Việt Nam-Mỹ xúc tiến hợp tác về chất bán dẫn, đất hiếm

25/01/2024 13:32 GMT+7

Tại cuộc gặp cộng đồng doanh nghiệp Mỹ ở TP.HCM, ông Jose W. Fernandez, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách về Tăng trưởng kinh tế, Năng lượng và Môi trường, khẳng định hai nước đang xây dựng kiến trúc thương mại then chốt đối với an ninh và kinh tế của khu vực.

Việt Nam-Mỹ xúc tiến hợp tác về chất bán dẫn, đất hiếm- Ảnh 1.

Ông Jose W. Fernandez, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách về Tăng trưởng kinh tế, Năng lượng và Môi trường

THỤY MIÊN

Tại sự kiện do Phòng Thương mại Mỹ tổ chức hôm 24.1, Thứ trưởng Jose W. Fernandez nhấn mạnh tầm quan trọng của các biên bản ghi nhớ được Việt Nam-Mỹ ký kết gần đây trong lĩnh vực chất bán dẫn và gầy dựng đội ngũ nhân lực cho ngành công nghiệp này ở Việt Nam. Mục tiêu là nhằm đẩy mạnh sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó góp phần tăng cường an ninh và thịnh vượng cho khu vực. Bên cạnh đó, đất hiếm cũng là trọng tâm nghị trình làm việc lần này của Thứ trưởng Mỹ.

Việt Nam có thế mạnh về chất bán dẫn

"Chất bán dẫn là lý do chính để tôi đến Việt Nam, đặc biệt liên quan đến chuỗi cung ứng chất bán dẫn. Chúng tôi tự hào được hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn vốn đóng vai trò then chốt hiện nay", Thứ trưởng Mỹ cho biết.

Ông đưa ra con số ấn tượng khi cho rằng cần khoảng 125 chất bán dẫn cho mỗi công dân địa cầu, với tổng dân số hiện vượt hơn 8 tỉ người, phản ánh nhu cầu khổng lồ đối với lĩnh vực công nghệ bán dẫn.

Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thông qua Đạo luật chip và khoa học (CHIPS Act), trong đó sẽ đầu tư hơn 50 tỉ USD hỗ trợ đưa các nhà máy sản xuất chip vào thị trường này. Để hiện thực hóa cam kết, chính quyền Washington thành lập Quỹ An ninh công nghệ quốc tế và đổi mới (ITSI), và Bộ Ngoại giao Mỹ nhận được 500 triệu USD để xây dựng mạng lưới đối tác đáng tin cậy trong lĩnh vực chất bán dẫn trong thời gian 5 năm.

Thứ trưởng Fernandez cho biết một phần nguồn tài trợ ITSI đang đến Việt Nam, nhờ vào thế mạnh của Việt Nam trong khâu lấy mẫu, thử nghiệm và đóng gói chất bán dẫn. Ông tin tưởng Quỹ ITSI sẽ phát huy thế mạnh hiện có của Việt Nam thông qua việc tìm ra những cơ hội thu hút đầu tư mới và mở rộng nguồn nhân lực.

Thứ trưởng Mỹ lưu ý rằng hạn chế lớn nhất của một số nước trên thế giới hiện nay không phải là nguồn vốn, mà là lực lượng lao động. Nói một cách đơn giản, họ không tìm được lao động cho ngành này. Vì thế, thông qua Quỹ ITSI, Mỹ và Việt Nam sẽ hợp tác mở rộng nguồn nhân lực trong ngành bán dẫn ở cả hai nước.

Cơ hội về đất hiếm

Bên cạnh chất bán dẫn, chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ còn tập trung xây dựng nỗ lực hợp tác đầy tiềm năng trong lĩnh vực đất hiếm.

Nhóm nguyên tố đất hiếm, gồm 17 loại có từ tính và tính điện hóa đặc biệt, hiện đóng vai trò then chốt trong nỗ lực chuyển đổi năng lượng theo hướng carbon thấp trên toàn cầu. Điều này do đây là nhóm vật liệu được sử dụng rộng rãi cho mục đích tồn trữ năng lượng và nam châm vĩnh cửu, cũng như các ứng dụng công nghệ quốc phòng.

Nhu cầu đất hiếm dự kiến tiếp tục tăng mạnh từ đây đến năm 2030, khi các nguyên tố neodymium, dysprosium và praseodymium là nguyên liệu sản xuất nam châm vĩnh cửu cho động cơ ô tô điện lẫn ô tô lai và tua bin điện gió. Các lĩnh vực điện tử tiêu dùng, quang học và laser cũng tạo nên lực đẩy mạnh mẽ cho sự tiêu thụ đất hiếm.

Theo số liệu của cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), Việt Nam hiện đứng thứ hai trong danh sách trữ lượng và tài nguyên đất hiếm của thế giới với khoảng 22 triệu tấn, chỉ sau Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Việt Nam hiện là quốc gia duy nhất ngoài Trung Quốc có chuỗi cung ứng nam châm đất hiếm tích hợp theo chiều dọc và đã thu hút sự quan tâm từ các công ty trong nhiều lĩnh vực.

Thứ trưởng Fernandez cho biết, để hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thế giới cần nguồn cung đất hiếm ổn định. Và Mỹ đang hướng tới hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này, theo hướng khai thác an toàn cho môi trường và đa dạng hóa chuỗi cung ứng đất hiếm.

Ông Fernandez cũng khẳng định Việt Nam và Mỹ đang có quan hệ đặc biệt, và cần tận dụng cơ hội hiện có để phát triển theo hướng bền vững và an ninh. "Sự tập trung vào Việt Nam sẽ không kéo dài vĩnh viễn. Có những nước khác đang sẵn sàng tạo dựng cơ hội mà chúng ta đang có", ông nhắc nhở, thêm rằng đây là động lực chính cho chuyến làm việc của ông đến Việt Nam vào thời điểm hiện tại.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ công du châu Á

Ông Jose W. Fernandez, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách về Tăng trưởng kinh tế, Năng lượng và Môi trường Jose W. Fernandez đang thăm Việt Nam trong chuyến công du châu Á từ ngày 22.1 đến 1.2. Trong thời gian ở Việt Nam, Thứ trưởng Fernandez tập trung vào các chủ đề xúc tiến thương mại, thúc đẩy năng lượng sạch, hợp tác về chất bán dẫn và chuỗi cung ứng, tăng cường hợp tác kinh tế sau khi hai nước nâng cấp lên Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Thứ trưởng Fernandez cũng là Phó Thống đốc của Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng châu Âu về Tái thiết và Phát triển, và Ngân hàng Phát triển liên Mỹ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.