Việt Nam - Mỹ thiện chí trong đàm phán Tuyên bố chung

14/09/2023 18:35 GMT+7

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định, quá trình đàm phán và đi đến thống nhất được Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Mỹ đã diễn ra rất sôi nổi, hào hứng và cũng có phần kịch tính nhưng thể hiện thiện chí của hai bên.

Nỗ lực vượt bậc và chưa có tiền lệ

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc khẳng định, chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden diễn ra đúng như dự định và là một thành công lớn.

Thiện chí của Việt Nam-Mỹ trong đàm phán Tuyên bố chung - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc

PV

"Ban đầu Tổng thống Joe Biden mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ, nhưng do điều kiện chưa cho phép nên Tổng Bí thư chưa thực hiện được và đã gửi thư mời Tổng thống Mỹ thăm Việt Nam", ông Ngọc chia sẻ.

Theo ông Ngọc, để thực hiện được chuyến thăm Việt Nam, phía Mỹ đã có những nỗ lực vượt bậc, có thể nói là chưa có tiền lệ. Phía Mỹ đã thay đổi cả chương trình hoạt động đối ngoại của Tổng thống và Phó tổng thống. Cụ thể, Tổng thống Joe Biden đã giao cho Phó tổng thống Kamala Harris dự Hội nghị cấp cao Đông Á, bản thân ông Joe Biden cũng cắt ngắn hoạt động tại Hội nghị G20 ở Ấn Độ để thực hiện chuyến thăm Việt Nam.

Một điểm nữa được ông Ngọc chia sẻ, đó là thời gian chuyến thăm ngắn và Tổng thống Joe Biden phải cố gắng về Mỹ để dự tưởng niệm sự kiện 11.9.

Thiện chí của Việt Nam-Mỹ trong đàm phán Tuyên bố chung - Ảnh 2.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Mỹ Joe Biden chiều 10.9

TTXVN

Tổng thống Joe Biden đã có các cuộc gặp với tất cả 4 lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam, lần đầu tiên có một Tổng thống Mỹ đến tòa Nhà Quốc hội, hội kiến với Chủ tịch Quốc hội và cùng chứng kiến lễ trao kỷ vật chiến tranh của các cựu binh hai nước. 

Theo ông Ngọc, điều đó thể hiện sự tôn trọng của Mỹ với thể chế chính trị, các nhà lãnh đạo của Việt Nam, không chỉ có trong văn bản của Tuyên bố chung mà còn trên thực tế. Đó cũng là một cơ hội rất tốt để Tổng thống Joe Biden gặp tất cả các nhà lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam để xây dựng và tăng cường các mối quan hệ.

Tổng thống Joe Biden và các thành viên trong đoàn rất ấn tượng, rất xúc động và cũng rất hài lòng về kết quả chuyến thăm, cũng nhiều lần trân trọng bày tỏ sự biết ơn đối với Tổng Bí thư, lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đã dành cho đoàn sự đón tiếp trọng thị, chu đáo, thân tình và rất mến khách.

Sôi nổi, hào hứng, thiện chí trong đàm phán Tuyên bố chung

Hai bên đã ra được Tuyên bố chung, đây là một văn kiện rất quan trọng, một cột mốc đánh dấu việc nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện. Trong Tuyên bố chung đề cập 10 trụ cột hợp tác, bao trùm tất cả các lĩnh vực trong quan hệ Việt Nam - Mỹ.

Thiện chí của Việt Nam-Mỹ trong đàm phán Tuyên bố chung - Ảnh 3.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo kết quả hội đàm với báo chí

PV

"Điều đó cho thấy sự hợp tác giữa hai nước không chỉ được mở rộng mà còn phát triển về chiều sâu và thực chất hơn. Điều cũng rất quan trọng ở đây là Tuyên bố chung đã khẳng định được những nguyên tắc quan trọng trong quan hệ hai nước, đó là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tôn trọng thể chế chính trị của nhau", Thứ tưởng Hà Kim Ngọc cho biết.

Về quá trình hai nước tiến tới Tuyên bố chung, ông Ngọc cho biết, đây là một văn kiện rất quan trọng vì đánh dấu việc mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ hai nước.

"Tổng thống Joe Biden đã chia sẻ với tôi khi chia tay tại sân bay rằng Tuyên bố chung đã mở ra một kỷ nguyên mới trong hợp tác hai nước. Chính vì vậy, quá trình đàm phán, trao đổi về Tuyên bố chung diễn ra rất sôi nổi, hào hứng và cũng có phần kịch tính. Đó chính là quá trình mà hai bên rà soát lại 10 năm quan hệ đối tác toàn diện, khẳng định lại những nguyên tắc trong quan hệ và quan trọng hơn là định ra những phương hướng lớn hợp tác trong 10 năm tới và lâu hơn nữa", ông Ngọc chia sẻ.

Nhìn lại quá trình đàm phán và đi đến thống nhất được Tuyên bố chung, điều toát lên là thiện chí của hai bên.

"Cả phía ta và Mỹ đều thể hiện một tinh thần rất cầu thị, lắng nghe, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, cố gắng làm sao để phát huy được tối đa những lĩnh vực mà hai bên có cùng lợi ích, cũng có chung một ý chí là hướng tới để làm sao phục vụ cho hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững của khu vực và thế giới", Thứ trưởng Ngọc khẳng định.

Một số ưu tiên quan trọng

Tuyên bố chung gồm 8 trang, ngôn ngữ rất gọn gàng, chặt chẽ nhưng Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho rằng, văn kiện này hết sức có ý nghĩa và quan trọng cho hợp tác hai nước trong thời gian tới.

Thiện chí của Việt Nam-Mỹ trong đàm phán Tuyên bố chung - Ảnh 4.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden

ĐẬU TIẾN ĐẠT

"Từ tuyên bố chung, sắp tới làm sao chúng ta có thể huy động được các nỗ lực cao nhất của cả hệ thống chính trị, của mỗi bên, từ các cơ quan chính quyền, Quốc hội, tổ chức, doanh nghiệp, địa phương và người dân. Chúng ta phải làm sao tận dụng được những cơ chế, khuôn khổ sẵn có và những cơ chế, khuôn khổ sẽ được thiết lập để triển khai những thỏa thuận này", ông Ngọc khẳng định

Về những lĩnh vực ưu tiên, Thứ trưởng Ngọc cho rằng, nếu nhìn vào chương trình hoạt động của Tổng thống Joe Biden và các nội dung trong Tuyên bố chung thì có thể thấy một số ưu tiên.

Thứ nhất, việc trao đổi đoàn cấp cao, chuyến thăm lẫn nhau, các cuộc tiếp xúc bên lề các hội nghị khu vực và quốc tế, phát huy tối đa quan hệ trên các kênh đảng, nhà nước, nghị viện đến giao lưu nhân dân, giữa các địa phương. Đây là điều kiện rất quan trọng để tạo ra một môi trường chính trị thuận lợi, tạo động lực cho việc thúc đẩy quan hệ hợp tác nói chung.

Thứ hai, kinh tế, thương mại, đầu tư tiếp tục chiếm ưu tiên cao, trong đó đổi mới sáng tạo, khoa học - công nghệ là khâu đột phá và hợp tác về phát triển hạ tầng cơ sở đào tạo, nguồn nhân lực là những lĩnh vực ưu tiên cao. 

Ngoài ra, còn nhiều lĩnh vực quan trọng khác tiếp tục được coi trọng như: hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, đào tạo, giáo dục, giao lưu nhân dân, hợp tác để xử lý những vấn đề có tính toàn cầu như tham gia các lực lượng gìn giữ hòa bình, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh y tế, an ninh nguồn nước, chống khủng bố…

Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mang lại những lợi ích lâu dài

Việc xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ mang lại những lợi ích lâu dài và trước mắt cho cả hai bên. Theo Thứ trưởng Hà Kim Ngọc, nói một cách khái quát nhất, Việt Nam có cơ hội và điều kiện thuận lợi để đưa quan hệ với Mỹ, một đối tác có tầm quan trọng chiến lược đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất hơn, phục vụ thiết thực cho mục tiêu phát triển, duy trì môi trường quốc tế hòa bình, ổn định và nâng cao vị thế, uy tín đất nước đúng với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Thiện chí của Việt Nam-Mỹ trong đàm phán Tuyên bố chung - Ảnh 5.

Tổng thống Joe Biden cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị cấp cao Việt Nam - Mỹ về đầu tư và đổi mới sáng tạo

PV

Đối với phía Mỹ, đây cũng là điều kiện rất thuận để tăng cường quan hệ với Việt Nam - một đối tác ngày càng quan trọng khu vực và thông qua đó tăng cường quan hệ với ASEAN, với các nước Đông Nam Á, tận dụng những cơ hội mới để phát huy vai trò và vị thế của Mỹ ở khu vực.

"Khuôn khổ quan hệ mới sẽ giúp cho việc tiếp tục tăng cường hiểu biết lẫn nhau, xây dựng, củng cố lòng tin. Đây là nền tảng rất quan trọng cho quan hệ giữa hai quốc gia trong nhiều năm tới và giúp cho việc tạo đồng thuận ở mỗi nước, huy động sự quan tâm, nguồn lực để triển khai các chương trình, các thỏa thuận đã đạt được giữa hai nước", ông Ngọc khẳng định.

Riêng với Mỹ, khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện sẽ củng cố sự đồng thuận giữa hai đảng ở Mỹ trong quan hệ với Việt Nam. Chính sách của Mỹ với Việt Nam sẽ trở nên ổn định và bền vững.

Ý nghĩa vượt ra khỏi khuôn khổ song phương

Việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Thứ trưởng Hà Kim Ngọc cho biết, điều này mang một ý nghĩa vượt ra khỏi khuôn khổ song phương.

Thiện chí của Việt Nam-Mỹ trong đàm phán Tuyên bố chung - Ảnh 6.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Tổng thống Mỹ Joe Biden chứng kiến lãnh đạo Hội Cựu chiến binh, Bộ Quốc phòng Việt Nam trao tặng kỷ vật chiến tranh cho phía Bộ Quốc phòng Mỹ - hành động có tính biểu tượng và nhân văn sâu sắc

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Thứ nhất, đây là một cột mốc rất quan trọng trong tổng thể triển khai đối ngoại của Việt Nam, lần đầu tiên chúng ta có được quan hệ cấp độ đối tác chiến lược với cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc là Trung Quốc, Nga, Mỹ, Anh, Pháp.

Điều đó giúp Việt Nam phát triển quan hệ ổn định và lâu dài với những nước có vai trò rất quan trọng trên thế giới, tạo cho chúng ta một thế trận đối ngoại vững chắc trong thời gian tới.

Thứ hai, trong năm 2023 và những năm gần đây, cùng với việc phát triển quan hệ với Mỹ, chúng ta đã triển khai rất đồng đều tăng cường quan hệ hợp tác với các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước lớn, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, cụ thể là với Trung Quốc, Lào, Campuchia, Cuba, Nga, Ấn Độ…

Những bước triển khai rất bài bản đã tạo ra được một thế trận đối ngoại nói chung giúp chúng ta rộng mở hơn, linh hoạt hơn và có dư địa để phát triển quan hệ với tất cả các đối tác. "Tôi nghĩ đây là một bước đánh dấu sự trưởng thành của đối ngoại Việt Nam", Thứ trưởng Ngọc nhấn mạnh.

Một điểm nữa trong triển khai đối ngoại, đặc biệt là nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, khẳng định mạnh mẽ tính đúng đắn và là kết quả rất quan trọng, nổi bật của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, hòa bình, hữu nghị của Đảng và Nhà nước ta và chính sách quốc phòng "4 không".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.