Việt Nam lo phụ thuộc hoàn toàn đường nhập khẩu

21/01/2022 10:05 GMT+7

Trong 5 năm gần đây Việt Nam có 9/38 nhà máy đường phải đóng cửa vì không thể cạnh tranh ngay trên sân nhà. Nhiều chuyên gia dự báo ngành đường có nguy cơ phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu.

“Hướng tới phát triển bền vững ngành mía đường Việt Nam” là nội dung cuộc hội thảo được tổ chức sáng ngày 21.1, do Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) và Tổ chức Forest Trends thực hiện.

Theo nghiên cứu “Chuỗi cung ngành mía đường Việt Nam”, nhu cầu tiêu thụ đường của Việt Nam đang tăng trong khi khả năng sản xuất lại giảm. Để bù đắp nhu cầu tiêu thụ, trong những năm qua Việt Nam phải tăng nhập khẩu đường. Dự báo Việt Nam sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào đường nhập khẩu nếu không có chính sách thúc đẩy ngành này phát triển.

Nhiều nhà máy sản xuất đường đã phải đóng cửa vì không thể cạnh tranh

CTV

Các dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) cho rằng tổng lượng đường tiêu thụ của Việt Nam tăng sẽ từ 1,7 triệu tấn đường năm 2021 lên trên 2 triệu tấn vào năm 2029 do dân số tăng.

Nhập khẩu tăng, nhà máy đóng cửa hàng loạt

Trong giai đoạn 2017-2020, bình quân mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu 1,2- 1,8 triệu tấn đường, trong đó nhập khẩu chính ngạch chiếm từ gần 30-90%, phần còn lại (10-70%) là đường nhập lậu, chủ yếu từ Thái Lan thông qua đường bộ từ Campuchia và Lào.

Sau khi Việt Nam chính thức thực hiện cam kết ATIGA từ ngày 1.1.2020, do đã xóa bỏ hạn ngạch và cắt giảm thuế nhập khẩu từ 80 - 85% xuống chỉ còn 5%, nhưng vẫn còn khoảng 206.000 tấn đường nhập lậu qua Campuchia và Lào. Dù chỉ còn lợi thế nhỏ là 5% thuế nhập khẩu và 5% thuế VAT khi tiêu thụ so với đường nhập khẩu chính nhưng đường nhập lậu từ Thái Lan ngày càng tăng chủ yếu do đường xuất khẩu của nước này được trợ giá nên giá thành về đến Việt Nam luôn thấp hơn đường sản xuất trong nước

Việt Nam sẽ rơi vào vị thế như Malaysia và Đài Loan, phụ thuộc hoàn toàn vào đường nhập khẩu.

TS Nguyễn Vinh Quang, đại diện Nhóm nghiên cứu

Ở chiều ngược lại, ngành mía đường Việt Nam đang có xu hướng co giảm. Diện tích trồng mía hiện giảm trên 45% so với niên vụ 2016/17, từ 274.000 hecta xuống còn 151.000 hecta do lợi ích kinh tế mà cây mía mang lại thấp hơn nhiều so với các loại cây trồng khác. Sụt giảm cũng thể hiện trong khâu chế biến, năm 2017 Việt Nam có 38 nhà máy đến nay giảm chỉ còn 29 nhà máy hiện nay. Từ 2017 tới nay sản lượng đường giảm từ 1,24 triệu tấn xuống còn 77.000 tấn, tương đương mức giảm 38%. Ngược lại, lượng đường nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng tăng, năm 2020 tăng gần 340% so với năm 2019.

Để tránh phụ thuộc đường nước ngoài

TS Nguyễn Vinh Quang, đại diện Nhóm nghiên cứu dự báo: “Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng như Malaysia và Đài Loan, phụ thuộc hoàn toàn vào đường nhập khẩu. Nếu Việt Nam cần ngành mía đường tồn tại và phát triển trong tương lai, ngành cần phải có những thay đổi vĩ mô, nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh”.

Cây mía ở Việt Nam khó cạnh tranh với các loại cây trồng khác

CTV

Hướng tới sự phát triển bền vững và tránh phụ thuộc nguồn cung đường từ nước ngoài, nhóm nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh cho ngành mía trong tương lai như: Chính phủ cần ban hành chính sách đặc thù về liên kết chuỗi trong ngành mía. Chính sách này cần đảm bảo các hộ trồng mía được ưu tiên một cách cao nhất, với lợi ích được chia sẻ công bằng giữa các bên tham gia, đảm bảo lợi ích của hộ trồng mía thu được chiếm khoảng 60- 70%, còn lại (30-40%) là của các nhà máy chế biến.

Thứ hai, nâng cao sức cạnh tranh trong khâu sản xuất. Điều này có thể đạt được bằng việc xúc tiến hình thành các liên kết không chỉ giữa các nhà máy đường và các hộ trồng mía mà còn giữa các hộ sản xuất để hình thành các tổ, nhóm, hợp tác xã nhằm liên kết với các nhà máy, cũng như giữa các nhà máy, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng.

Mặt khác, nâng cao sức cạnh tranh trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Cần có các cơ chế hiệu quả nhằm giảm thiểu tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà máy và trong hệ thống thương lái như hiện nay. Nâng cao sức cạnh tranh trong khâu chế biến cũng đòi hỏi việc nâng cao giá trị kinh tế của các sản phẩm phụ của ngành. Bên cạnh đó, khâu tiêu thụ hiện nay đang chiếm tỷ trọng lớn về lợi nhuận thu được trong chuỗi. Cần có những điều chỉnh hiệu quả thông qua chính sách đặc thù về chuỗi cung nhằm cơ cấu lại tỷ trọng chia sẻ lợi ích cho các bên khi tham gia…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.