Việt Nam luôn coi trọng và ủng hộ các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư

28/03/2024 15:44 GMT+7

Ngày 28.3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có cuộc tiếp Đoàn Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt của Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hoan nghênh ngài Masayoshi Fujimoto và ngài Masayuki Hyodo, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt của Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) cùng với Lãnh đạo các Tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản là thành viên của KEIDANREN sang Việt Nam tham dự cuộc họp cấp cao khởi động Giai đoạn 1 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới.

Việt Nam luôn coi trọng và ủng hộ các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt Masayoshi Fujimoto

PHẠM THẮNG

Chủ tịch KEIDANREN Masayoshi Fujimoto cũng ghi nhận Việt Nam có sự phát triển kinh tế đáng kể trong suốt thời gian qua, đánh giá cao các mục tiêu phát triển gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa. 

Khẳng định, KEIDANREN coi Việt Nam là đối tác quan trọng. Hàng năm KEIDANREN có cuộc diện kiến các lãnh đạo của Việt Nam, làm việc với các cơ quan của Việt Nam. Gần đây đã có những doanh nghiệp của Việt Nam đầu tư tại Nhật Bản và cùng tham gia KEIDANREN. Trên cơ sở những kết quả đã có, thời gian tới, KEIDANREN mong muốn tiếp tục có những hoạt động giao lưu hợp tác kinh tế mật thiết với Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định Việt Nam luôn coi trọng và ủng hộ các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư cũng như tham gia kiến nghị chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam. 

Việt Nam luôn coi trọng và ủng hộ các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư- Ảnh 2.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó chủ tịch Hội đồng thành viên KEIDANREN, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Nhật - Việt Masayuki Hyodo

PHẠM THẮNG

Quốc hội luôn lắng nghe và mong muốn có nhiều ý kiến đóng góp hơn nữa của KEIDANREN với phương châm "không có ý kiến nào của doanh nghiệp mà không được lắng nghe, không có ý kiến nào là không được nghiên cứu tiếp thu hoặc giải trình cụ thể".

Trao đổi về các 5 nhóm chương trình trọng điểm trong khuôn khổ Giai đoạn 1 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới gồm: thúc đẩy Cộng đồng phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC), chuyển đổi xanh (AZEC/GX); thúc đẩy Đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (DX); tăng cường chuỗi cung ứng, bao gồm phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; cải cách cơ chế để hoàn thiện môi trường đầu tư, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây đều là những lĩnh vực quan trọng. 

Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị KEIDANREN phối hợp với Bộ KH-ĐT và các cơ quan hữu quan của Việt Nam để có kế hoạch triển khai cụ thể, thực chất, phối hợp giữa các bên đi đúng hướng ngay từ đầu để có hiệu quả cao nhất. 

Theo đó, hai bên cần làm rõ hơn cơ chế hợp tác, tính chất hoạt động, nguồn lực tham gia, trách nhiệm của mỗi bên, cơ chế điều phối, tổng kết đánh giá từng giai đoạn; lưu ý cần rút kinh nghiệm từ những thành công và cả không thành công trong việc thực hiện các chương trình hợp tác của giai đoạn trước.

Tại cuộc tiếp, đại diện một số doanh nghiệp của Nhật Bản mong muốn mở rộng kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam, đề cập đến hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao, bày tỏ mong muốn thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện.

Việt Nam luôn coi trọng và ủng hộ các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư- Ảnh 3.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng Đoàn KEIDANREN

PHẠM THẮNG

Cùng với cuộc tổng rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật năm 2023, Chủ tịch Quốc hội cho biết, năm 2024 sẽ thực hiện tổng rà soát về thủ tục hành chính, trong đó có lĩnh vực đầu tư kinh doanh. Từ đó góp phần tiếp tục đẩy mạnh cải cách, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, không để "đẻ ra giấy phép con" cũng như thêm thủ tục gây phiền hà đối với doanh nghiệp, người dân. Quốc hội sẽ thực hiện giám sát công tác này.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Sáng kiến Cộng đồng phát thải bằng 0 châu Á của Chính phủ Nhật Bản; đồng thời chia sẻ, AZEC cân bằng hơn mục tiêu an ninh năng lượng và chuyển đổi năng lượng.

Chủ tịch Quốc hội mong Ủy ban Kinh tế Việt - Nhật cũng như KEIDANREN triển khai các hoạt động quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư, tiềm năng, cơ hội hợp tác đầu tư của Việt Nam đến các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, phù hợp với 5 nhóm nội dung chính trong giai đoạn 1 Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản trong kỷ nguyên mới.






Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.