Việt Nam làm gì để đón 8 triệu khách quốc tế ?

20/12/2022 06:20 GMT+7

Mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong năm nay không đạt, ngành du lịch vẫn quyết tâm đón 8 triệu lượt khách quốc tế trong 2023, nhưng các chuyên gia cho rằng đây không phải nhiệm vụ bất khả thi nếu mọi rào cản nhanh chóng được dỡ bỏ.

Chính sách visa của Việt Nam chưa cởi mở

Theo báo cáo tổng kết năm 2022 của Tổng cục Du lịch Việt Nam, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 3,5 triệu lượt. Mặc dù thị trường khách quốc tế chỉ đạt 70% so với chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm nhưng bù lại, du lịch nội địa lại ghi nhận tăng trưởng ngoạn mục đạt 101,3 triệu lượt, tăng hơn gấp 1,5 lần so với mục tiêu đặt ra năm 2022 là 60 triệu lượt khách và vượt xa con số 85 triệu lượt khách nội địa năm 2019 khi chưa xảy ra đại dịch Covid-19. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 495.000 tỉ đồng, vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022 và đạt 66% so với năm 2019.

Du khách nước ngoài tại TP.HCM tháng 10.2022

Nhật Thịnh

Với việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch từ ngày 15.3, Việt Nam nằm trong danh sách những nước mở cửa sớm nhất khu vực và được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá là có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới. Tiếp nối đà tăng trưởng, năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đón 110 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 8 triệu lượt khách quốc tế, khách du lịch nội địa khoảng 102 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch kỳ vọng đạt khoảng 650.000 tỉ đồng.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu đánh giá bên cạnh sự trở lại ngoạn mục, ngành du lịch Việt Nam vẫn gặp một số khó khăn, thách thức. Đặc biệt, nền kinh tế thế giới đang có dấu hiệu suy thoái, các rủi ro về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, lương thực gia tăng. Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng cùng với dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường, ảnh hưởng nặng nề hơn.

Lãnh đạo ngành du lịch dự báo giai đoạn tới, du lịch thế giới tiếp tục có sự phục hồi, nhưng chưa trở về được mức như năm 2019. Du lịch nội địa tiếp tục có sự tăng trưởng nhưng tốc độ sẽ chậm lại. Các thị trường gửi khách chủ yếu của Việt Nam như Trung Quốc đại lục, Đài Loan... chưa mở cửa hoàn toàn. Trong khi đó, chính sách thị thực của Việt Nam chưa có nhiều ưu thế hơn so với các quốc gia trong khu vực.

Năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế nhưng chỉ đạt 70% với khoảng 3,5 triệu lượt

Đình Huy

Tốc độ hồi phục phải mạnh mẽ hơn

Trong bối cảnh đó, mục tiêu 8 triệu khách quốc tế khiến nhiều người khó hiểu. Thế nhưng, theo các chuyên gia, nếu so với con số hơn 18 triệu lượt khách đến Việt Nam thời điểm trước dịch 2019, con số này không có gì quá lớn lao. Với hàng loạt thành tích như: Giành được 16 hạng mục giải thưởng hàng đầu thế giới và 48 hạng mục giải thưởng hàng đầu châu Á tại “Oscar ngành du lịch” - World Travel Awards 2022; Nằm top những quốc gia được tìm kiếm nhiều nhất thế giới; Có mặt tại hầu hết những danh sách điểm phải đến trong năm 2023 do nhiều kênh truyền thông quốc tế uy tín bình chọn… thì mục tiêu năm 2023 có vẻ nằm trong tầm tay, nếu...

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, đánh giá ở tầm quốc gia, Tổng cục Du lịch đặt mục tiêu 8 triệu lượt khách chắc hẳn có nhiều cơ sở, dựa vào tín hiệu hồi phục từ các thị trường lớn. Thực tế các doanh nghiệp (DN) lại kỳ vọng nhiều hơn thế bởi nếu trong năm 2023, du lịch Việt Nam đón được từ 8 - 10 triệu lượt khách quốc tế, đến năm 2024 đạt 14 - 15 triệu lượt khách thì mới mong tới 2025 có thể phục hồi như giai đoạn năm 2019 trước dịch.

“Tốc độ hồi phục phải mạnh mẽ hơn thì mới có thể giúp các DN vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nếu ngành du lịch Việt Nam không thể đạt được theo từng phân kỳ như vậy thì chúng ta sẽ không thể bắt kịp được nhịp phục hồi của các quốc gia lân cận”, ông Dũng lo ngại.

Dẫn câu chuyện Thái Lan tự tin vượt mục tiêu đón 10 triệu lượt khách quốc tế dù thời điểm mở cửa chỉ sớm hơn Việt Nam một chút, TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), phân tích: Việt Nam đang trầy trật vì mất một số thị trường trọng điểm, trong đó có khách Nga. Trước khi bùng nổ xung đột Nga - Ukraine, Việt Nam vẫn là điểm đến được du khách Nga lẫn Ukraine ưa chuộng nhất ở Đông Nam Á. Giai đoạn thí điểm đón khách quốc tế hồi cuối năm 2021, đoàn khách đầu tiên làm nóng lại những điểm du lịch lớn của Việt Nam như Nha Trang - Khánh Hòa cũng chính là thị trường Nga. Thế nhưng, đến nay Việt Nam vẫn chưa có tín hiệu nào đón dòng khách này.

Sáng mai (21.12), Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Hội nghị thúc đẩy thu hút khách du lịch quốc tế vào Việt Nam. Dự kiến hội nghị sẽ ghi nhận báo cáo của các bộ: Ngoại giao, GTVT, Công an, Công thương, Tài chính… và Ngân hàng Nhà nước về các chính sách nhằm tạo điều kiện thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam giai đoạn tới. Đồng thời, một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh sẽ trình bày tham luận về thực trạng và giải pháp của địa phương nhằm thúc đẩy khách nước ngoài vào Việt Nam.

Trong khi đó, từ tháng 10, du khách Nga đã trở lại Thái Lan và nhanh chóng trở thành nguồn du khách quốc tế lớn nhất ở Phuket với 45.000 khách, tăng lên 55.000 khách trong tháng 11. Tương tự, sức bật bất ngờ của du lịch Thái Lan cũng có đóng góp một phần lớn nhờ sự trở lại mạnh mẽ của du khách đến từ Malaysia và Ấn Độ. Hơn 1 triệu người Malaysia (trước dịch là thị trường rất lớn của Việt Nam) và gần 600.000 người Ấn Độ đã đến du lịch Thái Lan từ tháng 1 - 9 (số khách Ấn Độ này gấp 6 lần lượng khách Ấn Độ tới Việt Nam trong 11 tháng).

“Điều này chứng tỏ thị trường quốc tế có khách đủ nhiều. Mục tiêu 8 triệu khách vẫn chưa thể hiện quyết tâm bởi trước dịch, Việt Nam đã vượt 18 triệu lượt, năm nay Thái Lan, Malaysia đều đã chạm tới mốc 10 triệu. Tại sao Việt Nam không đặt mục tiêu năm sau đón 10 triệu lượt khách bằng Thái Lan năm nay và quyết gạt bỏ mọi rào cản, bất cập để đạt được nó?”, ông Nam đặt vấn đề.

Cần sự chung tay của nhiều bộ ngành

Theo ông Nam, chúng ta muốn nhiều du khách đến, nhưng visa làm cho họ không muốn đến Việt Nam, mà chọn đi du lịch ở nước nào họ không cần làm visa. Nhìn sang ngay bên cạnh, Thái Lan miễn visa du lịch cho 65 nước, còn Việt Nam chỉ cho 24 nước (bao gồm các nước ASEAN). Thái Lan cho phép du khách lưu trú 90 ngày, được ra vào nhiều lần, Việt Nam chỉ cho phép 15 ngày và 1 lần. Visa điện tử (E-visa) của Việt Nam cũng kém hơn, bất tiện hơn khi mà cơ chế Visa-on-Arrival (cấp visa tại nơi đến) chưa thực chất. Khách đến vẫn phải xin phê duyệt trước, không phải cứ đến rồi xin trực tiếp ở cửa khẩu như một số nước khuyến khích du lịch.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Để đạt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế trong 2023, Tổng cục Du lịch sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như triển khai công bố “Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” sau khi được Chính phủ phê duyệt; triển khai Chiến lược marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030; đề án “Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh, thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”; đề án phát triển du lịch cộng đồng Việt Nam sau khi các văn bản này được phê duyệt...

Bên cạnh đó, chuẩn bị tốt cho hội nghị toàn quốc về du lịch, dự kiến tổ chức vào quý 1/2023; hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; hội nghị chuyên sâu về đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam. Trong công tác xúc tiến quảng bá, ngành du lịch sẽ tham gia các sự kiện du lịch quốc tế như Diễn đàn Du lịch ASEAN ATF 2023 tại Indonesia; Hội chợ du lịch ITB tại Berlin - Đức; Hội chợ du lịch WTM tại London, Anh; tổ chức truyền thông du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình CNN và một số kênh truyền thông quốc tế lớn...

“Ngành du lịch Việt Nam còn phải khắc phục nhiều yếu điểm so với du lịch Thái Lan, nhưng việc cần làm đầu tiên là cánh cửa để du khách đến nước ta phải được rộng mở bằng một chính sách visa như Thái Lan. Cứ mở cửa he hé như lâu nay thì vô phương. Visa là khó khăn lớn nhất, là vấn đề nan giải nhất của du lịch và hàng không Việt Nam”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Cao Trí Dũng cho rằng câu chuyện xúc tiến, quảng bá du lịch, liên kết giữa các địa phương để tạo nên hệ thống sản phẩm mới hấp dẫn là những vấn đề cần phải quyết liệt tháo gỡ nhanh chóng để tạo sức bật cho du lịch Việt Nam.

Lo không đủ lực đón khách Trung Quốc

Ảnh

Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái trước đại dịch Covid-19

Lã Nghĩa Hiếu

Sau khi Trung Quốc nới lỏng chính sách phòng chống Covid-19, các đường bay thẳng từ Việt Nam - Trung Quốc đã lập tức được nối lại, tăng số lượng chuyến bay thương mại thường lệ giữa 2 nước lên 16 chuyến/tuần. Dù là thị trường lớn nhất, được trông chờ nhiều nhất của du lịch Việt Nam, song lãnh đạo Tổng cục Du lịch Việt Nam lo ngại: “Người dân Trung Quốc cuồng du lịch lắm rồi, mở lại chắc chắn họ sẽ ồ ạt sang Việt Nam, trước hết bằng đường bộ qua các cửa khẩu Móng Cái, Lào Cai. Nếu tết này bùng nổ khách Trung, hạ tầng ngành du lịch nước ta khó mà đảm đương nổi”.

Theo vị này, sau gần 3 năm dịch bệnh, nhiều khu lưu trú, cửa hàng, quán ăn chuyên phục vụ du khách Trung Quốc đã kiệt quệ, thậm chí đóng cửa. Nhân lực phục vụ cũng bỏ việc hoặc chuyển đổi nghề nghiệp. Dù các địa phương đã nhanh chóng triển khai kế hoạch đón “khách ruột” nhưng để trở lại như trước cũng cần thời gian. Tổng cục Du lịch đã gửi văn bản khuyến cáo tới các địa phương, đồng thời thời gian tới sẽ tăng cường công tác quản lý, rà soát, nhắc nhở, chế tài những cơ sở lưu trú hoặc điểm đến có hiện tượng vi phạm, ảnh hưởng đến hình ảnh ngành du lịch Việt Nam khi đón khách Trung Quốc quay trở lại.

Thái Lan, Malaysia đón được lượng khách quốc tế gấp nhiều lần Việt Nam là do họ không bị phụ thuộc vào một số thị trường lớn như Trung Quốc đại lục, Đài Loan đang phục hồi chậm. Thị trường khách của họ đa dạng, nhiều khách châu Âu, châu Mỹ mở cửa là sẵn sàng “lên đường”. Thế nhưng nhìn lại khách Mỹ, châu Âu tìm kiếm du lịch Việt vào top đầu thế giới nhưng họ lại chọn Thái Lan. Các thị trường đó chỉ coi Việt Nam là điểm đến mới và lựa chọn khi đã “chán” Thái Lan. Nguyên nhân là bởi thương hiệu điểm đến của Thái Lan đã đi trước Việt Nam quá nhiều. Hằng năm, ngân sách xúc tiến của du lịch Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/50 của Thái Lan.

“Ngành du lịch đã thể hiện quyết tâm rất lớn nhưng chỉ một ngành thôi là chưa đủ. Du lịch muốn mở visa nhưng còn chờ Bộ Công an, Bộ Ngoại giao; Du lịch muốn đẩy mạnh quảng bá nhưng phân bổ ngân sách ít… Nói vậy để thấy muốn du lịch nhanh chóng phục hồi thì cần sự đồng hành, chung tay của cả Chính phủ và nhiều bộ, ngành, địa phương, DN. DN đang rất kỳ vọng Thủ tướng Chính phủ sẽ nhanh chóng có những quyết sách cụ thể, mạnh mẽ, mở đường cho các bộ, ngành triển khai nhanh những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch”, ông Dũng nêu ý kiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.