Đoàn doanh nghiệp (DN) của Hội đồng này tổ chức. HĐKD Mỹ - ASEAN đang có chuyến thăm và làm việc tại VN từ 6-9.3, với sự tham dự của các nhà quản lý cấp cao từ hơn 30 tập đoàn hàng đầu của Mỹ.
Theo ông Michalak, người từng giữ vai trò Đại sứ Mỹ tại Việt Nam giai đoạn 2007-2011, hiện tại Tổng thống Trump vẫn đang trong giai đoạn 100 ngày đầu tiên nắm quyền nên chính sách của Mỹ đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn chưa được hoạch định rõ ràng.
Động thái rõ ràng nhất của ông Trump, theo Đại sứ Michalak, là việc rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). “Về hình thức Mỹ đã rút khỏi TPP nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu linh hồn của TPP sẽ sống lại một hình thức khác”, ông Michalak nói.
Đại sứ Michalak cũng cho biết HĐKD Mỹ - ASEAN đã gửi một báo cáo về tầm quan trọng về kinh tế, thương mại của khu vực Đông Nam Á đối với Mỹ tới chính quyền mới của Tổng thống Trump. “Báo cáo cũng nhấn mạnh việc các DN Mỹ cần tập trung vào sự bổ sung giữa 2 nền kinh tế Mỹ - Việt Nam. Điều đó có nghĩa bất kỳ khoản đầu tư mới nào dù ở Mỹ hay Việt Nam đều tạo ra công ăn việc làm ở cả 2 nền kinh tế”, ông Michalak nói.
Ông Marc Mealy, Phó chủ tịch phụ trách Chính sách, HĐKD Mỹ - ASEAN cho biết theo điều tra của Hội đồng với 150 tập đoàn hàng đầu của Mỹ thì Việt Nam thường xuyên nằm ở vị trí số một hoặc số hai trong số các nền kinh tế hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á đối với các công ty Mỹ để đầu tư, kinh doanh.
“Mặc dù chính sách nội địa của Mỹ có thể thay đổi theo Chính phủ mới nhưng các tiến bộ cải cách của ASEAN, Việt Nam, các tiến trình hội nhập kinh tế, tự do hoá thương mại trong khu vực đều góp phần tăng cường sự hấp dẫn của môi trường đầu tư kinh doanh trong khu vực mà các công ty Mỹ có thể tận dụng”, ông Mealy nói.
Theo ông Mealy, mặc dù TPP không có Hoa Kỳ, nhưng 11 nền kinh tế còn lại vẫn còn cam kết rất mạnh mẽ và đại diện 11 nền kinh tế này sẽ gặp nhau ở Chilê tới đây để thảo luận tương lai của TPP cũng như việc triển khai những thoả thuận trong quá trình đám phán đã thống nhất được với nhau. "Vẫn còn cơ hội để cộng đồng DN các nền kinh tế này và cộng đồng DN Mỹ có thể khai thác được từ những cam kết của các nước thành viên TPP”, ông Mealy nhận định.
Giải đáp những thông tin liên quan đến định hướng của Tổng thống Trump về việc buộc các công ty Mỹ quay lại đầu tư kinh doanh trong nước, ông Michalak cho hay bất cứ quyết định nào của các DN Mỹ đều hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế, thị trường chứ không do bất cứ mệnh lệnh cưỡng ép nào.
“Đặc thù của các DN Mỹ là luôn tìm kiếm và ủng hộ các cơ chế tiến trình thúc đẩy tự do hóa thương mại. Do đó họ theo dõi sát sao Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) hay tiến trình thuận lợi hóa thương mại của WTO”, Đại sứ Michalak nói.
Trả lời câu hỏi liên quan đến những tác động đối với Việt Nam khi thuế biên giới (border tax) đang được Tổng thống Trump dự kiến đánh vào hàng hóa nhập khẩu, Đại sứ Michalak cho rằng câu hỏi cần đặt ra là liệu chính sách này có thực thi được hay không?
Chính sách thuế không chỉ do một mình Tổng thống quyết định mà phải trình ra trước Quốc hội, đặc biệt là Hạ viện, nơi có nhiều lợi ích khác nhau đan xen. Hạ viện sẽ có những thảo luận kỹ càng dưới nhiều góc độ để đảm bảo rằng chính sách này phải nhất quán đối với những cam kết, thông lệ quốc tế mà Mỹ tham gia. Các logic của đề xuất thuế mới này rất phức tạp đòi hỏi nhiều thời gian thảo luận và chưa chắc đi đến thống nhất trong thời gian ngắn. Chúng ta phải chờ rất lâu để biết chính sách này có thể được thông qua hay không”, ông Michalak cho hay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.