Việt Nam người bạn đích thực

14/10/2020 18:36 GMT+7

Không chỉ kiên cường trong phòng chống dịch bệnh, Việt Nam còn thể hiện tinh thần tương thân, tương ái trong việc chia sẻ, hỗ trợ nhiều nước trên thế giới trang thiết bị y tế, khẩu trang, đồ bảo hộ phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Những lời cảm ơn từ thế giới

Ngày 7.4, Ngoại trưởng Ý Luigi Di Maio đã gửi thư cảm ơn Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã hỗ trợ nước này trong cuộc chiến chống Covid-19. Lá thư gửi Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Ngoại trưởng Luigi Di Maio viết: “Tôi muốn bày tỏ lòng cảm ơn chân thành vì sự ủng hộ của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống lại sự lây lan của dịch Covid-19 ở Ý. Trong thời điểm nhiều thách thức này, tinh thần đoàn kết rộng mở đã được thể hiện ở nhiều cấp độ bởi Chính phủ và các tổ chức xã hội là minh chứng cho mối quan hệ sâu sắc giữa hai nước chúng ta. Chính phủ Ý đang dồn mọi nỗ lực để ngăn chặn sự lây lan của SARS-CoV-2, chăm lo đến những người bị ảnh hưởng và giải quyết những hậu quả nghiêm trọng bắt nguồn từ dịch bệnh mang tính toàn cầu này. Sự hỗ trợ của các bạn chắc chắn sẽ đóng góp vào thành công trong hành động của chúng tôi và sẽ giúp đỡ chúng tôi trong quá trình hồi phục sau dịch bệnh. Người dân Ý sẽ luôn ghi nhớ sự nghĩa hiệp và tinh thần đoàn kết mà Việt Nam đã thể hiện trong lúc cần thiết. Cùng đoàn kết, chúng ta sát cánh bên nhau. Cùng đoàn kết, chúng ta sẽ thành công”.
Trước đó, ngày 3.4, lô hàng gồm 88.000 khẩu trang và các vật dụng y tế được quyên góp bởi các cơ quan nhà nước, các hiệp hội, doanh nghiệp và các cá nhân tại Việt Nam đã lên đường đến Ý. Tại lễ tiếp nhận, Đại sứ Ý tại Việt Nam Antonio Alessandro chia sẻ những người Việt Nam luôn nhớ tới ông Carlo Urbani - chuyên gia dịch tễ Ý làm việc cho Tổ chức Y tế thế giới, đã hy sinh vào năm 2003 trong sự nghiệp chống lây nhiễm SARS tại Việt Nam. Bởi vậy, đây chính là món quà thể hiện tinh thần đoàn kết tới Ý, đồng thời là hành động hỗ trợ cụ thể trong thời khắc khó khăn này, cũng như minh chứng rõ rệt nhất cho tình hữu nghị giữa hai quốc gia.
Vài ngày sau đó, tài khoản Twitter của Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Ý hôm 17.4 đã đăng dòng trạng thái trên, khi máy bay chở hơn 3 tấn vật tư y tế của Chính phủ và nhân dân Việt Nam trao tặng Ý hạ cánh tại sân bay Malpensa (Milan). Đây là một phần của số hàng 550.000 khẩu trang Việt Nam dành tặng Ý, Pháp, Đức, Anh và Tây Ban Nha, những nước giàu có nhất châu Âu, nhưng đang phải đối mặt với thiếu hụt vật tư y tế vì dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Đại sứ quán Đức tại Việt Nam cũng đăng lời cảm ơn trên Twitter khi nhận được món quà 110.000 khẩu trang kháng khuẩn từ Việt Nam, gọi Việt Nam là “true friend” (người bạn đích thực) - “A friend in need is a friend indeed” - người xuất hiện khi ta cần chắc chắn là người bạn tốt.
Viết trên Twitter sáng 9.4 (giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay chuyến bay chở 450.000 bộ trang phục bảo hộ giúp phòng chống Covid-19 vừa hạ cánh tại Dallas (bang Texas) sau khi được đưa đến từ Việt Nam. “Điều này có được là nhờ các đối tác là 2 công ty lớn của Mỹ - DuPont và FedEx - và những người bạn ở Việt Nam. Cảm ơn các bạn!”, ông viết. Trước đó, chuyến hàng thứ nhất trong số hai lô hàng đầu tiên với hơn 450.000 bộ quần áo bảo hộ DuPont được sản xuất tại Việt Nam đã rời Hà Nội vào ngày 7.4.
Trong cuộc điện đàm nhân dịp Quốc khánh Liên bang Nga 12.6, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và mời ông thăm chính thức Việt Nam. Tổng thống Nga Putin đã vui vẻ nhận lời. Tổng thống Putin đánh giá cao việc Việt Nam đã kiểm soát thành công dịch Covid-19, cảm ơn Việt Nam đã chia sẻ, hỗ trợ thiết thực Liên bang Nga trong cuộc chiến này. Trên tinh thần đó, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác phòng chống dịch Covid-19, cũng như khẳng định tiếp tục quan tâm, hỗ trợ kịp thời công dân hai nước.
Việt Nam người bạn đích thực1
Thực ra ngay từ đầu tháng 2 khi Trung Quốc mới có dịch, Chính phủ đã sớm giao Bộ Ngoại giao cùng Bộ Công thương chuẩn bị mua sắm các trang thiết bị vật tư y tế thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống dịch để gửi nước này. Ngày 9.2, lô hàng vật tư, trang thiết bị y tế gồm máy thở, quần áo sát khuẩn, găng tay và khẩu trang y tế với tổng trị giá 500.000 USD đã được Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng trao cho ông Hùng Ba, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam còn gửi tặng khẩu trang và thiết bị y tế cho các nước Lào, Campuchia, Nhật Bản, Mỹ, Nga... Với Cuba, đáp lại việc nước bạn đã hỗ trợ chúng ta một số thuốc để điều trị bệnh Covid-19, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã gửi tặng bạn 5.000 tấn gạo.

Hành trình kỳ diệu cho đến kỳ tích y khoa của Việt Nam

Sáng 12.7, một chuyến bay từ Việt Nam, mang theo phi công người Anh được phát hiện nhiễm bệnh Covid-19 và được chữa trị thành công tại Việt Nam, đã đáp xuống sân bay Anh. Một tuần trước đó, Hãng thông tấn Reuters (trụ sở chính tại Anh) đã nhanh chóng thông tin: Phi công Anh mắc Covid-19 ở Việt Nam có thể được xuất viện sớm.
Việt Nam người bạn đích thực2

Chính phủ Việt Nam trao vật tư y tế cho các nước châu Phi trị giá khoảng 250.000 USD

ẢNH: VIẾT CHUNG

Reuters phân tích trường hợp của phi công này đã thu hút sự chú ý của cả đất nước Việt Nam - nơi sự kết hợp giữa xét nghiệm có mục tiêu và cách ly kiểm dịch tích cực đã kiểm soát số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở mức thấp ấn tượng và không có trường hợp tử vong. Với phần lớn bệnh nhân Covid-19 ở Việt Nam đã hồi phục, tin tức về trường hợp có nguy cơ trở thành ca tử vong đầu tiên đã thúc đẩy sự hỗ trợ quốc gia, trong đó hàng chục người đã đề nghị được hiến phổi.
Nhiều tờ báo Anh khác như Daily Mail, Scottish Daily Mail, Mothewell Times… cũng cập nhật tin tức về bệnh nhân đặc biệt này. Cuối tháng 5, khi bệnh nhân người Anh còn nguy kịch, tờ Scottish Daily Mail đã có bài báo lớn với nhan đề: “Các bác sĩ hàng đầu Việt Nam đang chiến đấu để giữ tính mạng cho phi công Scotland, 43 tuổi”.
Có thể gọi đây là “Hành trình kỳ diệu” của bệnh nhân người Anh và đội ngũ các y, bác sĩ Việt Nam. Ngày 18.3, nam phi công người Anh vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, là bệnh nhân 91 mắc Covid-19 tại nước ta. Bệnh nhân là một trong số những ca mắc Covid-19 liên quan đến ổ dịch tại quán bar có tên Buddha. Tiếp nhận bệnh nhân, nhân viên phòng xét nghiệm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cảnh báo các bác sĩ cẩn thận do tải lượng vi rút của bệnh nhân cao gấp nhiều lần người bệnh khác. Sau đó là hành trình 3 tháng cứu chữa bệnh nhân nam phi công Anh - bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng nhất, có thời gian điều trị lâu nhất của các bác sĩ Việt Nam với rất nhiều thời điểm cân não, có những lúc gần như tuyệt vọng nhưng cuối cùng ca bệnh nổi tiếng thế giới này đã trở thành kỳ tích y khoa của Việt Nam trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, với những hành động, ý kiến đóng góp cụ thể, Việt Nam đã nâng cao uy tín của đất nước trong cộng đồng quốc tế. Tổng thư ký Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Lim Jock Hoi khẳng định trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã “thể hiện tầm lãnh đạo mạnh mẽ trong việc dẫn đầu một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch”. Đồng thời đánh giá cao sự đóng góp của Việt Nam, đặc biệt là việc giúp đỡ một số nước thành viên ASEAN cũng như một số nước đối tác đối thoại trong việc ứng phó với đại dịch.

Vị thế Việt Nam tăng cao

Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, khẳng định: “Thế và lực của Việt Nam hiện nay trên thị trường quốc tế ngày được đánh giá cao. Trước đây, Việt Nam nhận được sự hỗ trợ của các nước nhưng trong đại dịch lần này, Việt Nam lại chủ động hỗ trợ các nước nhiều thiết bị y tế, khẩu trang, đồ bảo hộ... Hành động của Việt Nam thời gian qua đã được các nước đánh giá và tín nhiệm cao. Đặc biệt những lời nhắc đến Việt Nam với hình ảnh đẹp và điển hình hợp tác quốc tế khi thế giới gặp khó khăn, đại dịch. Việt Nam được xem như “ngọn hải đăng” khi kiểm soát dịch thành công và có biện pháp kiểm soát tốt”.
Trong cuộc chiến cam go với đại dịch Covid-19, Việt Nam dù đang nỗ lực hết sức chống dịch nhưng vẫn sẻ chia, giúp đỡ các nước bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Theo ông Trần Hoàng Ngân, Việt Nam không chỉ chia sẻ với thế giới về mặt vật chất mà còn cả về những phương pháp, biện pháp đã triển khai trong công tác phòng chống dịch Covid-19 và nhiều nước cũng đã lấy đó làm kinh nghiệm. Tính đến nay, Việt Nam đang kiểm soát được tình hình dịch bệnh, không để lây lan trong cộng đồng, đạt những kết quả tích cực bước đầu với số lượng người mắc Covid-19 được chữa khỏi bệnh chiếm tỷ lệ cao, tỷ lệ tử vong rất thấp (do bệnh nền quá nặng), được Tổ chức Y tế thế giới và cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Ông Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh: “Tâm thế Việt Nam hiện nay đã khác xưa nhiều”. Nhìn lại từ năm 1989, GDP của Việt Nam chỉ 6,3 tỉ USD. Đến năm 2019 lên 262 tỉ USD, tạo lập được bước ngoặt về kinh tế. Tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì hằng năm khoảng 6,6%/năm, đứng thứ nhì thế giới về nước có tăng trưởng kinh tế cao. GDP bình quân đầu người năm 1989 chỉ 95 USD nhưng nay 2.740 USD, gấp 28 lần so với cách đây 30 năm. Thêm vào đó, độ mở của kinh tế Việt Nam cao, kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm 200% GDP, độ mở lớn, quan hệ nhiều nước và ký rất nhiều hiệp định thương mại tự do FTA với các nước trên thế giới, trong đó 2 hiệp định lớn Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương ( CPTPP ), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu… Ngay cả trong thời điểm dịch Covid-19 xảy ra, nhiều nước chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư bởi đất nước này ổn định về kinh tế vĩ mô cũng như chính trị, nhân dân Việt Nam có tinh thần hiếu khách". 
Trong cuộc họp báo ngày 27.4 tại Geneva, người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã gửi lời cảm ơn Việt Nam cùng một số quốc gia, tổ chức và cá nhân khác “vì những đóng góp gần đây” cho Kế hoạch ứng phó và chuẩn bị chiến lược của WHO trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Cụ thể, Tổng giám đốc WHO Tedros nói: “Tôi xin cảm ơn Trung Quốc, Bồ Đào Nha và Việt Nam vì những đóng góp gần đây của họ cho Kế hoạch ứng phó và chuẩn bị chiến lược của WHO”, và gửi lời cảm ơn tới hơn 280.000 cá nhân, tập đoàn và tổ chức đã đóng góp cho Quỹ phản ứng đoàn kết của WHO.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.