Việt Nam nằm trong tốp 20 nền kinh tế tốt nhất thế giới

05/11/2019 16:51 GMT+7

TS Võ Trí Thành - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương dẫn Báo cáo của U.S News & World thông tin như trên.

Hôm nay (5.11), Hội nghị đầu tư 2019 do tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức tại TP.HCM với chủ đề “Kinh tế Việt Nam 2020 - 2030: Suy thoái hay hưng thịnh?”. Theo công bố của U.S News & World Report, Việt Nam từ hạng 23 năm 2018 đã lên hạng thứ 8 năm 2019 trong tốp 20 nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư. Đặc biệt, riêng tại châu Á, Việt Nam xếp thứ 4 chỉ sau Ả Rập Xê Út, Ấn Độ và Qatar. Mặc dù đánh giá Việt Nam là thị trường đầu tư hấp dẫn trong khu vực và kể cả thế giới, tuy nhiên, trước sự giảm tốc của nền kinh tế thế giới, ông Võ Trí Thành dự báo nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ gặp khó trong những năm tới.
“Mục tiêu của Việt Nam trong 10 năm tới sẽ tăng trưởng kinh tế đến năm 2030 tối thiểu trung bình 7,5%. Hiện Việt Nam nằm trong tốp các nền kinh tế tốt của thế giới do chúng ta có vị trí địa chính trị, địa kinh tế quan trọng trong một khu vực năng động và gắn kết chuỗi giá trị toàn cầu. Hai là dân số trẻ, chi phí lao động tương đối cạnh tranh, thị trường nội địa mở rộng cùng tầng lớp trung lưu”, TS Võ Trí Thành nói và nhấn mạnh, chiến lược đầu tư Trung Quốc + 1, chuyển hướng đầu tư cộng với tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và những cam kết tiếp tục cải cách là những yếu tố thuận lợi giúp Việt Nam ngày càng hấp dẫn với giới đầu tư… 
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều điểm bất lợi về tính nhất quán, tính dự báo về chính sách, điểm nghẽn về nguồn nhân lực chất lượng cao. "Mức hấp dẫn của kinh tế Việt Nam không chỉ là thị trường 100 triệu dân mà là một cái “hub” đầu tư kinh doanh. “Chơi” với Việt Nam cũng dễ dàng như “chơi” với thế giới bởi tính đến nay, Việt Nam có tới 17 hiệp định thương mại tự do đã và đang ký kết, đa phương, song phương…" - ông Thành nói. 

Việt Nam có thể bị lạm dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba - ông Thành khuyến cáo

N.N

Theo ông Thành, trong vài năm tới, Việt Nam được dự báo sẽ trở thành thị trường hấp dẫn thu hút đầu tư ở nhiều lĩnh vực tiềm năng như: bán lẻ, du lịch, logistics, kinh tế xanh, fintech… Tất nhiên, những ngành truyền thống như dệt may, da giày, điện tử vẫn không thể thiếu trong lợi thế của Việt Nam vào những năm tới.
Dự báo năm 2020, tăng trưởng kinh tế lên con số 7% ông Thành đánh giá là rất khó do tình hình kinh tế thế giới nói chung vẫn giảm tốc. Cái cần lưu ý là nguy cơ Việt Nam bị lợi dụng lẩn tránh xuất xứ ngày một gia tăng. Ông nói: “10 tháng qua, tăng trưởng xuất khẩu vào Mỹ trên dưới 25% thì nhập khẩu từ Trung Quốc cũng tăng trên dưới 20%. Trong khi đó, xuất khẩu sang các thị trường tỉ đô và Liên minh châu Âu (EU) đều âm. Đây là lý do bên cạnh các yếu tố tích cực như đơn đặt hàng mới tăng, chuyển hướng thương mại, đầu tư gắn với xuất khẩu… Việt Nam bắt buộc phải làm mạnh câu chuyện gian lận xuất xứ. Việt Nam có thể bị lạm dụng làm điểm trung chuyển để xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba" -  ông Thành khuyến cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.