Đề nghị các doanh nghiệp tôn trọng chủ quyền Việt Nam
Cụ thể, trả lời câu hỏi đề nghị cung cấp bình luận của Việt Nam trước việc một số nhãn hàng nước ngoài sử dụng bản đồ có đường chín đoạn phi pháp trên website bản tiếng Trung, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết:
“Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông được xác lập phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS)”.
Do đó, mọi hình thức tuyên truyền, quảng bá những nội dung trái với sự thật lịch sử và luật pháp quốc tế đều không có giá trị, không thể thay đổi được thực tế về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đỏa Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cũng như thực tế vấn đề Biển Đông, theo bà Hằng.
Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan ở Biển Đông.
Việt Nam luôn theo dõi sát diễn biến của tàu Trung Quốc ở đá Ba Đầu
Trả lời đề nghị cập nhật hoạt động của tàu Trung Quốc ở khu vực đá Ba Đầu của phóng viên, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, các cơ quan chức năng của Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến trên Biển Đông và bảo vệ, thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển của Việt Nam, phù hợp với các quy định luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
Về việc Việt Nam có đồng quan điểm với Mỹ về giải quyết vấn đề Biển Đông hay không, bà Hằng nhấn mạnh hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.
Việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm UNCLOS 1982 có ý nghĩa quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu trên.
Việt Nam kêu gọi các nước đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông, thiện chí thực hiện luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, nghiêm chỉnh tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), đặc biệt là nghĩa vụ kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, đóng góp vào việc tạo dựng lòng tin, gìn giữ hoà bình, ổn định, thúc đẩy trật tự quốc tế trên biển và an ninh, an toàn tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông.
Liên quan đến thông tin Hải quân Việt Nam đã điều tàu hộ vệ tên lửa 6016 Quang Trung ra diễn tập tại quần đảo Trường Sa, bà Hằng cho biết mình không có thông tin về việc này, đồng thời cũng khẳng định, quân đội Việt Nam luôn duy trì các hoạt động huấn luyện, diễn tập để nâng cao năng lực nhằm mục tiêu sẵn sàng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Việt Nam chưa có quy định riêng về nhập cảnh với người đã tiêm vắc xin Covid-19
Trả lời câu hỏi đề nghị cung cấp thông tin về thủ tục nhập cảnh đối với người đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19, bà Hằng cho biết:
Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định riêng về thủ tục nhập cảnh đối với người đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Trong bối cảnh “hộ chiếu vắc xin” đã bắt đầu được một số nước trên thế giới áp dụng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp, nghiên cứu, đánh giá và đề xuất biện pháp xử lý phù hợp đối với vấn đề này.
Bộ Ngoại giao đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng tìm hiểu, tổng hợp kinh nghiệm thực tiễn của các nước nhằm nghiên cứu, đề xuất chính sách xuất nhập cảnh phù hợp, hướng tới mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh - tế xã hội.
|
Bình luận (0)