Việt Nam nên ưu tiên ổn định thị trường tài chính thay vì theo đuổi tăng trưởng

03/05/2018 14:05 GMT+7

Việt Nam sẽ là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn nhất từ chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ thời gian tới.

“Trong bối cảnh rủi ro thắt chặt điều kiện tài chính toàn cầu và bảo hộ thương mại, các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cần ưu tiên ổn định thị trường tài chính, thay vì theo đuổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới”.
TS Hoe Ee Khor, chuyên gia kinh tế trưởng Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO) khuyến nghị trong buổi báo cáo Triển vọng kinh tế khu vực ASEAN +3 (AREO) sáng 3.5 tại Manila, Philippines.
Đây là một hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị thường niên của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đang diễn ra tại Philippines.
Cũng theo TS Hoe, với cầu bên ngoài cải thiện, tăng trưởng của khu vực dự báo sẽ duy trì ở mức 5,4% vào năm 2018 và 5,2% vào năm 2019.
Mặc dù cầu nội địa ổn định và xuất khẩu tiếp tục tăng, khu vực ASEAN +3 hiện đối mặt với 2 rủi ro ngắn hạn là điều kiện tài chính toàn cầu có thể bị thắt chặt nhanh hơn dự báo, do chính sách tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) và leo thang căng thẳng thương mại toàn cầu.
Tác động bất lợi của các rủi ro này lên các nền kinh tế trong khu vực có thể dưới dạng các luồng vốn bị rút khỏi khu vực, chi phí vay vốn tăng lên và hoạt động đầu tư, thương mại trong khu vực suy giảm.
Theo AMRO, mối lo ngại lạm phát quay trở lại ở Mỹ và việc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) rút khỏi gói kích cầu có thể gây ra việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự báo.
Mặc dù có hiện tượng bán tháo cổ phiếu vào đầu tháng 2 vừa qua, nhưng các thị trường mới nổi thuộc ASEAN +3 vẫn tiếp tục nhận được dòng vốn ròng đổ vào thị trường trái phiếu. Trong 5 năm qua, thị trường trái phiếu khu vực vẫn nhận được các nguồn vốn lớn, do đó, cần theo dõi chặt chẽ rủi ro và tác động của việc rút vốn khỏi khu vực xuất phát từ các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt, hay những cú sốc tâm lý.
Với những nền kinh tế đang trong giai đoạn chu kỳ kinh tế mở rộng (như Việt Nam, Hong Kong), các nhà hoạch định chính sách không cần áp dụng các gói kích thích tài chính hoặc tiền tệ bổ sung, cần ưu tiên ổn định thị trường tài chính trong thời gian tới hơn là mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Việc thắt chặt chính sách an toàn vĩ mô đối với các khu vực tiềm ẩn rủi ro lớn như thị trường bất động sản có thể giúp bảo toàn ổn định thị trường tài chính.
Các chuyên gia của AMRO cũng cho rằng, chính sách “sản xuất nhằm xuất khẩu” mà các nước ASEAN theo đuổi thời gian qua đang đối mặt với những thách thức mới đặt ra bởi những thay đổi hệ thống trong chuỗi giá trị toàn cầu, cho phép các nước sản xuất nguyên liệu đầu vào ngay tại thị trường sở tại, thay vì phải nhập khẩu các nguyên liệu này.
Do đó, tăng cường cầu nội khối có thể giúp khu vực hấp thụ xuất khẩu trong khu vực tốt hơn và tăng cường khả năng chống đỡ của cả khu vực trước cú sốc bảo hộ thương mại.
Mặc dù những ảnh hưởng của việc thắt chặt thương mại của Mỹ chưa hiển hiện rõ ràng, nhưng với việc Mỹ tiếp tục gia tăng thâm hụt thương mại ở mức 4% GDP, mức cao nhất trong vài năm trở lại đây, chính quyền Mỹ có thể sẽ tiếp tục các biện pháp phòng vệ, đặc biệt với các nước xuất khẩu chính vào thị trường này như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 5 trong các nước Mỹ thâm hụt thương mại nhiều nhất, sau Trung Quốc, Mexico, Nhật Bản và Đức, do đó, Việt Nam có thể là một trong những “đối tượng” chính của chính sách phòng vệ thương mại từ nước này.
Tuy nhiên, CPTPP được hi vọng sẽ bù đắp phần nào những tác động tiêu cực từ chính sách thương mại của Mỹ, với việc các rào cản thương mại giữa 11 nước thành viên còn lại sẽ được hạ xuống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.